Với cương vị là
người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong 24 năm, Chủ tịch
Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh ra nhà nước kiểu mới ở Việt Nam,
mà còn là người thầy vĩ đại trong việc phát huy vai trò của nhân dân - chủ
thể cao nhất, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được thực thi theo đúng tính
chất quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân. Đến nay, việc phát huy
vai trò của nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước đã đạt được nhiều
kết quả tích cực. Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền,
người dân về kiểm soát quyền lực nhà nước, cũng như cơ chế phát huy vai
trò của nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước có lúc, có nơi vẫn còn
bất cập. Do đó, việc nghiên cứu, vận dụng các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo
của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm soát
quyền lực nhà nước là vấn đề cấp thiết, nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện
cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay.
Kiểm soát quyền
lực nhà nước được bàn đến với nhiều định nghĩa khác nhau, song theo nghĩa chung
nhất, đó là một hệ thống cơ chế, thể chế được thực hiện bởi nhà nước và xã
hội nhằm xem xét, giám sát, phát hiện, bảo đảm cho việc thực thi quyền lực
nhà nước đúng mục đích, có hiệu quả.
Theo C. Mác và
Ph. Ăng-ghen, trong xã hội có giai cấp đối kháng, quyền lực nhà nước nằm
trong tay giai cấp thống trị; nếu chế độ nhà nước đó bị đập tan thì quyền
lực nhà nước trở về tay nhân dân như chính cội nguồn ban đầu của nó, nhân
dân là gốc, là chủ thể của quyền lực. Kế thừa và phát triển quan điểm của
C. Mác và Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin khẳng định, kiểm soát quyền lực nhà
nước là một trong những chức năng lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, V.I. Lê-nin cho rằng, nhân dân là chủ thể kiểm soát nên cần
phải hết sức coi trọng và phát huy vai trò nhân dân trong kiểm soát quyền
lực nhà nước. Người yêu cầu tổ chức cho toàn dân tham gia kiểm tra và kiểm soát
hoạt động của nhà nước, “tổ chức việc kiểm tra và kiểm soát từ dưới lên,
một cách dân chủ, do chính nhân dân, các hội liên hiệp của nhân viên, của công
nhân và của những người tiêu dùng, v.v., thi hành”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cách mạng
Việt Nam, đưa sự nghiệp đấu tranh của nhân dân ta đi từ thắng lợi này tới
thắng lợi khác. Những quan điểm về kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua
vai trò nhân dân được Người vận dụng, phát triển, gồm một số nội dung chính
sau:
Thứ nhất, nhân
dân kiểm soát quyền lực nhà nước bằng cách giám sát, phê bình, giúp đỡ
Chính phủ.
Đề cao vai trò
của nhân dân là quan điểm nhất quán, xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi Người quan niệm, phải tổ chức sự kiểm soát quyền
lực của nhà nước, mà muốn kiểm soát tốt thì phải có quần chúng giúp mới
được. Người cho rằng, những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của
công việc, của sự thay đổi theo cách từ trên xuống, nên bị hạn chế. Dân
chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, trông thấy vấn đề
theo cách từ dưới lên và cũng có hạn chế. Cho nên, Người lưu ý, muốn giải
quyết vấn đề cho đúng, thì tất yếu phải hợp kinh nghiệm cả hai bên lại. Tại
kỳ họp Hội đồng Chính phủ cuối năm 1966, Người đã nêu lên thực trạng tại
một số nơi, ở cấp cơ sở, có những cán bộ phụ trách, do rơi vào chủ
nghĩa cá nhân, thiếu tinh thần phục vụ nhân dân, đã làm những điều đi
ngược lại lợi ích của nhân dân. Do vậy, Người luôn nhất quán khẳng định, chúng
ta phải tin ở sự phê bình, kiểm soát của nhân dân. Trong tác phẩm Sửa
đổi lối làm việc (năm 1947), Người viết: “Để cho dân chúng phê bình
cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc
thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng. Đồng thời, do sự dùi
mài của dân chúng, cán bộ và dân chúng đều tiến bộ, lại do đó, cán bộ và
dân chúng đoàn kết chặt chẽ thêm”. Người luôn mong muốn nhân dân thực hiện
quyền làm chủ của mình thông qua việc việc kiểm tra, kiểm soát nhà nước:
“Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức
phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn
đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: người đày tớ
trung thành tận tụy của nhân dân”.
Thứ hai, nhân
dân kiểm soát quyền lực bằng quyền bầu cử, bất tín nhiệm và quyền khiếu tố
với đại biểu do mình cử ra.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh khẳng định: “Ở quần chúng, khai hội, phê bình và bày tỏ ý kiến, bầu cử các
ủy ban, các hội đồng, v.v.; đó là những cách quần chúng kiểm soát những
người lãnh đạo”. Vậy nên, sau khi nước nhà giành được độc lập, Người đã chủ
động đề xuất với Chính phủ tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước. Theo
Người, tổ chức Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa
chọn những người có đức, có tài, để gánh vác công việc nước nhà... Cũng từ
Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của
nhân dân. Khi Quốc hội ra đời, sẽ cử ra Chính phủ và Chính phủ do nhân dân
cử ra chính là Chính phủ của toàn dân.
Theo Chủ tịch Hồ
Chí Minh, bầu cử là quyền và nghĩa vụ cơ bản của nhân dân trong chế độ
mới. Điều này được Người khẳng định ở Đại hội nhân dân Thủ đô chào mừng
các vị ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội, ra mắt cử tri ngày
24-4-1960. Trong lời phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, việc lựa
chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của cử tri.
Người đề cao giá trị mà lá phiếu cử tri mang lại, bởi nó là một dấu hiệu
để khẳng định một sự thật rằng nhân dân đã thật sự làm chủ nước nhà. Trong
tác phẩm Thường thức chính trị (năm 1953), Người nhấn mạnh:
“Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân
biệt gái trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt
nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý, để nhân dân
lao động thực hành quyền thống trị của mình”.
Mặt khác, Chủ
tịch Hồ Chí Minh cho rằng, với những đại biểu không xứng đáng, nhân dân
có quyền bất tín nhiệm. Trong bài nói chuyện với các đại biểu thân sĩ trí
thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa vào đầu năm 1947, Người nêu lên tinh thần xây
dựng Chính phủ vì nhân dân phục vụ, rằng nếu Chính phủ đó làm hại dân, thì
nhân dân có quyền đuổi Chính phủ. Quan điểm của Người về quyền bất tín
nhiệm đã được cụ thể hóa tại Điều thứ 20, Hiến pháp năm 1946: “Nhân dân có
quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra”. Điều này cũng được Người đề
cập trong Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội
khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Nhân dân có quyền bãi miễn đại
biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra
không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm
quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”.
Ngoài ra, Chủ
tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến quyền khiếu tố của nhân dân, coi đây cũng
là cách thức để nhân dân tham gia trực tiếp vào việc kiểm soát quyền lực
nhà nước. Trong Thư gửi đồng bào Liên khu IV (năm 1950), Người viết: “Nước
ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm. Khắp
nơi có đoàn thể nhân dân, như Hội đồng nhân dân, Mặt trận, Công đoàn, Hội
Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, v.v.. Những đoàn thể ấy là tổ chức của
dân, phấn đấu cho dân, bênh vực quyền của dân, liên lạc mật thiết nhân dân với
Chính phủ. Khi ai có điều gì oan ức, thì có thể do các đoàn thể tố cáo lên
cấp trên. Đó là quyền dân chủ của tất cả công dân Việt
Nam. Đồng bào cần hiểu rõ và khéo dùng quyền ấy”.
Thứ ba, nhân dân
kiểm soát quyền lực thông qua xây dựng thể chế dân chủ. Theo
Chủ tịch Hồ Chí Minh, chế độ của ta là chế độ dân chủ, vì nhân dân là chủ,
nhân dân làm chủ, còn Chính phủ là đày tớ của nhân dân... Theo đó, mọi
công việc của Chính phủ từ việc to, việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi
ích của nhân dân. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày
3-9-1945, Người đề xuất “xây dựng hiến pháp dân chủ” để thể chế hóa quyền
và nghĩa vụ của nhân dân. Lời nói đầu Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp
đầu tiên của dân tộc - được Quốc hội khóa I thông qua ngày 9-11-1946, là
thành quả kết tinh trí tuệ của Ban dự thảo do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm
Trưởng ban, đã nêu rõ, nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo
toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và xây dựng nước nhà trên nền tảng
dân chủ. Điều thứ 1, Hiến pháp năm 1946 còn ghi nhận quyền lực nhà nước
cao nhất thuộc về nhân dân: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân
dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp,
tôn giáo”.
Đánh giá về vai
trò của Hiến pháp năm 1946 trong thể chế hóa chế độ dân chủ ở Việt Nam,
Người khẳng định: “Chế độ do Hiến pháp năm 1946 xác nhận đã đảm bảo độc
lập dân tộc và một nền dân chủ rộng rãi của nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí
Minh còn đề cập đến việc xây dựng thể chế dân chủ nhằm huy động vai trò
của nhân dân tham gia quản lý nhà nước. Trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp
sửa đổi tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I, ngày 18-12-1959, Người nêu rõ:
“Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn
dân, để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi
người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước, ra
sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước
nhà”.
HAIVAN
bài rất ý nghĩa
Trả lờiXóa