Căn bệnh đã di căn
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ cựu Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai rơi vào vòng lao lý với nhiều sai phạm, trong đó có việc kê khai tài sản không trung thực. Trước khi bị xử lý, cán bộ này thuộc diện phải kê khai tài sản và đều đặn thực hiện qua mỗi năm. Ấy nhưng, khi cơ quan điều tra vào cuộc mới phát hiện hành vi tham nhũng, nhận hối lộ với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng; tài sản kê khai và tài sản thực chênh nhau một cách bất thường.
Những câu chuyện tương tự như trường hợp nêu trên không hề hiếm. Hàng loạt quan chức hầu tòa trong thời gian qua thì có ngần ấy cán bộ phạm phải việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; biển thủ, trục lợi khối tài sản khổng lồ của Nhà nước, của nhân dân thành của riêng. Nhiều người lý giải, sở dĩ những cán bộ này không trung thực bởi đây là phần việc “bất khả thi”, vì không thể lý giải nguồn gốc tài sản. Mặt khác, làm vậy thì chẳng khác gì câu chuyện “lạy ông tôi ở bụi này”.
Đáng nói là hiện nay, dù đã có khá đầy đủ, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề kê khai tài sản, thu nhập và công tác quản lý, kiểm soát sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện phải kê khai nhưng vấn nạn kê khai giả dối, thiếu trung thực vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Điều đó cho thấy, cốt tử của vấn đề nằm ở phẩm chất, đạo đức của cán bộ kê khai tài sản, thu nhập. Họ đã thực sự bị suy thoái, biến chất, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Năm 2022, các bộ, ngành, địa phương xác minh tài sản, thu nhập với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên cho thấy: Có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập, 4.934 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện và có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã được chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định. Như vậy, nếu cấp có thẩm quyền tiến hành xác minh kê khai tài sản, thu nhập thì tất yếu sẽ lòi ra những cá nhân kê khai không đúng, không trung thực. Trong khi phần việc này chỉ được tiến hành ngẫu nhiên trong số vài phần trăm cán bộ, càng cho thấy việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực đã và đang là vấn nạn đáng báo động.
Sự nguy hại từ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực của cán bộ trước hết gây ra việc thất thoát khối lượng tài sản khổng lồ của Nhà nước, nhưng lớn hơn là gây mất niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ. Thế mới có chuyện, người dân kháo nhau về tài sản cán bộ giống như những tảng băng trôi. Tài sản được kê khai chỉ là phần nổi, còn phần chìm lớn hơn gấp nhiều lần. Thế mới có chuyện, dân không tin những cán bộ giàu lên một cách chính đáng, mà thường suy diễn, quy chụp cán bộ giàu là bởi tham nhũng mà có. Nhiều người dân cũng mặc định đã là cán bộ lãnh đạo cấp cao thì tất yếu phải giàu có hơn quần chúng. Và nếu thấy cán bộ gặp hoàn cảnh khó khăn thì quy chụp rằng cán bộ ấy đang cố tình mị dân, giả nghèo giả khổ, chứ chắc hẳn tài sản thực đã được chia năm xẻ bảy, lấp liếm, trá hình bằng nhiều hình hài khác nhau.
Cũng bởi tâm lý xã hội ấy mà không ít cán bộ giàu có thật sự lại sinh ra tâm lý e ngại khi kê khai tài sản. Họ thậm chí giấu giếm đi sự giàu có chính đáng để tránh “miệng lưỡi thế gian” không cần thiết. Đây cũng là một thực tế cần được nhận diện, phê bình, khắc phục. Bởi lẽ, cán bộ cũng là con người, là công dân của một đất nước. Ngoài thực hiện các nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ tổ chức giao, cán bộ còn tham gia các hoạt động xã hội khác, trong đó có hoạt động phát triển kinh tế. Việc cán bộ có tài-đức, làm kinh tế đúng pháp luật, gặt hái thành công, trở nên giàu có chính đáng là rất đỗi bình thường. Thực tế cho thấy, có không ít cán bộ, đảng viên năng động trong công tác và trong phát triển kinh tế tư nhân đã mang lại động lực tích cực cho đồng nghiệp, bà con xóm giềng và nhân dân ở địa phương nơi họ công tác, sinh sống. Cũng có không ít mô hình phát triển kinh tế, phong trào tăng gia sản xuất, kinh doanh hiệu quả ở các địa phương được hình thành, được thúc đẩy và truyền cảm hứng từ chính những người cán bộ, đảng viên có tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét