Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

Gắn chặt “kê” với “kiểm”

Phải nhận rõ một thực tế là chúng ta đang duy trì nền nếp việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, thế nhưng tổ chức và cơ quan chức năng chưa thật sự coi trọng việc xác minh, kiểm kê, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ. Đến hẹn lại lên, cán bộ điền vào những mẫu phiếu có sẵn về nguồn thu và những phát sinh tài sản, nhưng chưa có cơ quan, tổ chức nào (cả trong nội bộ) thực hiện chức năng thẩm định, kiểm kê, kiểm soát một cách thường xuyên nhằm xác minh kịp thời tính trung thực của nó. Thành thử, tích tiểu thành đại, đến khi khối tài sản của cán bộ trở nên bất thường thì mới sinh ra hoài nghi, lật ngược vấn đề rồi đi đến xử lý kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong nhiều tình huống khác, đến khi cán bộ rơi vào vòng lao lý, vi phạm pháp luật Nhà nước thì cháy nhà mới ra mặt chuột.

Dư luận cho rằng: Nếu việc xác minh, kiểm kê, kiểm soát được thực hiện đồng thời với việc kê khai tài sản, thu nhập thì chắc chắn việc cán bộ kê khai gian dối, thiếu trung thực sẽ được khắc phục cơ bản; những tài sản bất minh, không rõ nguồn gốc cũng được phát hiện từ sớm, giúp kịp thời phê bình, uốn nắn cán bộ, ngăn chặn tiêu cực lớn. Ngược lại, nếu chỉ đơn thuần coi trọng việc kê khai mà chưa chú trọng đến công tác xác minh, kiểm kê, kiểm soát tài sản, thu nhập thì coi như chúng ta chỉ làm nửa vời, thiếu tròn khâu và đây là kẽ hở cho những gian dối, thiếu trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cần làm hiện nay là nên triển khai một đợt xác minh, kiểm kê, kiểm soát rộng khắp ở mọi đối tượng cán bộ, trước hết là những người đứng đầu, cán bộ chủ trì, chủ chốt. Cần tiến hành đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị và xem đây là một việc hết sức bình thường của tổ chức, chứ không chờ đến khi có dấu hiệu vi phạm mới xúc tiến, triển khai. Nguyên tắc xác minh, kiểm kê, kiểm soát tài sản cần vận hành từ trên xuống dưới; cấp trên kiểm soát tài sản của cấp dưới; tổ chức kiểm tra, kiểm soát tài sản của cá nhân... Đây chính là một bước xốc lại chất lượng của việc kê khai tài sản, thu nhập nhằm biết được toàn cảnh thực trạng tài sản của cán bộ, tạo cơ sở vững chắc cho các bước triển khai tiếp theo.

Thực tế cho thấy, không ít bộ, ngành, địa phương đã xác minh tài sản, thu nhập với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên; có địa phương tiến hành việc bốc thăm để kiểm kê, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập thì đã thu được kết quả thấy rõ. Những cán bộ không trung thực sớm bị phát hiện; có cá nhân bị mất chức, bị điều chuyển công tác, miễn nhiệm, xử lý kỷ luật. Đây là cách làm đúng đắn, hợp lòng dân, là cơ sở để cơ quan chức năng Trung ương nghiên cứu, nhân rộng, vận hành trong toàn hệ thống. Bởi thế, đông đảo người dân cho rằng, về lâu dài, việc xác minh, kiểm tra, kiểm soát tài sản tất yếu phải tiến tới thực hiện đồng bộ chứ không thể bốc thăm, hay lựa chọn ngẫu nhiên. Trước mắt, cần quan tâm thực hiện triệt để, đồng bộ ở đối tượng người đứng đầu và cán bộ phụ trách những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Từ đó sẽ tạo ra tác động rất lớn để cơ quan chức năng có những đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm, giúp đội ngũ công chức, viên chức không dám tiêu cực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét