Thứ Năm, 10 tháng 8, 2023

VÕ CHÍ CÔNG – CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG KIÊN CƯỜNG CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG KIÊN CƯỜNG, NHÀ QUÂN SỰ MƯU LƯỢC


Người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà quân sự mưu lược: Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912, tại xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Được thừa hưởng dòng máu yêu nước cách mạng của gia đình, lại được nuôi dưỡng trên mảnh đất quê hương có bề dày truyền thống văn hiến, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, tuổi thơ của Võ Chí Công được rèn đúc trong các phong trào đấu tranh yêu nước sục sôi chống Pháp ở Trung kỳ lúc đó, và đã sớm trở thành một thanh niên yêu nước, giàu nhiệt huyết cách mạng.
Năm 1932, khi mới 19 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, và chỉ ít lâu sau đã trở thành người lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Đảng ở phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Trong suốt những năm hoạt động cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, ông liên tục bám dân, trực tiếp lãnh đạo của các cấp bộ Đảng địa phương, xây dựng và phát triển lực lượng quần chúng rộng khắp. Nhờ đó, hàng loạt cơ sở cách mạng và các tổ chức, đoàn thể yêu nước đã ra đời, tập hợp được đông đảo lực lượng nhân dân tham gia, tạo nên phong trào cách mạng sôi nổi trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939) trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và nhiều tỉnh khác ở miền Trung.
Năm 1940, Võ Chí Công trực tiếp đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - một địa bàn địch thường xuyên khủng bố, đánh phá ác liệt. Nhưng với tinh thần không quản hy sinh, vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, ông thường xuyên đi sâu đi sát cơ sở, kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng. Giữa năm 1943, ông bị mật thám Pháp bắt và bị đưa đi đày tại Buôn Ma Thuột với mức án 25 năm cấm cố. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), ông được trả tự do, trở về quê nhà và tham gia Uỷ ban khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền nhanh gọn ở Quảng Nam- Đà Nẵng.
Sau Cách mạng tháng Tám, Võ Chí Công được phân công đảm trách nhiệm vụ mới, là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Khu uỷ khu V, lãnh đạo nhân dân khu V kháng chiến chống Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Quân khu uỷ khu V, nhân dân các tỉnh duyên hải miền Trung đã kiên cường chiến đấu, chia lửa với chiến trường chính Điện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (7/1954), lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Đầu năm 1953, Võ Chí Công được Trung ương triệu tập ra Việt Bắc tham dự Hội nghị toàn quốc của Đảng để bàn về cải cách ruộng đất. Sau đó, đồng chí được giữ lại ở miền Bắc tham gia công tác phát động quần chúng đấu tranh giảm tô, cải các ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Với tư cách là người trong cuộc, ông phê phán cách làm rập khuôn, giáo điều dựa vào kinh nghiệm nước ngoài một cách máy móc, dẫn đến những sai lầm, tổn thất cho cách mạng. Từ kinh nghiệm đau xót và bài học được rút ra, sau này cách mạng miền Nam đã tránh được nhiều tổn thất trong việc giải quyết vấn đề ruộng đất và chính sách đối với nông dân ở vùng giải phóng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Liên Khu V bao gồm cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là chiến trường khốc liệt. Trên cương vị Bí thư Khu uỷ kiêm Chính uỷ Quân khu V, Võ Chí Công đã bám trụ kiên cường, tổ chức chỉ đạo quân và dân Khu V chiến đấu không lùi bước. Trong những ngày đen tối của cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng đã nhận được những ý kiến nhận định, đánh giá sát thực về tình hình cách mạng miền Nam của ông.
Trên cơ sở ý kiến của Võ Chí Công, cùng với bản Đề cương về cách mạng miền Nam của Lê Duẩn, Ban Chấp hành Trung ương đã xây dựng nên Nghị quyết 15 lịch sử, tạo ra phong trào “Đồng khởi”, mở đầu thời kỳ đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù ở miền Nam. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ khu V, trực tiếp là Võ Chí Công - Bí thư Khu uỷ, địa bàn khu V luôn đi đầu trong phong trào thi đua diệt Mỹ, góp phần tạo thế đứng quan trọng của ta trên chiến trường miền Nam.
Ảnh chụp cùng đồng chí Đỗ Thế Chấp tại chiến khu.
ST

Có thể là hình ảnh về 2 người

1 nhận xét: