Đấu tranh để trừ bỏ, khắc phục các chứng bệnh của chủ nghĩa cá nhân là “tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót”. Đó là cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp, gian khổ, đau đớn, lâu dài mà Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên không được nản chí, buông xuôi. Dùng đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để khắc phục những “bệnh cá nhân”, để kiên quyết loại bỏ kẻ địch nội xâm ra khỏi mỗi con người, ra khỏi mỗi cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.
Vì rằng, “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán
chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư
cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta
bắt chước”, cho nên để đấu tranh trừ bỏ, khắc phục những “bệnh cá nhân”, thì:
Một là, đối với mình: Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải thấm nhuần
lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng,
cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ
luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của
Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân
mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên
mình, gương mẫu trong mọi việc”. Trong đó, chú trọng việc tự rèn mình, tự sửa
mình để phòng, tránh sự kiêu ngạo, tự mãn, tự túc, vì tự mãn, tự túc sẽ thoái
bộ, lạc hậu, sẽ không thể tiến bộ. Đồng thời, phải tìm tòi, học hỏi trong nhân
dân; trong đồng nghiệp, đồng chí; trong cấp trên và cả cấp dưới để cầu tiến bộ,
để học lấy điều hay của người mà làm giàu tri thức khoa học, nghiệp vụ, kỹ năng
lãnh đạo, quản lý của bản thân mình, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổ quốc
và nhân dân giao phó.
Hai là, đối với tổ chức: Quán triệt yêu cầu xây dựng Đảng về đạo
đức, nỗ lực “rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ
hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống” gắn với phát huy vai trò nêu gương theo Quy định số
08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu
gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí
thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, với Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm... để
kiên quyết làm đúng nghị quyết của Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn
dặn. Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện, trọng trách càng cao càng
yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải luôn đặt lợi ích của Đảng, lợi ích của tập
thể, của nhân dân lên trên hết, trên tinh thần “đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi
ích của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”.
Ba là, đối với công việc: Mỗi người đều phải “ra sức học tập Chủ
nghĩa Mác-Lênin”, “học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và
đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của Chủ nghĩa
Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học
để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn” và “luôn luôn dùng tự phê bình và phê
bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình
tiến bộ”. Trong mọi công việc, trước khi quyết định đều phải nghiên cứu, tìm
hiểu, điều tra rõ ràng, xem xét kỹ lưỡng, vì lợi ích chung. Khi đã triển khai
thực hiện thì phải quyết tâm làm và làm đến cùng, chứ không làm nửa vời, được
chăng hay chớ; đồng thời, phải phát huy vai trò tiền phong của mình, của đội
ngũ cán bộ, đảng viên để khắc phục mọi khó khăn, trở ngại hoàn thành nhiệm vụ.
Trong quá trình triển khai, không vì thành tích, sự hiếu danh, hiếu vị và tiền
tài mà bất chấp tổn hại, bất chấp quy luật khách quan...
Bốn là, đối với nhân dân: Một trong những phương pháp để đấu
tranh thắng lợi, trừ bỏ được các “bệnh cá nhân” chính là người cán bộ, đảng
viên hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng,
lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên
và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết quần chúng chặt chẽ
chung quanh Đảng; tổ chức, tuyên truyền và động viên quần chúng hǎng hái thực
hiện chính sách và nghị quyết của Đảng. Vì thế, luôn gắn bó mật thiết với nhân
dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, để giám sát cán bộ, đảng viên ở cơ quan
và địa bàn cư trú cũng chính là một trong những “biệt dược” để chữa được các
“bệnh cá nhân”. Và cũng vì thế, khi đội ngũ cán bộ, đảng viên hướng về nhân
dân, vì nhân dân hết lòng, hết sức phụng sự với tinh thần liêm chính, với
phương châm “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta
phải hết sức tránh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, thì nhất định sẽ không
còn sự lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tham ô, tham nhũng, lãng phí, cũng như
sẽ không còn những cán bộ vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật phải xử lý
như thời gian qua./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét