Những cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, mang nặng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa trong mình là những người đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong mọi mặt công tác và cuộc sống đời thường, họ không còn thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không còn gương mẫu, tiền phong, thống nhất giữa nói và làm; không còn xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Họ quên mất rằng “Đảng không phải là một tổ
chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm
cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”, nên, trong họ cái tôi luôn được đề
cao. Họ luôn coi mình là trung tâm, có quyền hưởng thụ, chăm chăm tính đếm lợi
ích của cá nhân mình và người thân, dòng họ mình mà không màng đến lợi ích của
Tổ quốc và nhân dân. Vì thế, khi đã để những chứng bệnh cá nhân chủ nghĩa nảy sinh,
thì dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh
dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu
chuẩn số một của người cách mạng là sống có lý tưởng, vì lý tưởng của Đảng mà
hành động.
Họ kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại, chỉ thích “nhìn từ trên xuống”
khi phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình mình. Họ sợ tự phê
bình hay bị người khác phê bình sẽ làm mất đi cái uy thế, cái thể diện, cái uy
tín của họ, nên “họ không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Họ xem khinh cán bộ
ngoài Đảng”. Không dừng ở đó, “họ yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi, họ muốn
lựa chọn công tác theo ý thích cá nhân mình, không muốn làm công tác mà đoàn
thể giao phó cho họ. Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng”. Thậm
chí có những người còn cho rằng mình là “cứu tinh’ của dân, “công thần” của
Đảng nên đã “kể công” với Đảng, “muốn Đảng phải “cảm ơn” họ. Họ đòi ưu đãi, họ
đòi danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ”. Khi không được thỏa mãn thì họ quay
sang bất mãn, “oán trách Đảng”, vì cho rằng mình “không có tiền đồ”, “bị hy
sinh”, thậm chí theo đuôi và cổ xúy cho những đối tượng phản động, cơ hội nhằm
bôi đen sự thật, chống phá Đảng và chế độ.
Trong công việc, vì không muốn “lo trước
thiên hạ, vui sau thiên hạ” và tự cho mình quyền hành động tự do, vô tổ chức,
vô kỷ luật, nên họ độc đoán, chuyên quyền và mắc các trọng bệnh là “con đẻ” của
chủ nghĩa cá nhân như: Bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh khai hội, bệnh nể
nang, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ
luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh “hữu danh vô thực”, kéo bè
kéo cánh; bệnh cận thị, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, a dua, bệnh quan liêu, bệnh
bàn giấy, bệnh nóng tính, bệnh lụp chụp... Những chứng tật bệnh này, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong nhiều bài viết, bài nói và bài phát biểu của mình;
và cũng theo Người, những “bệnh cá nhân” này không chỉ gây bức xúc, làm suy
giảm niềm tin của quần chúng nhân dân với những cán bộ, đảng viên đã và đang suy
thoái, mà còn đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong quan hệ với quần chúng, họ tự cho rằng
“mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng". Họ không muốn học hỏi quần
chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”, nên
đóng cửa, ngồi bàn giấy, xây dựng kế hoạch, viết chương trình rồi dùng mệnh
lệnh “cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo”, ép dân chúng làm. Vì tự cho
mình quyền là “quan phụ mẫu”, nên những cán bộ, đảng viên để chủ nghĩa cá nhân
chi phối này thậm chí trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện còn không bàn
bạc, không giải thích với quần chúng; không cho quần chúng phát biểu, tham gia
ý kiến đóng góp mà chỉ “bắt buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh” của mình. Vì tự
cho mình quyền được “ăn trên ngồi trốc”, nên những vị “cha mẹ dân” này không
cần biết đến cơ sở, cũng không quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, ý kiến xác
đáng của quần chúng... khiến “quần chúng không tin, không phục, càng không yêu
họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”.
Tất cả những chứng bệnh nêu trên đều do chủ
nghĩa cá nhân sinh ra; đều xuất hiện ở những người suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Tất cả những “bệnh cá nhân” này dường như không chững lại mà còn tiếp tục nảy
nở cùng với thời gian. “Chúng” đã, đang và sẽ xuất hiện với những biểu hiện
mới, khi công khai, khi ngấm ngầm, song dù ở dưới dạng nào thì “chúng” cũng đều
trái với đạo đức cách mạng, trái với tinh thần cần, kiệm, liêm, chính và vì thế
“chúng” đều vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật đảng và các nguyên tắc của một Đảng
Mácxít-Lêninnít chân chính, cách mạng. Tất cả những “trọng bệnh” này đều đòi
hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc tự soi để nhận diện đúng và tự
sửa/tự khắc phục bằng những phương pháp hữu hiệu theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ
Chí Minh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét