Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHÍNH TRỊ TRONG QUÂN ĐỘI TA TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

 

Chất lượng chính trị là một phạm trù mang tính xã hội, giai cấp và lịch sử. Mỗi tổ chức cụ thể có những yêu cầu, nội dung và quan niệm cụ thể về chất lượng chính trị tương ứng với mục đích, nội dung, nhiệm vụ, chức năng, phương thức hoạt động của tổ chức đó. Chất lượng chính trị của quân đội là chất lượng của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được thể hiện ở sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân; ở bản lĩnh chính trị vững vàng; ở sự trong sạch về chính trị, đạo đức, lối sống; ở sự sẵn sàng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào dù khó khăn, gian khổ đến mấy, dù có phải hy sinh đến tính mạng của mình; kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân. Chất lượng chính trị của quân đội có mối quan hệ thống nhất, biện chứng với chất lượng chính trị quân nhân, là sự biểu hiện cụ thể về chất lượng chính trị của mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Chất lượng chính trị của mỗi tổ chức, mỗi con người cao hay thấp đều phản ánh chất lượng chính trị của quân đội. Vì thế, nâng cao chất lượng chính trị quân đội chính là nâng cao chất lượng chính trị của từng quân nhân trong quân đội.

Chất lượng chính trị là nhân tố cơ bản nhất trong chất lượng tổng hợp của quân nhân, quyết định trực tiếp đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ và giữ vai trò chủ đạo tạo nên bản chất nhân cách của họ, là kết quả của quá trình rèn luyện, giáo dục, lựa chọn, thử thách quân nhân theo mục đích chính trị của Đảng đối với quân đội.

Nội dung chất lượng chính trị quân nhân được nhận biết trong sự tồn tại tổng hợp của các thành phần tạo nên bản chất nhân cách của họ. Trước hết, được biểu hiện ở lai lịch chính trị, nguồn gốc xuất thân của họ. Đây là những yếu tố ban đầu được xem như điều kiện tiền đề để xem xét mặt chính trị của mỗi con người. Tất cả các vấn đề về nguồn gốc giai cấp, quan hệ xã hội của bản thân và gia đình, quá trình tham gia các hoạt động chính trị-xã hội... đều tác động trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm, ý chí của quân nhân; chi phối đáng kể đến xác định mục tiêu lý tưởng chiến đấu, quan hệ đồng chí đồng đội, sự trung thành, tận tụy của họ. Như vậy, tự thân lai lịch chính trị cũng đã nói lên hàm lượng chính trị của mỗi con người, hơn nữa nó còn đưa đến những thuận lợi hoặc khó khăn trong quá trình xây dựng bản chất cách mạng của mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Phẩm chất chính trị, năng lực hoạt động chính trị là những thành tố đặc biệt quan trọng cấu thành chất lượng chính trị quân nhân. Được xem như phẩm chất xã hội cơ bản, chủ đạo trong hệ thống nhân cách quân nhân, phản ánh chất lượng, giá trị của quân nhân về mặt nhận thức chính trị-xã hội, giác ngộ cách mạng, giác ngộ giai cấp. Phẩm chất đó bao gồm một hệ thống các phẩm chất về ý thức chính trị, trách nhiệm chính trị, về thái độ, hành vi chính trị, được biểu hiện ở sự kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, tin tưởng vững chắc vào CNXH; ở lòng yêu quê hương, đất nước, yêu mến quân đội, gắn bó với nghề nghiệp quân sự; thái độ đúng đắn dứt khoát với kẻ thù... Còn năng lực hoạt động chính trị được xem như thước đo đánh giá về khả năng tư duy chính trị, xử trí các tình huống chính trị của quân nhân, biểu hiện ở tư duy chính trị sắc sảo, nhạy bén, khả năng nhận thức, giải quyết nhanh, chính xác các vấn đề về chính trị, không dao động, mơ hồ, không bị mất phương hướng chính trị trong những tình huống gay go, phức tạp.

Phẩm chất đạo đức quân nhân là cốt cách tạo nên diện mạo chất lượng chính trị của họ, là kết quả của quá trình giáo dục chính trị, tư tưởng và nhân cách, bộc lộ thông qua quan hệ giao tiếp, ứng xử, hành vi, ý thức, trách nhiệm, lương tâm của quân nhân. Được kiểm nghiệm bằng đức hy sinh, lòng dũng cảm, quan hệ, gắn bó mật thiết với đồng chí, đồng đội, với nhân dân, sống cần kiệm, giản dị, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân...

Những tiêu chí cơ bản trên hợp thành chất lượng chính trị quân nhân và nó được tồn tại, phát triển trong mối quan hệ trực tiếp với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chi bộ, sự quản lý điều hành của người chỉ huy, đồng thời cũng thường xuyên chịu sự tác động, chi phối của những biến đổi về kinh tế-xã hội.

Thực tiễn, sau gần 35 năm đổi mới đã khẳng định nền KTTT định hướng XHCN là con đường kinh tế cơ bản đưa nước ta quá độ lên CNXH. Tất cả những thành tựu phát triển về kinh tế-xã hội, văn hóa giáo dục, y tế, quốc phòng-an ninh, đối ngoại... đã củng cố vững chắc nền tảng chính trị-xã hội của quân đội, tạo thêm niềm tin, hình thành thái độ tích cực của quân nhân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng của quân đội. Nhiều quân nhân, tập thể quân nhân tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội, tận tụy cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng đang là những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua quyết thắng, có sức lôi cuốn, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần học tập, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trong toàn quân, đại diện xứng đáng về bản lĩnh chính trị vững vàng, chất lượng chính trị cao của quân đội.

Tuy nhiên, KTTT định hướng XHCN cũng đang là một áp lực trực tiếp gây ra những tác động tiêu cực đối với chất lượng chính trị quân nhân.

Kinh tế thị trường làm cho cơ cấu xã hội - cấp biến đổi mạnh mẽ, làm tăng thêm tính phức tạp trong thành phần xuất thân của quân nhân, hạn chế đến sự thống nhất ý chí của bộ đội. Khi quân nhân xuất thân từ những thành phần, giai cấp, tầng lớp, tôn giáo khác nhau thì cũng đem vào quân đội ý thức chính trị, hệ tư tưởng không giống nhau, tạo nên tính không thuần nhất trong nhận thức, tình cảm, cung cách suy nghĩ của quân nhân, gia tăng những khó khăn trong xây dựng ý thức chính trị, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của quân đội, dẫn đến một thử thách không nhỏ trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu cao về giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của giai cấp công nhân với tính phức tạp trong thành phần xuất thân của quân nhân, giữa quản lý chặt chẽ bộ đội về tư tưởng với tính phức tạp trong đời sống tinh thần của quân nhân.

Sự phát triển của kinh tế thị trường làm cho định hướng giá trị của quân nhân có những đảo lộn nhất định. Bên cạnh những quan niệm mới, tích cực cũng dễ hình thành những khuynh hướng không có lợi như sự tăng lên của các nhân tố thực dụng, sự thờ ơ về chính trị, xu hướng nghiêng về lợi ích cá nhân, lợi ích vật chất hơn là giá trị tinh thần... Đó là điều kiện để chủ nghĩa cơ hội, cá nhân phát triển, gây khó khăn cho quá trình hình thành, phát triển nhân cách người quân nhân cách mạng, cản trở việc xây dựng bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội.

Kinh tế thị trường còn tác động mạnh mẽ đến đạo đức của quân nhân, làm tổn thương đến mục đích sống, lẽ sống, lý tưởng sống tốt đẹp, kích thích những quan niệm sống, lối sống, cách sống xa lạ trái với khuôn mẫu nhân cách người quân nhân cách mạng, đi ngược lại giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quân đội. Đây thực sự là một tác nhân nguy hại đối với nâng cao chất lượng chính trị, xây dựng bản chất cách mạng cho quân nhân.

Sự phân tích khách quan tác động của cơ chế thị trường ở nước ta đến chất lượng chính trị của quân nhân đã phần nào nói lên tính cấp thiết phải nâng cao hơn nữa chất lượng chính trị quân nhân trong quân đội. Khẳng định như vậy không có nghĩa là từ trước đến nay chúng ta không chú ý đúng mức nâng cao chất lượng chính trị quân nhân. Song có một thực tế là khi đất nước đẩy mạnh phát triển KTTTĐHXHCN, ở cấp này hay cấp khác, đơn vị này hay đơn vị khác có tình trạng công tác chính trị tư tưởng chưa theo kịp với những diễn biến của tình hình, làm cho những tác động trái chiều của kinh tế thị trường đến mặt chính trị của quân đội có chiều hướng mạnh hơn, ảnh hưởng đến chất lượng chính trị quân nhân, đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Do đó, nâng cao chất lượng chính trị quân nhân, đảm bảo cho quân đội sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới là một yêu cầu tất yếu.

Trước hết, phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đây là điều kiện tiên quyết để giữ vững phương hướng chính trị, mục tiêu chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Vấn đề cơ bản là phải nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong quân đội, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình, tự phê bình, xây dựng chi bộ thực sự trong sạch vững mạnh, nâng cao tính tiền phong, gương mẫu cho cán bộ, đảng viên, phấn đấu mỗi cán bộ, đảng viên quân đội dù ở cấp nào, cương vị nào, trong mọi điều kiện đều phải là tấm gương mẫu mực cả về hàm lượng trí tuệ, năng lực công tác lẫn đạo đức, lối sống để quần chúng ngưỡng mộ noi theo.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Phải bám sát vào đối tượng, vào chức trách, nhiệm vụ và đặc điểm của mỗi đơn vị để có nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp nhằm tạo ra các kênh tác động khác nhau, cùng hướng vào mục tiêu xây dựng bản lĩnh chính trị cho quân nhân, phù hợp với những biến đổi của kinh tế-xã hội. Giáo dục phải chuyển hóa thành quá trình tự giáo dục, phải hướng vào nâng cao giác ngộ XHCN, bản chất giai cấp công nhân, truyền thống, ý thức tự chủ, tự lực, tự cường của Đảng, của nhân dân và quân đội; nâng cao lòng yêu nước, yêu chế độ, tạo chuyển biến mới về chất, về ý chí, niềm tin, trách nhiệm chính trị của mỗi quân nhân. Giáo dục cũng phải tạo nên được nét đẹp trong lĩnh vực hoạt động quân sự, xây dựng môi trường văn hóa, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nếp sông quân sự, đề cao ý thức tập thể, phê phán và đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, thoái hóa về đạo đức lối sống.

Đảng, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách đãi ngộ đối với quân đội và hậu phương quân đội. Trong chiến tranh, cả nước là một chiến trường, động lực chính trị, tinh thần là yếu tố chủ đạo thúc đẩy hành động cách mạng của quân nhân. Nhưng hiện nay, trong cơ chế thị trường, mối quan hệ giữa nâng cao nhân tố chính trị-tinh thần với bảo đảm những lợi ích vật chất, tinh thần đặt ra thường trực, bức xúc và hết sức phức tạp. Đổi mới và hoàn thiện chính sách đãi ngộ đối với quân đội và hậu phương quân đội sẽ góp phần bảo đảm sự yên tâm của cán bộ, chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tạo định hướng nghề nghiệp, thu hút đông đảo lực lượng ưu tú xã hội vào tham gia nhiệm vụ quốc phòng, kích thích quân nhân hăng hái tự giác rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trên từng cương vị công tác.

Nâng cao chất lượng chính trị quân nhân trong quân đội trước những tác động của KTTT định hướng XHCN hiện nay là rất quan trọng. Thành công của sự nghiệp này phụ thuộc quyết định vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Nhà nước, sự quan tâm ủng hộ tích cực của toàn dân, của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm của cấp ủy Đảng và chỉ huy các đơn vị, đồng thời là nhiệm vụ của mọi người, mọi tổ chức trong quân đội; trong đó sự nỗ lực tự giác rèn luyện, phấn đấu của mỗi quân nhân đóng vai trò quyết định nhất.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét