Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI GIỮ VỮNG ĐỘC LẬP CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO TỔ QUỐC

 


Tiếp tục đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực, tạo sự đan xen về lợi ích chiến lược, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền. Trọng tâm là củng cố, tăng cường quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng. Tận dụng các diễn đàn, các cơ chế song phương, đa phương, tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế; tranh thủ các học giả, nhân sĩ có uy tín trên thế giới viết bài, tổ chức hội thảo quốc tế ủng hộ các quan điểm của Việt Nam. Vừa hợp tác, vừa đấu tranh, phản đối, yêu cầu Trung Quốc dừng hoạt động đối với việc thăm dò, khai thác, các hoạt động bồi đắp xây dựng đảo trái phép, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng biển Việt Nam. Lấy xây dựng lòng tin chiến lược làm cơ sở để đấu tranh; bằng mọi kênh tiếp xúc, ngoại giao, cố gắng không để xảy ra xung đột, làm “đứt gãy” quan hệ hữu nghị với các nước. Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, nhất là một số đối tác quan trọng (Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước ASEAN; cùng với việc tăng cường thúc đẩy quan hệ, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ta ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển 1982, không để Trung Quốc lợi dụng, kích động, gây sức ép trên bộ khi xảy ra bất ổn trên biển, đảo.

Thúc đẩy thiết lập và nâng cao hiệu quả hoạt động các đường dây nóng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam với Trung Quốc và các nước láng giềng, các nước liên quan tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông. Tăng cường các bản ghi nhớ với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước có biển tiếp giáp với Việt Nam. Tổ chức tuần tra chung ởcác vùng biển đã được phân định; cùng các nước ASEAN diễn tập cứu hộ, cứu nạn; nghiên cứu phương án phối hợp tuần tra chung bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

Coi trọng quan hệ với Trung Quốc trong khuôn khổ hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị và thực hiện các cam kết đã ký với Trung Quốc. Thực hiện phương châm “16 chữ”: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “4 tốt”: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Chủ động, tích cực đẩy nhanh tiến trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nhân sĩ trí thức tiến bộ và kiều bào ta ở nước ngoài để phản đối những hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét