Không gian mạng là “môi trường đặc
biệt”, nơi kết nối, chia sẻ thông tin toàn cầu, mang lại lợi ích, mặt tích cực
trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng cũng có nhiều mối nguy hại đan
xen. Việc người dùng có thể tự do đăng tải, chia sẻ thông tin không giới hạn
lên không gian mạng khiến nơi đây đã, đang trở thành mảnh đất “màu mỡ” để các
thế lực thù địch lợi dụng, tuyên truyền chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng
và dân tộc. Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu
tranh chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng cần được đẩy mạnh cả về
lý luận và thực tiễn.
Thực chất chiến lược “Diễn biến hòa
bình” mà các thế lực thù địch đang ráo riết đẩy mạnh ở Việt Nam là nhằm phá
hoại Đảng, Nhà nước, tiến tới lật đổ chế độ chính trị ở nước ta. Đó là tổng hợp
các hoạt động nhằm lôi kéo, dẫn dắt tư tưởng, hành động của quần chúng nhân
dân, nhất là lớp trẻ; làm cho họ chạy theo những ham muốn tầm thường, xa rời lý
tưởng cách mạng và bị sai khiến; làm cho nội bộ ta “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”. Và một trong những thủ đoạn mà chúng thường sử dụng là lợi dụng không
gian mạng để đăng tải các bài viết, hình ảnh, video,... mang nội dung xuyên
tạc, kích động có chủ đích.
Theo khuyến cáo của lực lượng chức năng,
các thông tin xấu độc được phát tán với nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau, nhất
là trên các trang mạng lớn như Google, Facebook, kênh Youtube... làm công cụ
phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Để thu hút người truy cập, trong giai
đoạn đầu tiên, những phần tử quản trị các trang web, các diễn đàn này rất nỗ
lực tổng hợp tin tức từ các nguồn báo chí chính thống và các nguồn tin từ nước
ngoài khách quan.
Khi đã thu hút một lượng công chúng truy
cập thường xuyên, chúng cài dần các thông tin xấu độc, theo tỷ lệ tăng dần cả
về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Luận điệu phản động, sai trái
cũng sẽ tăng dần. Chính vì thế, nhiều người truy cập mạng, rất dễ dàng “mắc
mưu” của các thế lực thù địch và phản động, bị dẫn dắt và bị động trong việc
tiếp nhận thông tin xấu độc trên các trang mạng và các diễn đàn đã nêu trên.
Qua quan sát thói
quen sử dụng Internet của nhiều người, chúng ta không khó để nhận thấy không ít
người đã và đang bị mạng xã hội “dẫn dắt” một cách thái quá, dẫn đến sự “tha
hóa”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - thường xuyên có cái nhìn tiêu cực và
quy mọi vấn đề, sự kiện, hiện tượng xã hội thành “màu xám”. Thời gian qua, công
tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng của huyện
đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên
đã quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng công nghệ thông tin,
bảo đảm an toàn thông tin trong cơ quan, đơn vị. Cán bộ, đảng viên đã nhận thức
rõ được những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng của
các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; tổ chức lực lượng, tiến hành đa dạng
bằng nhiều nội dung, hình thức đấu tranh đạt hiệu quả khá cao. Công tác bảo vệ
nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch
được quan tâm triển khai, từng bước nâng cao hiệu quả.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các
bài viết tuyên truyền, chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam trên không gian
mạng rất nhiều. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, trong 06
tháng đầu năm 2023, mỗi tháng có hàng chục nghìn bài viết tiêu cực, xuyên tạc,
bịa đặt trên không gian mạng, thu hút hàng chục triệu lượt bình luận, chia sẻ
với tỷ lệ bình luận tiêu cực rất cao. Khi tìm kiếm trên mạng những vấn đề nóng,
nhạy cảm đang được xã hội quan tâm sẽ cho hàng triệu kết quả. Trong đó, trên 05
trang đầu tiên luôn có hàng chục bài viết tiêu cực từ các trang mạng VOA, BBC,
RFA, RFI, Báo Tiếng dân, v.v. Các bài tiêu cực tồn tại rất nhiều trên các
website, YouTube, Facebook, Instagram,… do được đăng tải từ nhiều tài khoản;
đăng tải nhắc lại không hạn chế ở các thời điểm khác nhau; nội dung chống phá
rất linh hoạt, tiếp cận từ nhiều góc độ, không cần tiêu đề rõ ràng, mang tính
ám chỉ việc xấu, hoặc chỉ nêu những bất bình trong cuộc sống…; từ đó, đặt câu
hỏi, khêu gợi tư tưởng tiêu cực cho người đọc, người nghe, nên tốc độ phát tán
và tương tác rất cao.
Nhận thức rõ điều đó, những năm qua,
Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn thông tin xấu độc,
bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống diễn biến hòa bình trên các loại hình
thông tin, truyền thông, nhất là môi trường mạng; tạo nên phong trào sôi nổi,
thu hút nhiều đối tượng tham gia và đạt hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình
đấu tranh vẫn còn những tồn tại, bất cập: Số lượng cơ quan truyền thông, báo,
tạp chí có chuyên mục đấu tranh chuyên biệt chưa nhiều, chủ yếu nằm trong lực
lượng vũ trang; Lượng tương tác bình luận, chia sẻ đối với các bài này còn
thấp, chỉ đạt từ 2% - 4%; Chưa có nhiều ‘kênh” đăng tải, chủ yếu là các bài
viết dạng văn bản trên web, Facebook, khá ít trên YouTube; các trang Fanpage
của các đơn vị cũng chỉ thu hút tương tác chủ yếu đối với tài khoản của nhóm
bạn có cùng sở thích, nặng tính nội bộ, giáo dục lẫn nhau,... nên hiệu quả còn
hạn chế.
Để nâng cao chất lượng đấu tranh phòng,
chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng trước hết cần đẩy mạnh công tác
giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tinh thần
cảnh giác, ý chí, quyết tâm cho cán bộ, đảng viên. Phải kết hợp chặt chẽ giữa
“xây” và “chống”, lấy xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, môi trường
internet trong sạch là chính. Cùng với đó, phải huy động sức mạnh tổng hợp của
các tổ chức, các lực lượng, của mọi cán bộ, đảng viên; khơi dậy tinh thần yêu
nước, ý thức cảnh giác cách mạng, ý thức tự giác, hành động tích cực trong đấu
tranh chống quan điểm sai trái, phê phán những tư tưởng lệch lạc, mơ hồ, dao
động; lên án những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Xây dựng đồng bộ lực lượng quản
trị, viết bài và tổ chức đấu tranh thường xuyên, liên tục.
Đấu tranh chống diễn biến hòa bình là hoạt động tổng hợp, diễn ra trên mọi lĩnh
vực, nên cần tìm kiếm, xây dựng mạng lưới cộng tác viên đa dạng, nhất là đối
với lĩnh vực có nhiều hoạt động chống phá. Đối tượng lựa chọn phải được đặt lên
hàng đầu tiêu chuẩn về chính trị; đủ năng lực khai thác thông tin, viết bài đấu
tranh trên nhiều lĩnh vực. Tập trung xây dựng các ban chỉ đạo đấu tranh vững
mạnh, có khả năng dự báo tình hình, năng lực tổ chức, chỉ huy; thường xuyên
được tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng chỉ đạo, phối hợp đấu tranh, sử dụng
mạng,…để chỉ huy, chỉ đạo toàn lực lượng thực thi nhiệm vụ. Trong quá trình
thực hiện, cần kịp thời chỉ đạo: vấn đề nào cần đấu tranh trực diện; vấn đề nào
tái khẳng định, bảo vệ; cách ứng xử những vấn đề nhạy cảm. Xác định: thành
phần, lực lượng đảm nhiệm; phân phối nhiệm vụ; phương pháp điều hành thống nhất
theo các tuyến; quy định bảo mật thông tin; bảo vệ lực lượng đấu tranh. Đồng
thời, cần tổ chức một trục đấu tranh thống nhất trong toàn quốc gắn với phân
công cụ thể hoạt động riêng của từng đơn vị, không để ngắt quãng, trầm lắng.
Quy chuẩn về kỹ thuật các bài viết đấu
tranh chống diễn biến hòa bình khi đăng tải trên mạng. Chúng ta đều biết,
internet là kho thông tin khổng lồ, cho phép tương tác, tìm kiếm, chia sẻ thông
tin, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người sử dụng. Để xử lý lượng thông tin
đó, các công ty dịch vụ mạng như Google, Bing, ALO, Assk.com, Yahoo,...xây dựng
bộ quy tắc SEO ( Search Engine Optimization - tối ưu hóa các công cụ
tìm kiếm) để tăng hiệu năng tìm kiếm, chia sẻ thông tin. Vì vậy, muốn tăng hiệu
quả tìm kiếm, tương tác, các bài viết cần đạt chuẩn SEO. Trong đó, tiêu đề dùng
chữ thường, không nên quá 70 ký tự; chapo dưới 150 ký tự; hình ảnh có chất
lượng tốt, không vi phạm bản quyền, chứa logo đơn vị phát hành, chú thích ảnh
phải phụ trợ chủ đề bài viết; nội dung phân đoạn rõ ràng, có tiêu đề phụ theo
phân cấp, không dài quá 250 ký tự, liên quan tiêu đề bài viết, v.v.
Xây dựng hệ thống bài viết, chương
trình đấu tranh theo từng lớp sự kiện, không để ngắt quãng, trầm
lắng. Cái khó của bài viết đấu tranh là lựa chọn chủ đề phù hợp, có luận
cứ, luận chứng rõ ràng, không nói nước đôi, tránh “tuyên truyền hộ địch”,...
nên số lượng bài thường hạn chế. Ngoài ra, có một số bài viết hay, sức thuyết
phục cao, nhưng lại đăng ở báo, tạp chí có mức độ ảnh hưởng thấp, hạn chế sức
mạnh đấu tranh và lan tỏa.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như
hiện nay, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” luôn là nhiệm vụ cấp bách của cả
hệ thống chính trị. Trước những âm mưu, thủ đoạn vô cùng nguy hiểm của thế lực
thù địch trên không gian mạng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn chủ động,
kiên quyết trong nhận diện, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động đấu
tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái trên internet, phải thể hiện là
một người sử dụng mạng xã hội thông minh, dứt khoát không ấn thích, không bình
luận, không chia sẻ những thông tin không rõ nguồn gốc, không chính thống,
không xác định là đúng hay sai…. Đồng thời, khi tham gia mạng xã hội, mỗi cán
bộ, đảng viên phải là một tuyên truyền viên đắc lực, thể hiện rõ quan điểm,
thái độ đúng đắn, có những bình luận, chia sẻ, phân tích, tuyên truyền những
thông tin chính thống, phản bác những thông tin, bài viết, hình ảnh, video sai
lệch, phản động… để quần chúng nhân dân làm theo.
Cùng với các giải pháp trên, cần có chế
tài quản lý, xử lý nghiêm việc đăng tin sai sự thật, tung tin thất thiệt, xuyên
tạc, bôi nhọ; đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật để theo dõi, thống kê,
đánh giá tình hình, theo vết các tài khoản chứa nhiều thông tin xấu, độc; tổ
chức ngăn chặn, giảm tốc độ truy cập; hoặc phối hợp bóc gỡ để làm sạch môi
trường mạng, hỗ trợ thông tin trung thực, chính thống; định hướng tư tưởng quần
chúng nhân dân vững tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân
ta.
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0,
việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn
biến hòa bình” trên không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn
vị, địa phương phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục,
nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các
lực lượng, góp phần xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” và đội ngũ cán
bộ, đảng viên thực sự gương mẫu, trước hết là trong cuộc đấu tranh phòng, chống
“diễn biến hòa bình” trên không gian mạng.
Đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” cần có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và của quần chúng nhân dân.
Trả lờiXóa