Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

 

VỀ NHIỆM VỤ ĐẤU TRANH

CHỐNG CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH


1. Các thế lực thù địch đã và đang sử dụng nhiều phương tiện, bằng nhiều con đường và với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt tấn công chúng ta trên các hướng chính sau:

- Một là, xuyên tạc, bài bác, phủ định học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học của C.Mác, cho rằng, lý luận Mác - Lênin chỉ đúng cho thời kỳ tư bản công nghiệp (nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX), nay loài người đã qua giai đoạn văn minh công nghiệp, bước vào thời kỳ văn minh hậu công nghiệp, văn minh tin học - kỹ thuật số, nên lý luận của hai ông không còn phù hợp. Họ nguỵ biện cho rằng, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa  ở Liên Xô, châu âu (1989-1991) là thể hiện sự lạc hậu, bất cập của học thuyết Mác - Lênin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; Việt Nam phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là đi vào ngõ cụt, không có tiền đồ.

- Hai là, xuyên tạc tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam, phủ nhận những thành tựu to lớn của nhân dân ta trong quá trình đổi mới, đồng thời, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của Nhà nước ta trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, coi tệ quan liêu, tham nhũng là khuyết tật không thể khắc phục được trong xã hội xã hội chủ nghĩa; quy mọi yếu kém đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; đòi ra báo tư nhân; đòi hình thành các đảng phái chính trị đối lập với Đảng Cộng sản...

- Ba là, xuyên tạc lịch sử, “hạ bệ thần tượng”, phủ nhận thắng lợi lịch sử có tính quốc tế của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã được loài người tiến bộ, các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc, UNESCO xác nhận và tôn vinh, ca ngợi.

- Bốn là, xuyên tạc tình hình thực tế Việt Nam, vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, cố tình đổi trắng thay đen, dựng chuyện Việt Nam đàn áp tôn giáo, kỳ thị, phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số.

- Năm là, bằng mọi cách tác động vào nội bộ ta, dựng chuyện có phái này, phái nọ (phái bảo thủ, phái cấp tiến) trong các cơ quan đảng, nhà nước nhằm, làm cho nội bộ nghi ngờ nhau, suy giảm đoàn kết trong các cơ quan đảng, nhà nước và trong nhân dân...

Để thực hiện những việc trên, các thế lực thù địch đã huy động "sức mạnh tổng hợp": Hệ thống thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí), các ấn phẩm văn hoá (sách, tạp chí, băng, đĩa...), mạng Internet để chuyển tải các thông tin sai lệch, phản động đến các tầng lớp nhân dân Việt Nam, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp, tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh, văn nghệ sĩ, trí thức, đồng bào dân tộc thiểu số...Họ hậu thuẫn và hỗ trợ cho các phần tử chống đối và bọn phản động trong nước để truyền bá các tư tưởng, luận điệu phản động nói trên. Thông qua con đường hợp tác kinh tế, trao đổi văn hoá, du lịch,... để truyền bá các tư tưởng thù địch, phản động vào các tầng lớp nhân dân và xâm nhập hệ thống chính trị các cấp.

Toàn bộ các hoạt động nói trên của các thế lực thù địch đều hướng vào mục tiêu là làm cho đại đa số nhân dân Việt Nam nghi ngờ thành quả cách mạng trong quá khứ, nhìn vào thực tại xã hội chỉ thấy tiêu cực, bất ổn, nhìn về tương lai mờ mịt, từ đó suy giảm, thậm chí mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đi đến hình thành tâm lý xã hội bất ổn, bất bình, mong muốn và trông chờ có sự thay đổi về chính trị. Với các bài bản, thủ đoạn đã nêu ở trên, các thế lực chống cộng quốc tế đã tạo ra được trạng thái tâm lý xã hội nói trên ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác ở châu Âu cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, mơ hồ, mất cảnh giác trước âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng chính trị.

2. Trong cuộc đấu tranh này, cần có nhận thức đúng đắn, thống nhất và thực hiện tốt một số nhiệm vụ lớn sau đây:

- Trước hết, về nhận thức: Bằng mọi cách, phải tạo ra được nhận thức đúng đắn, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân về những vấn đề liên quan đến cuộc đấu tranh này, nhận diện đầy đủ, đúng đắn âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, để không chủ quan, mơ hồ, mất cảnh giác; đồng thời, thấy rõ trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, của từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở trong cuộc đấu tranh trên mặt trận nóng bỏng này. Đây là một cuộc đấu tranh hết sức gay go, phức tạp, là một công tác trọng tâm, thường xuyên của thường vụ cấp uỷ và những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Chỗ nào, khi nào mà thường vụ cấp uỷ và người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thì ở chỗ đó, mới có thể huy động được cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia phản bác tư tưởng phản động của các thế lực thù địch.

- Hai là, phải đặc biệt coi trọng công tác phòng ngừa, trong đó, việc khắc phục những yếu kém trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, khắc phục tệ quan liêu, tệ tham nhũng phải được xem là nội dung chủ yếu của hoạt động phòng ngừa. Chính những yếu kém, khuyết điểm của chúng ta, chính "tình trạng tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên"(1) đã và đang bị các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để vu cáo, xuyên tạc và góp phần làm giảm lòng tin trong nhân dân, gây bất bình trong xã hội... Vì lẽ đó, Đại hội IX của Đảng (tháng 4 - 2001) đã nghiêm túc nhìn nhận "tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. gây bất bình và giảm lòng tin trong nhân dân"(2). Nếu không đẩy lùi được tệ quan liêu, tham nhũng và không khắc phục được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thì chúng ta chắc chắn không thể giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh phản bác lại luận điệu phản động của các thế lực thù địch. Do đó, phải xem cuộc đấu tranh để đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng và khắc phục sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có liên quan chặt chẽ, thậm chí cũng là một nội dung cực kỳ quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị. Nói cách khác, đây là một điều kiện bảo đảm cho cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng của chúng ta giành được thắng lợi.

- Ba là, cần tổ chức tốt hơn công tác tuyên truyền giáo dục về tư tưởng, chính trị, lịch sử văn hiến Việt Nam, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước, giữ nước. Phải tổ chức tốt hơn công tác giáo dục đạo đức, lối sống, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân trong hệ thống trường học, từ tiểu học đến đại học và sau đại học. Phải nghiêm túc thừa nhận rằng nội dung, phương pháp tuyên truyền mảng kiến thức này hiện nay còn rất kém trong hệ thống trường học của chúng ta. Đó là hậu quả của nhiều năm buông lỏng giáo dục đạo đức, lối sống, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân trong toàn bộ hệ thống nhà trường chúng ta. Chúng ta đã không lường hết tác động tiêu cực trong quá trình chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, chúng ta còn lúng túng bị động đối phó với hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, với những suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; vừa chủ quan, bảo thủ, trì trệ, vừa hữu khuynh, né tránh (hữu khuynh, né tránh là chủ yếu).

Trên cơ sở có nhận thức đúng đắn thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, cần đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân trong hệ thống nhà trường, đổi mới nội dung, phương pháp công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội. Đó là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc để tiến hành cuộc đấu tranh chống lại âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị.

- Bốn là, phải tổ chức tốt hơn cuộc đấu tranh phản bác lại các luận điệu phản động của các thế lực thù địch. Chúng ta thiếu những công trình lớn, có giá trị (sách, tài liệu chuyên khảo trong lĩnh vực này), thiếu cả những bài viết có thông tin sắc bén thuyết phục. Trách nhiệm trước hết thuộc về các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, chính trị. Các cơ quan đảng, nhà nước cần cung cấp các điều kiện làm việc và thông tin cho cán bộ khoa học, cán bộ nghiên cứu để họ có điều kiện sáng tạo những công trình có giá trị. Tổ chức vẫn là khâu quyết định. Các cơ quan hữu trách của Đảng và Nhà nước phải có trách nhiệm quy tụ được các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu và tạo điều kiện cho họ làm việc, phải thảo luận trao đổi dân chủ, cởi mở với họ về những vấn đề mà Đảng và Nhà nước quan tâm trong cuộc đấu tranh này. Các cơ quan truyền hình, báo chí, phát thanh cần dành đủ vị trí cần thiết (thời lượng phát sóng, diện tích mặt báo) để chuyển tải các công trình khoa học phản bác lại hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Các đài truyền hình, phát thanh của chúng ta thiếu hẳn những người bình luận chính trị - xã hội sắc sảo, có sức truyền cảm, thuyết phục. Chính họ là những chiến sĩ thông minh, tài ba, dũng cảm trên mặt trận tư tưởng chính trị. Cần nghiên cứu xây dựng chính sách đãi ngộ thoả đáng cho những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, xem đó như một "cú hích" để cỗ máy của chúng ta vận hành với một tốc độ lớn hơn, hiệu quả hơn. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tài chính và các điều kiện cần thiết cho việc nghiên cứu, in và phát hành các công trình (sách, tài liệu chuyên khảo...) trong lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.

Đấu tranh với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị là nhiệm vụ to lớn, phức tạp và khó khăn. Cuộc đấu tranh này, quan hệ đến sinh mệnh chính trị của Đảng, đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa, đến sự thịnh suy của đất nước. Do đó, nhất thiết phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Thường vụ cấp uỷ và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở phải nắm lấy việc này, phải xem là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của mình trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, không nên chỉ giao khoán cho các cơ quan chuyên môn giúp việc. Là đảng viên, là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mọi người đều có trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh phản bác luận điệu phản tuyên truyền, phản động của các thế lực thù địch. Cấp uỷ và chính quyền các cấp, trước hết là những cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp phải vững vàng về tư tưởng chính trị, có lối sống trong sáng, lành mạnh, tôn trọng và gắn bó mật thiết với quần chúng. Đó là những điều kiện cần và đủ để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống lại âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch./.



(1) Đảng Cng sn Vit Nam: Văn kin Đại hi đại biu toàn quc ln th IX, NXB Chính tr quc gia, Hà Ni 2001, tr.67

(2) Sđd, tr.76

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.

    Trả lờiXóa