Quy định về tổ hợp công nghiệp quốc phòng (CNQP) là nội dung mới của dự thảo Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Việc dự thảo luật bổ sung quy định về tổ hợp CNQP là cần thiết, với mục tiêu luật hóa các quy định, tạo cơ sở pháp lý hình thành nên các tổ hợp CNQP.
Tổ hợp CNQP đóng vai trò rất quan trọng, dẫn dắt trong hệ thống đổi mới sáng tạo tại các cường quốc trên thế giới. Nhiều nước trên thế giới có xu hướng phát triển tổ hợp CNQP hiện đại, bảo đảm cho lực lượng vũ trang có trang bị kỹ thuật hiện đại, sức mạnh chiến đấu cao nhằm ứng phó hiệu quả với chiến tranh công nghệ cao. Theo dự thảo Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp, tổ hợp CNQP không hình thành pháp nhân, không phải là tập đoàn mà được xác định là hệ thống liên kết, hợp tác của cơ sở CNQP, tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện nhất định, lấy cơ sở CNQP nòng cốt làm hạt nhân để hình thành chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm quốc phòng theo nhóm, chuyên ngành sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật. Dự thảo luật chỉ quy định theo hướng xác định khung, nguyên tắc về các nội dung: Chức năng, nhiệm vụ, thành phần của tổ hợp CNQP; hạt nhân của tổ hợp CNQP; thành phần khác của tổ hợp CNQP; chính sách của Nhà nước đối với tổ hợp CNQP. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đã quy định các chính sách cụ thể và đặc thù cho hạt nhân của tổ hợp CNQP như: Nhà nước giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện chương trình nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật theo chuyên ngành sản phẩm; tự chủ điều phối trong nghiên cứu, sản xuất, huy động năng lực của tổ hợp CNQP; Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ chương trình nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật do Nhà nước đặt hàng, giao thực hiện; sử dụng cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư để phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; lập danh sách cơ sở CNQP là thành viên của tổ hợp CNQP, ưu tiên cơ sở công nghiệp động viên, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt... Đây là bước đầu tạo hành lang pháp lý để xây dựng, hoàn thiện thể chế cho loại hình tổ hợp CNQP này, góp phần thúc đẩy hình thành tổ hợp CNQP trong thực tiễn.
Tổ hợp CNQP liên quan đến tiềm lực, sức mạnh quốc phòng; đến sự an nguy và thịnh vượng của quốc gia. Do đó, cần xây dựng về các cơ chế ưu tiên phát triển tổ hợp CNQP để tạo ra sự vượt trội, CNQP phát triển hiện đại, lưỡng dụng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét