Thứ Tư, 8 tháng 2, 2023

55 năm trận Làng Vây: Nét đặc sắc về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng trong trận Làng Vây năm 1968

 Cách đây 55 năm, trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, chiến thắng Làng Vây đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đây là trận đánh có hiệu suất chiến đấu cao, để lại nhiều kinh nghiệm quý về nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng.

Cuối năm 1967, những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam đã buộc Mỹ, ngụy phải chuyển sang thế bị động về chiến lược. Với mục đích ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, chúng đã tổ chức xây dựng tuyến phòng ngự mạnh theo Đường 9 (từ Cửa Việt đến Lao Bảo) với nhiều cứ điểm, cụm cứ điểm kiên cố; trong đó, Làng Vây (phía Tây quận lỵ Hướng Hoá) là cứ điểm trọng yếu - mắt xích quan trọng trong tuyến phòng ngự đó. Trên thực tế, địch đã tập trung lớn cả binh lực, hỏa lực và xây dựng nhiều công sự, vật cản,… kiên cố, vững chắc cho cứ điểm quan trọng này.

Vì thế, tiến công cứ điểm Làng Vây được Quân ủy Trung ương xác định là trận đánh then chốt mở đầu Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, nhằm đạt mục đích chiến lược là kéo và kìm giữ một phần lực lượng cơ động chiến lược quan trọng của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 giành thắng lợi. Thực hiện quyết tâm đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tập trung lớn lực lượng: bộ binh, xe tăng, pháo binh, công binh,… và vận dụng phương pháp tác chiến: hiệp đồng binh chủng, tạo sức mạnh đột phá để giải quyết Cứ điểm trong thời gian ngắn. Theo đó, cùng với việc xác định hướng tiến công chủ yếu phù hợp, độc đáo, quân ta đã tích cực làm công tác chuẩn bị, triển khai thế trận và hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa bộ binh với lực lượng các binh chủng, giữa lực lượng các binh chủng với nhau,… trong tất cả các giai đoạn, tình huống, phát huy tối đa sức mạnh chiến đấu của các lực lượng, nhất là sức đột kích mạnh của xe tăng. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn (đêm 06, rạng sáng ngày 07-02-1968), ta đã nhanh chóng tiêu diệt và bắt sống toàn bộ địch trong Cứ điểm. Trận đánh đó để lại nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng đặc sắc, được thể hiện cụ thể qua các nội dung cơ bản sau:

1. Tổ chức cơ động lực lượng chặt chẽ, triển khai thế trận bí mật, hiểm, chắc, tạo cơ sở cho tác chiến hiệp đồng binh chủng giành thắng lợi. Cứ điểm Làng Vây được địch bảo vệ chặt chẽ bằng hệ thống trinh sát điện tử hiện đại và hỏa lực mạnh. Vì vậy, mọi hành động của ta khi tiếp cận Cứ điểm rất dễ bị địch phát hiện, nhất là các đơn vị xe tăng, pháo xe kéo. Để khắc phục khó khăn này, khi cơ động ta đã triệt để lợi dụng địa hình và hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận, bảo đảm cơ động chu đáo, bí mật. Theo đó, Chiến dịch đã chọn hướng tiến công chủ yếu từ phía Nam của Cứ điểm - nơi địch sơ hở, ít phòng bị vì có địa hình hiểm trở (núi cao, sông sâu), nhất là có sông Sê Pôn bao bọc. Để cơ động đội hình lớn, gồm: bộ binh, xe tăng, pháo binh,… qua địa hình phức tạp để vào sát địch nhưng lại phải bảo đảm yếu tố bí mật, ta đã tổ chức trinh sát, nắm tình hình cụ thể các mặt; đồng thời, chỉ huy các bộ phận hiệp đồng chặt chẽ ngay từ lúc chuẩn bị và khi cơ động. Trong đó, việc thống nhất kế hoạch hiệp đồng với các đơn vị, trọng tâm là phân đội xe tăng, pháo xe kéo được Chiến dịch hết sức chú trọng. Khi cơ động vào ban đêm, các đơn vị đã triệt để lợi dụng địa hình, nhiều đoạn xe tăng phải tắt máy, thả bè trôi trên dòng Sê Pôn,… nên đã giữ bí mật tuyệt đối. Để tạo điều kiện cho hướng chủ yếu cơ động tiếp cận địch, ta cố ý chọn hướng Tây (theo Đường 9), nơi địch tập trung đề phòng để khuyếch trương lực lượng, nhằm thu hút sự chú ý của địch về hướng này. Nét đặc sắc về công tác hiệp đồng, bảo đảm cho các lực lượng, phương tiện, binh khí, kỹ thuật cơ động vào triển khai tiến công còn được thực hiện một cách rất sáng tạo khi ta triệt để tận dụng tiếng nổ, màn khói của bom, đạn để cơ động lực lượng. Đặc biệt, khi hỏa lực ta bắn chuẩn bị, lợi dụng tiếng nổ lớn, xe tăng đã nhanh chóng cơ động, triển khai ở từng vị trí đã xác định từ trước, v.v. Đây là nghệ thuật cơ động, triển khai lực lượng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện chiến trường. Nhờ đó, ta đã “bịt mắt” hoàn toàn hệ thống trinh sát hiện đại của chúng, nhất là trên hướng chủ yếu để triển khai lực lượng, phương tiện thực hành tác chiến hiệp đồng binh chủng ở nơi địch không ngờ tới. Thực tế cho thấy, để bảo đảm cho hai đại đội xe tăng cơ động vào các tuyến triển khai trên hướng tiến công chủ yếu và thứ yếu, lực lượng công binh đã giải quyết những tảng đá ngầm, có tảng đá nặng hàng chục tấn dưới lòng sông Sê Pôn với chiều dài đến hơn 10 km. Có những đoạn sông khó khăn, nguy hiểm, các chiến sĩ công binh còn làm lộ tiêu sống dẫn đường cho xe tăng qua. Cùng với đó, công tác ngụy trang được tiến hành khéo léo nên xe tăng và các đơn vị cơ động vào vị trí tập kết, triển khai chiến đấu bảo đảm an toàn, bí mật, đúng quy định, thậm chí có lực lượng triển khai suốt 12 ngày đêm mà địch vẫn không hề biết. Như vậy, bằng công tác hiệp đồng chặt chẽ, vận dụng khéo léo với tình hình cụ thể, ta đã cơ động lực lượng lớn bộ binh, xe tăng,… vào triển khai sát địch, tạo thế trận tiến công ban đầu sắc, hiểm, bí mật - yếu tố quyết định thắng lợi của trận đánh.

2. Phát huy ưu thế, sở trường của từng binh chủng, tạo sức mạnh tổng hợp để khống chế hỏa lực, đột phá liên tục, tiêu diệt, sát thương lớn lực lượng địch. Tại cứ điểm Làng Vây, địch bố trí gần 1.000 quân ngụy, có cố vấn Mỹ; hệ thống lô cốt, hầm ngầm được xây dựng kiên cố, vững chắc và có nhiều lớp hàng rào kẽm gai, bãi mìn cùng hệ thống hỏa lực mạnh để bảo vệ. Khi cần thiết, chúng có thể sử dụng lực lượng pháo binh, không quân, thậm chí cả máy bay chiến lược B-52 chi viện. Vì vậy, ngoài việc xác định cách đánh phù hợp, tổ chức chuẩn bị chiến đấu chu đáo,… Bộ Tư lệnh Chiến dịch còn tập trung lớn lực lượng các đơn vị binh chủng phối hợp cùng bộ binh đánh địch trên các hướng. Để bảo đảm giành thắng lợi trong trận tiến công cứ điểm Làng Vây, Chiến dịch đã tăng cường cho Sư đoàn 304 (đơn vị đảm nhiệm trận đánh) 01 tiểu đoàn xe tăng, 01 đại đội đặc công, 01 đại đội súng máy phòng không 14,5 mm, trung đội súng phun lửa, v.v. Quá trình chiến đấu được tiểu đoàn pháo 122 mm chi viện và trung đoàn công binh bảo đảm cơ động. Với lực lượng đó, ta tạo ra sức đột phá mạnh vào trận địa phòng ngự vững chắc của địch. Để phát huy sức mạnh tổng hợp, ta đã linh hoạt trong sử dụng thế mạnh của từng lực lượng, nhất là sức cơ động nhanh, hỏa lực mạnh của xe tăng. Đặc biệt, các đơn vị đã hiệp đồng chiến đấu rất chặt chẽ trong từng giai đoạn, từng tình huống cụ thể, nhất là khi xuất hiện những tình huống ngoài dự kiến. Vì thế, ngay từ đầu trận đánh, hỏa lực pháo binh ta đã cơ bản khống chế được hỏa lực địch, xe tăng tiêu diệt các ụ súng, lô cốt đầu cầu trên các cửa mở, tạo điều kiện để bộ binh nhanh chóng phá tan 05 lớp hàng rào kẽm gai và các bãi mìn dày đặc của địch, mở thông cửa mở để xe tăng dẫn đầu các phân đội đột kích, khống chế hỏa lực bên trong của địch, cùng các bộ phận nhanh chóng phát triển tiến công vào tung thâm, tiêu diệt địch. Nét đặc sắc về nghệ thuật hiệp đồng tác chiến binh chủng khi đột phá vào trận địa địch còn được thể hiện rõ nét trong xử trí các tình huống khó khăn, đột xuất. Trên hướng tiến công chủ yếu, khi ta đang đánh chiếm các mục tiêu bên trong đầu cầu, hỏa lực địch phục hồi bắn lướt sườn vào đội hình tiến công của ta, bịt chặt cửa mở, làm cho bộ phận phía sau không phát triển vào trong được. Trước tình hình đó, Chiến dịch đã linh hoạt sử dụng hỏa lực của Trung đội Tăng 3 đang chiến đấu bên trong kịp thời khống chế hỏa lực địch, yểm trợ đắc lực cho bộ binh, xe tăng, đặc công tiếp tục vượt cửa mở, thọc sâu, đánh thẳng vào sở chỉ huy và khu cố vấn Mỹ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ địch trong Cứ điểm.

3. Phối hợp chiến đấu giữa các hướng, mũi chặt chẽ, nhanh chóng làm chủ trận đánh. Đây là vấn đề rất quan trọng trong tác chiến tiến công, nhất là khi thực hành tác chiến hiệp đồng binh chủng, nhằm buộc địch phải phân tán binh lực, hỏa lực để đối phó trên nhiều hướng, làm giảm sức mạnh đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho ta nhanh chóng tiêu diệt địch, làm chủ trận đánh. Do vậy, các hướng, mũi cần tiến hành hiệp đồng, phối hợp chiến đấu một cách nhịp nhàng, ăn khớp, nhất là trong điều kiện chiến đấu có nhiều lực lượng, như: pháo binh, xe tăng, bộ binh,… cùng tham gia. Hơn nữa, nếu phối hợp tốt giữa các hướng, các bộ phận, sẽ tạo nên cộng hưởng, làm cho sức mạnh chiến đấu được nhân lên gấp nhiều lần, áp đảo đối phương. Nắm chắc nghệ thuật đó và trên nguyên tắc sử dụng lực lượng tập trung ở từng hướng, mũi, trong từng tình huống cụ thể, ta đã tổ chức phối hợp chiến đấu chặt chẽ, thống nhất theo phương thức: bộ phận bên ngoài kiềm chế hỏa lực địch cho bộ phận bên trong phát triển, đơn vị chiến đấu bên trong chi viện hỏa lực cho đơn vị bên ngoài tiến công vào các mục tiêu đảm nhiệm. Trên từng hướng, dưới sự dẫn dắt, chi viện có hiệu quả của xe tăng, pháo binh, các phân đội đột kích, thọc sâu nhanh chóng đánh chiếm từng mục tiêu trong chiều sâu phòng ngự của địch. Đồng thời, trên các hướng tiến công có sự phối hợp chiến đấu thống nhất; trong đó, hướng tiến công phối hợp đánh từ phía Bắc xuống đã hỗ trợ cho hướng chủ yếu và thứ yếu nhanh chóng phát triển tiêu diệt địch. Thực tế trong trận đánh, mặc dù địch có ưu thế về hỏa lực cả trên không và mặt đất, lại có hệ thống lô cốt bê tông cốt thép vững chắc bảo vệ, nhưng cả ba hướng của ta để đồng loạt tiến công, tạo thế mạnh áp đảo địch ngay từ đầu và suốt trận đánh. Đặc biệt, khi chúng co cụm tại hầm ngầm ở khu vực sở chỉ huy, cố thủ chống cự, với sức mạnh của hiệp đồng binh chủng trên từng hướng, mũi, các bộ phận đã phối hợp tiến công dứt điểm các mục tiêu đảm nhiệm, tạo điều kiện cho bộ phận đánh địch co cụm nhanh chóng làm chủ trận đánh. Với nghệ thuật đặc sắc đó, chỉ hơn 10 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt 400 tên, bắt sống 253 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị chiến tranh của chúng, xóa sổ 01 tiểu đoàn địch, biến căn cứ Làng Vây - nơi mà chúng đoán trước ta sẽ tiến công và ra sức đề phòng - thành trận địa của ta, tạo ra thế trận có lợi cho các đơn vị bạn phát triển chiến đấu đánh chiếm các mục tiêu quan trọng khác một cách thuận lợi, giành thắng lợi cho Chiến dịch, đạt mục đích chiến lược đã đề ra.

55 năm đã trôi qua, nhưng nét đặc sắc về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng binh chủng trong trận Làng Vây vẫn còn nguyên giá trị. Đây là bài học kinh nghiệm quý, có giá trị thực tiễn sâu sắc, cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. TẠ DUY CHÍNH, Học viện Quốc phòng

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét