Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP 1945 - GIÁ TRỊ TRONG SỰ NGHIỆP BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY!

        Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không chỉ tuyên bố với thế giới về nền độc lập của nước Việt Nam, mà còn khẳng định ý chí sắt đá của dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền độc lập đó. Tinh thần và khí phách dân tộc thể hiện trong Bản Tuyên ngôn mãi mãi là kim chỉ nam cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. 

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật, đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tuyên bố đó, đã thể hiện ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó cũng là lời hịch truyền gửi đến muôn đời con cháu mai sau với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Lịch sử đã lùi xa 78 năm, nhưng ý nghĩa và giá trị của Bản Tuyên ngôn Độc lập đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam chưa bao giờ xưa cũ. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”. Với nhận thức đúng đắn về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… để xây dựng tiềm lực, thế trận cho sự nghiệp đó và đã giành được những thành tựu quan trọng. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều phức tạp, chúng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc… Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền, biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Mặc dù tiềm lực kinh tế của đất nước còn hạn chế, nhưng Đảng và Nhà nước ta, với sự đồng lòng của toàn dân đã quan tâm đầu tư xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân trên phạm vi cả nước; chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, đưa một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển mới, với nhiều thuận lợi do thế và lực của ta đã được cải thiện nhiều so với trước, nhưng cũng đứng trước những thách thức gay gắt. “Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta còn cam go, phức tạp, lâu dài”. Trước tình hình đó, lời thề “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” lại vang vọng, thúc giục các thế hệ hôm nay phải nỗ lực nhiều hơn, để thực hiện trọn vẹn mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bằng những hành động thiết thực.

Trước hết, phải đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị cho các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Kiên trì tuyên truyền, làm rõ nội hàm của mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay không chỉ là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”, mà còn bao gồm cả “bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc”.

Thứ hai, tích cực tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về chủ quyền, lãnh thổ đất nước; làm cho họ hiểu đúng vấn đề chủ quyền với nội dung toàn diện, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta cần nắm vững phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để xử lý các tình huống một cách tỉnh táo, bản lĩnh, vừa đảm bảo giữ được độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, vừa giữ được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước về mọi phương diện. Cùng với đó, cần nhận thức đúng việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc phải được thực hiện trên toàn bộ đường biên giới quốc gia. Theo đó, phải chăm lo xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân trên phạm vi cả nước, trên toàn bộ tuyến biên giới quốc gia, nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.

Thứ ba, tập trung xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đó chính là một trong những nội dung quan trọng để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Bởi, bảo vệ Tổ quốc hiện nay không chỉ về phương diện tự nhiên - lãnh thổ, mà còn về phương diện chính trị - xã hội, nên việc xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện tốt nội dung này, chúng ta cần kiên trì đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cùng với đó, cần chủ động tiến công, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ công cuộc đổi mới và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ tư, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay phải trên cơ sở tích cực nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; nắm vững phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, có cách nhìn biện chứng về “đối tượng”, “đối tác” để có thể tranh thủ hợp tác khía cạnh “đồng thuận” ở mỗi “đối tượng”; kiên quyết đấu tranh với từng “đối tác” về những vấn đề còn mâu thuẫn, trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, lấy giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước là lợi ích cao nhất.

Thứ năm, giữ vững phương châm “kiên quyết sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp nước ta và luật pháp quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nhưng đồng thời cũng phải quyết tâm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước”.

Thứ sáu, phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta vừa phải ra sức tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vừa phải coi việc phát huy nội lực luôn là nhân tố quyết định. Muốn vậy, cần chăm lo xây dựng để “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối thống nhất”; nắm vững và hành động đúng chủ trương của Đảng coi “nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”.

78 năm đã trôi qua, nhưng Tuyên ngôn Độc lập 1945 vẫn mãi là kim chỉ nam cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Ý nghĩa và khí phách của dân tộc trong Bản Tuyên ngôn tiếp tục được các thế hệ người Việt Nam hiện thực hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau./.
Yêu nước ST.

1 nhận xét:

  1. Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không chỉ tuyên bố với thế giới về nền độc lập của nước Việt Nam, mà còn khẳng định ý chí sắt đá của dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền độc lập đó.

    Trả lờiXóa