Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

SỰ NGHIỆP QUỐC PHÒNG PHẢI ĐẶT DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

 

Dựng nước phải đi đối với giữ nước là một vấn đề có tính quy luật đã được chứng minh trong lịch sử tồn tại và phát triển hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, là di sản quý báu mà tổ tiên ta để lại cho muôn đời con cháu. Tư tưởng đó được hình thành và phát triển qua các triều đại phong kiến Đại Việt. Trước lúc lâm chung, vua Lý Nhân Tông đã căn dặn Thái tử cùng quần thần: Nên sửa sang giáo mác để phòng việc bất ngờ”[1]. Thượng tướng Trần Quang Khải khi chỉ đạo quân dân Đại Việt chuẩn bị kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) đã thể hiện tư tưởng này qua câu thơ: Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ cựu giang san”[2] (Thái bình nên gắng sức/Non nước vững nghìn thu). Giành lại nền độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ từ tay quân xâm lược nhà Minh sau 10 năm gian lao kháng chiến, dù phải tập trung mọi nỗ lực vào công cuộc khôi phục, xây dựng đất nước sau chiến tranh, vua Lê Thái Tổ luôn đau đáu ý thức phòng bị đất nước. Khi đi kinh lý vùng biên, ông đã thể hiện rõ tư tưởng đó của mình bằng bài thơ cho khắc trên vách núi đá Thác Bờ (Hòa Bình) rằng:Biên phòng hảo vị trù phương lược, xã tắc ưng tu kế cửu an”[3] (Biên phòng cần có phương lược tốt, đất nước nên có kế lâu dài”. Cho đến lúc cuối đời, vua Lê Thái Tổ cũng không quên di chúc lại cho con cháu: Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”[4]. Giữa thế kỷ XV, trước nhiệm vụ giữ nước còn rất nặng nề, vua Lê Thánh Tông đã nhắc nhở: Phàm có nhà nước tất có võ bị”[5],và ra chỉ dụ khuyên các tướng sĩ phải biết quý trọng gìn giữ, bảo vệ từng thước núi, tấc sông do cha ông để lại, năng luyện rèn sẵn sàng đối phó với giặc ngoài.

Lịch sử phát triển của cách mạng Việt Nam chứng minh một vấn đề có tính quy luật là xây dựng chủ nghĩa xã hội phải đi đối với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; sự nghiệp quốc phòng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Ngay từ khi mới ra đời, trên cơ sở quán triệt các quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về giai cấp và đấu tranh giai cấp, về bạo lực cách mạng, trong “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ tổ chức ra Quân đội công nông. Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 của Đảng xác định “Vũ trang cho công nông”, “Tổ chức đội tự vệ công nông”. Đảng ta xác định việc tổ chức ra Quân đội để tiến hành đấu tranh cách mạng.

Đại hội Đảng lần thứ nhất tháng 3 năm 1935 đã ra nghị quyết về tổ chức và lãnh đạo tự vệ thường trực, trong đó đã chỉ rõ “Công nông tự vệ đội đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương quân uỷ Đảng Cộng sản”, “Luôn giữ quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng trong tự vệ thường trực”. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước ta ở vào thế phải đối phó với cả thù trong giặc ngoài, Trung ương Đảng chủ trương “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, với đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ”, từng bước tạo nên sự chuyển hoá cả về thế, thời và lực để đánh bại thực dân Pháp xâm lược.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đề ra đường lối tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam”, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ để động viên toàn dân củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh ở miền Bắc, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn, chi viện và phát triển lực lượng vũ trang giải phóng ở miền Nam, từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giành được độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng ta xác định: Tăng cường quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng và Nhà nước, của toàn dân và toàn quân ta; sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước. Hiện nay Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam, do đó Đảng phải lãnh đạo, Nhà nước phải quản lý sự nghiệp quốc phòng.

phao

[1] Ngô Sĩ Liên - Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1,  Nxb VH-TT, H.2006, tr. 328.

[2] Ngô Sĩ Liên - Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1,  Nxb VH-TT, H.2006, tr. 471.

[3] Viện Lịch sử quân sự - Lịch sử quân sự Việt Nam - Tập1: Buổi đầu dựng nước, tr, 73.

[4] Viện Lịch sử quân sự - Lịch sử quân sự Việt Nam - Tập1: Buổi đầu dựng nước, tr, 61.

[5] Viện Lịch sử quân sự - Binh chế Đại Việt thế kỷ XI-XV, tr, 721.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét