Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ

 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại

Hội đồng Nhân quyền LHQ

 

Sáng 27.2 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ tham dự và có bài phát biểu tại phiên họp cấp cao khoá 52 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ.

Theo Báo Chính phủ, đây là hoạt động đầu tiên của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong khuôn khổ chuyến tham dự phiên họp cấp cao khoá 52 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc từ ngày 27-28.2.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng sẽ có các cuộc gặp, tiếp xúc với lãnh đạo các tổ chức quốc tế tại Geneva; tiếp lãnh đạo và quan chức một số nước nhằm tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, quốc gia này.

"Chuyến công tác của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chính thức mở đầu sự tham gia của Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025" - Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva nhấn mạnh.

Cũng theo Đại sứ, đây là hoạt động ngoại giao cấp cao nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại đa phương, đề cao vai trò của Liên Hợp Quốc trong quản trị toàn cầu; đồng thời đề cao chiến lược cũng như chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước lấy con người là trung tâm của sự phát triển, thúc đẩy phát triển bền vững để mọi người dân đều được hưởng thành quả từ quá trình phát triển mang lại.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thành lập năm 2006, là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống Liên Hợp Quốc, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển. Hội đồng hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.

Hội đồng Nhân quyền có 47 nước thành viên, được phân bổ cân bằng theo khu vực địa lý, cụ thể là: Nhóm châu Á được 13 ghế, Nhóm châu Phi 13 ghế, Nhóm Đông Âu 6 ghế, Nhóm Mỹ Latin và Caribbe 8 ghế, Nhóm Tây Âu và các nước khác (phương Tây) 7 ghế.

Các thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc có nhiệm kỳ 3 năm, không được tái cử nếu đã qua hai nhiệm kỳ liên tục. Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bầu Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch có nhiệm kỳ 1 năm dựa trên đề cử của 5 nhóm khu vực và theo nguyên tắc luân phiên giữa các nhóm khu vực.

Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc từ khi cơ quan này được thành lập, trong đó Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét