Tuyên ngôn Quốc tế về
quyền con người (UDHR) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948 khẳng
định: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi".
Là một
đất nước đã phải trải qua những năm dài bị đô hộ, chiến tranh tàn phá, dân tộc
Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị, khát vọng để giành lại những quyền cơ bản vốn
có của con người. Bởi thế, mọi sự xuyên tạc, vu khống, chống phá Việt Nam về
vấn đề nhân quyền đều trở nên lạc lõng. Không thế lực bên ngoài nào có quyền
ban phát, hay từ chối thành tựu lớn lao về quyền con người của dân
tộc Việt Nam.
Quyền
con người là thành tựu chung của nhân loại và luôn là khát vọng cháy bỏng của
con người dù bất kể chế độ chính trị nào. Dù vậy, đã từ lâu, chủ nghĩa đế quốc
và các thế lực thù địch lại sử dụng quyền con người như một vũ khí lợi hại để
chống phá Việt Nam, mà thực chất là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, phá bỏ con đường mà nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.
Thành tựu không phải của
riêng phương Tây
“Lập lờ
đánh lận con đen”, các thế lực thù địch chống phá, xuyên tạc sự thật về tự do,
dân chủ ở Việt Nam tự cho rằng: “Quyền con người là thành tựu riêng có của
phương Tây”... Từ sự nhận xằng đó, họ áp đặt “các giá trị phổ quát”, lấy nhân
quyền cao hơn chủ quyền để ra điều kiện với Việt Nam với ý đồ chống phá chứ
không phải vì mục tiêu là sự tiến bộ.
Điều
đương nhiên, không phải chỉ đến cách mạng tư sản với sự ra đời của nhà nước tư
sản mới có quyền con người. Thực chất, quyền con người xuất hiện từ khi con
người ý thức về sự tồn tại của mình và ý thức về nhu cầu, lợi ích cá nhân trong
các quan hệ xã hội.
Tư
tưởng và nội hàm về quyền con người đã xuất hiện từ sớm và tồn tại trong mọi
nền văn hóa. Về bản chất, quyền con người là các quyền bẩm sinh thuộc sở hữu
vốn có của mọi người, nó gắn liền với hành động công nhận, thừa nhận chứ không
phải là ban phát, từ chối hay tước đoạt vô cớ. Nó bắt nguồn từ phẩm giá vốn có
của tất cả mọi người, đó là các quyền và tự do cơ bản của con người trên lĩnh
vực quyền dân sự, chính trị; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Lịch sử phát
triển của xã hội, xét đến cùng đều là lịch sử đấu tranh vì quyền con người.
Điều đó càng khẳng định chân lý, quyền con người là giá trị chung của nhân
loại.
Khẳng
định như vậy có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó chỉ ra nguồn gốc của quyền con
người. Tuy vậy, thuật ngữ “quyền con người” ra đời khá muộn, gắn liền với cuộc
cách mạng tư sản nên nó thường bị lợi dụng để gây hiểu lầm rằng nó là thành tựu
của riêng phương Tây.
Chúng
ta có đầy đủ cơ sở để bác bỏ quan điểm sai trái, coi quyền con người là phát
kiến, là giá trị riêng có của các nước phương Tây. Đây cũng là cơ sở để góp
phần khắc phục các biểu hiện phiến diện, cực đoan, quay lưng, khước từ những
giá trị tiến bộ, văn minh hoặc chấp nhận sự áp đặt mô hình của nước này cho
nước khác.
Lịch sử
đã chứng minh, những tư tưởng về quyền con người cũng như những quy định trong
luật pháp và kết quả đạt được về quyền con người là thành quả đấu tranh lâu
dài, gian khổ của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, qua mọi thời kỳ
phát triển.
Đó cũng
là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó,
quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại. Vì là giá trị chung của
nhân loại nên tất cả các quốc gia, dân tộc không phân biệt chế độ chính trị,
trình độ phát triển đều có quyền thụ hưởng và có nghĩa vụ bảo vệ, phát triển giá
trị xã hội cao quý này.
Áp đặt là vô nghĩa
Áp đặt
tiêu chuẩn dân chủ, nhân quyền phương Tây trên phạm vi toàn cầu nói chung và
với Việt Nam nói riêng là cách thức rất vô lý và hoàn toàn không phù hợp với
thực tiễn. Ngay trong Hiến chương Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh: Không quốc gia
nào, kể cả Liên hợp quốc, có quyền can thiệp vào công việc thực chất thuộc thẩm
quyền quốc gia. Vậy mà, một số nước phương Tây lại tự cho mình có quyền áp đặt
các “giá trị phương Tây” nhằm tác động vào việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện
thể chế, thúc đẩy phát triển xã hội dân sự, nhằm tạo ra lực lượng đối trọng với
Chính phủ Việt Nam thì thật khó chấp nhận.
Một số
nước này luôn sử dụng “tiêu chuẩn kép” về quyền con người. Họ áp đặt quan điểm
“quyền con người phổ quát” nhưng theo kiểu “nhân quyền cao hơn chủ quyền”.
Trong các chiêu bài áp đặt, họ luôn kêu gọi, khuyến khích các đòi hỏi cực đoan,
hành vi vi phạm pháp luật, chống đối chính quyền thông qua các hình thức “bất
tuân dân sự”, “kiến nghị tập thể”, “đấu tranh bất bạo động”... nhằm phá hoại sự
ổn định và phát triển của Việt Nam.
Thực
tiễn đang chứng minh một nghịch lý, trong khi không ngừng thúc ép các quốc gia
khác, trong đó có Việt Nam cải thiện nhân quyền, nhưng ở chính nội tại một số
nước đó vẫn áp dụng chính sách phân biệt đối xử. Có những nước lớn luôn tỏ ra
quan tâm quá mức đến nhân quyền ở các nước khác thì sự bất công về phân biệt
đối xử giữa người da trắng và người da đen chưa bao giờ chấm dứt. Hố sâu phân
hóa giàu nghèo đang ngày càng xa hơn.
Trong
khi những tỷ phú đô la ở nước đó có quyền năng rất lớn thì rất nhiều người sống
trong nghèo khổ; nhiều con người vẫn bị tước đoạt mạng sống bởi tình trạng súng
đạn mất kiểm soát. Thậm chí có những nước lớn đến nay vẫn chưa phê chuẩn một số
công ước quốc tế quan trọng về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về
quyền trẻ em năm 1989 (CRC).
Một số
nước phương Tây hiện nay vẫn đang sử dụng hình thức viện trợ, hợp tác để công
khai lôi kéo và hỗ trợ cho hoạt động đối lập, bất đồng chính kiến ở Việt Nam,
thậm chí đưa các yêu sách cải thiện nhân quyền thành điều kiện cho hợp tác song
phương và đa phương là vô lý. Các nước trên thế giới ở những trình độ phát
triển khác nhau nên không thể lấy giá trị, tiêu chuẩn của nước này áp đặt cho
nước khác.
Trong
xã hội còn giai cấp, còn nhà nước thì một vấn đề tất yếu là quyền con người
mang tính giai cấp sâu sắc. Chỉ thị số 12/CT/TW của Ban Bí thư ngày 12-7-1992
“về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta” khẳng định:
“Trong xã hội có phân chia giai cấp đối kháng, khái niệm nhân quyền mang tính
giai cấp sâu sắc”.
Bởi
vậy, việc áp đặt tiêu chuẩn của một nước này cho một nước khác về các tiêu chí
nhân quyền là hoàn toàn vô lý. Trên phạm vi quốc tế, tính giai cấp của khái
niệm quyền con người được thể hiện trong cuộc đấu tranh giữa lực lượng cách
mạng, tiến bộ với các lực lượng phản động, phản tiến bộ. Ngày nay nó được biểu
hiện chính là dưới hình thức thúc đẩy chiến lược “diễn biến hòa bình”, gây bạo
loạn, lật đổ...
Bảo đảm
quyền con người trước hết và chủ yếu thuộc trách nhiệm của mỗi quốc gia. Trách
nhiệm pháp lý này đã được Liên hợp quốc quy định trong các văn kiện quyền con
người quốc tế. Dù đã được quốc tế hóa nhiều mặt, nhưng việc bảo đảm quyền con
người chủ yếu vẫn thuộc thẩm quyền của các quốc gia. Sự hợp tác trên lĩnh vực
quốc tế về quyền con người là rất quan trọng, vì có thể bổ sung thêm nguồn lực
và kinh nghiệm trong việc bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên, các cơ chế quyền
con người quốc tế chỉ nhằm bổ sung chứ không thể thay thế các cơ chế đang vận
hành tại các quốc gia.
Đối với
việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, trách nhiệm của quốc gia
càng rõ ràng, không bất cứ một quốc gia hay tổ chức quốc tế nào có thể đảm
đương được công việc bảo đảm các quyền này thay cho mỗi nhà nước. Đây là những
nguyên tắc cần được nhận thức rõ ràng, đầy đủ. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc
gia là đòi hỏi hàng đầu trong việc bảo đảm và thực thi quyền con người.
Một yếu
tố quan trọng khác trong xem xét vấn đề quyền con người, đó là phải đặt nó
trong bối cảnh lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh
tế, xã hội, văn hóa của đất nước đó. Chính điều này đã được cộng đồng quốc tế
thừa nhận thông qua Tuyên bố Vienna và Chương trình Hành động tại Hội nghị
thế giới về nhân quyền năm 1993 tại Vienna (Áo).
Tuyên
bố đã khẳng định khi xem xét vấn đề nhân quyền phải luôn ghi nhớ tính đặc thù
dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo... Như
vậy, không thể áp đặt hay sao chép máy móc các tiêu chuẩn, mô thức của nước này
cho nước khác.
Việc
một số nước nào đó tự cho mình quyền áp đặt chuẩn mực cho quốc gia khác, rồi
lại tự cho phép mình bảo vệ quyền con người ở mọi nơi theo ý đồ của họ, bất
chấp chủ quyền của các quốc gia đó là điều không thể chấp nhận. Quyền con người
là giá trị được kết tinh từ những thành tựu, kinh nghiệm đặc sắc trong lịch sử,
truyền thống, văn hóa của mỗi quốc gia.
Tính
phụ thuộc của quyền con người còn bắt nguồn từ sự phát triển không đều về mọi
mặt của thế giới, nên quyền con người cũng không thể được đáp ứng như nhau giữa
các quốc gia, mà phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của
mỗi nước. Việt Nam đã tiệm cận rất rõ quan điểm này từ sớm, thể hiện trong Chỉ
thị số 12/CT/TW của Ban Bí thư ngày 12-7-1992: “Nhân quyền luôn luôn gắn liền
với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa
của đất nước. Do vậy, không thể áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn, mô
thức của nước này cho nước khác”.
Chính
trong hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người cũng cho phép một quốc gia
bảo lưu những điều khoản cụ thể khi tham gia một công ước, hoặc có các nghị
định thư bổ sung cho một công ước nào đó, thể hiện việc chưa ngang bằng giữa
các quốc gia.
Mỗi
quốc gia có quyền lựa chọn các giải pháp tối ưu cho việc cân bằng giữa ổn định
xã hội với việc bảo đảm đầy đủ quyền con người, có quyền xây dựng lộ trình
trong việc thực hiện cam kết đối với các điều ước quốc tế về quyền con người.
Như vậy mọi sự sao chép, áp đặt các mô hình dân chủ, quyền con người là không
thể chấp nhận.
Mục 7,
Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc khẳng định: “... Hoàn toàn không cho phép Liên
hợp quốc được can thiệp vào những công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ
của bất cứ quốc gia nào, và không đòi hỏi các thành viên của Liên hợp quốc phải
đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến chương”.
(còn
nữa)
NGUYỄN
ANH TUẤN - ĐỖ XUÂN ĐOÀI (Báo Quân đội Nhân dân)
bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa