Thời
gian qua, trên Biển Đông đã và đang tồn tại các vấn đề lớn liên quan đến chủ
quyền lãnh thổ cần phải giải quyết, đó là: bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng
Sa; bảo vệ chủ quyền và giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền trên quần đảo
Trường Sa giữa 5 nước 6 bên, gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philipines,
Brunei, Đài Loan (Trung Quốc); phân định ranh giới các vùng biển theo Công ước
của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và xác định ranh giới
ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cùng với đó, những nhân tố
gây mất ổn định, xâm phạm chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Việt Nam vẫn đang
diễn ra gay gắt; nguy cơ xung đột vũ trang, tranh chấp trên biển, đảo và thềm
lục địa của nước ta vẫn chưa được loại trừ do đang tồn tại những nhận thức khác
nhau về chủ quyền; có những yêu sách chủ quyền trái với thông lệ và luật pháp
quốc tế; áp đặt tư duy chủ quan, nước lớn trong các hoạt động ở Biển Đông, như:
đẩy mạnh việc xây đắp phi pháp các đảo nhân tạo, cải tạo các đảo đã chiếm đóng
trái phép, nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông; tăng
cường các hoạt động chống phá, mở rộng vùng hoạt động kinh tế… Những hoạt động
này đã và đang đe dọa, làm ảnh hưởng không chỉ đối với quốc phòng, an ninh của
Việt Nam mà cả an ninh, an toàn của nhiều nước trong khu vực .
Nhận
thức rõ nguy cơ, thách thức nói trên, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã chủ
động, tích cực giải quyết từng bước những tồn tại về biên giới lãnh thổ trên
biển và đất liền với các nước liên quan nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp
tác, góp phần củng cố hoà bình, an ninh khu vực, đồng thời tăng cường thế và
lực của đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Để xây dựng nước Việt Nam thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, làm
giàu từ biển; đồng thời tiếp tục nâng cao vị trí, tầm quan trọng của công tác
đảm bảo an ninh biển, đảo, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của
Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh một số quan điểm, chủ trương trong quản lý,
đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới cần được
quán triệt sâu sắc, như sau:
- Thực
hiện quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng
hợp của toàn dân tộc, của hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh của thời đại,
tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc
độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà
nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân
tộc” . Xác định sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sức mạnh tổng hợp quốc
gia, của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo
của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực
lượng, thế trận an ninh nhân dân, trong đó, sức mạnh quốc phòng, an ninh giữ
vai trò đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở nền quốc phòng toàn dân và thế trận an
ninh nhân dân, lấy khu vực phòng thủ ven biển làm chỗ dựa, lực lượng Hải quân
làm nòng cốt; kết hợp sức mạnh của mọi ngành, mọi lực lượng hướng biển, vận
dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh với tinh thần tự lực là chính để quản
lý, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên các vùng biển; sẵn sàng ngăn chặn,
đẩy lùi, đánh thắng các hành động xâm lấn của bất kỳ thế lực nào để bảo vệ
biển, đảo.
- Trong
đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung
đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù
hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc
lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững
môi trường hoà bình, ổn định để phát triển” 3. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển,
đảo là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài, do đó, quan điểm chung trong đấu
tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là “kiên quyết, kiên trì”, “dĩ bất biến, ứng
vạn biến”, “kiên định nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược”; những gì
thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ; những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp, giữ
vững chủ quyền biển, đảo nhưng phải ổn định chính trị, giữ vững môi trường hòa
bình để phát triển đất nước. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo cần có sự kết
hợp sức mạnh trên các mặt trận: Kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn
hóa, sự đồng tình, đồng thuận, đại đoàn kết toàn dân tộc và sử ủng hộ quốc tế.
Kết hợp các biện pháp ngoại giao, pháp lý, thông tin, truyền thông hiệu quả.
Chú trọng kiện toàn cơ quan, đội ngũ, cán bộ làm công tác thực thi pháp luật
trên biển, phát huy vai trò các biện pháp công tác của lực lượng Hải quân, Cảnh
sát biển, bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các
thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển. Huy động các nguồn lực
từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh,
trong đó có lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp
trên các vùng, miền, trên biển .
- Nhận
thức đầy đủ, sâu sắc về quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Theo đó, quản lý,
bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng pháp
luật của Nhà nước với quá trình kinh tế - xã hội, các hoạt động trên biển, đảo
nhằm duy trì và phát triển các mối quan hệ, các hoạt động đó trong trật tự,
theo đúng định hướng của Nhà nước trong việc thăm dò, khai thác các tiềm năng
của biển, thực thi và bảo vệ chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán
quốc gia trên các vùng biển, hải đảo và thềm lục địa của quốc gia phù hợp với
luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực. Quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc
gia trên biển còn là bảo vệ các quyền của quốc gia về biển phù hợp với luật
pháp quốc tế và các hiệp định mà nước ta đã ký với các nước có liên quan. Đó là
quyền của quốc gia về bảo tồn, quản lý, thăm dò, khai thác tài nguyên thiên
nhiên của biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng trời, các đảo và quần đảo gắn liền
với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển. Nội dung quản lý và bảo vệ chủ
quyền biển, đảo, bao gồm: bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi
ích quốc gia dân tộc trên biển, đảo; bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội và
văn hóa trên biển, đảo và vùng ven biển; tăng cường tiềm lực quản lý, bảo vệ
chủ quyền biển, đảo trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, tư tưởng, văn
hóa, khoa học, giáo dục; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trên biển,
đảo; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, tạo lập môi trường thuận
lợi để phát triển; tăng cường hoạt động pháp lý trên trường quốc tế tạo cơ sở
bảo vệ chủ quyền biển, đảo bền vững.
- Chúng ta phải khẳng định một lần nữa
rằng biển, đảo chính là phần lãnh thổ quan trọng không thể tách rời của Tổ quốc
Việt Nam. Vì vậy, trách nhiệm của mỗi công dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo
là đặc biệt quan trọng. Mỗi chúng ta cần nắm vững quan điểm của Đảng, có định
hướng lý tưởng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trước hết là giữ vững ý chí,
niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với bảo vệ chủ
quyền biển, đảo, không tin, nghe theo, tiếp tay cho những lời tuyên truyền,
xuyên tạc, bịa đặt của các cá nhân, tổ chức, thế lực thù địch lợi dụng vấn đề
biển, đảo để chống phá cách mạng Việt Nam. Hơn thế nữa, mỗi chúng ta cần xây
dựng và phát huy tinh thần sẵn sàng tham gia trực tiếp vào công cuộc bảo vệ,
giữ gìn biển, đảo quê hương. Tham gia tích cực công tác tuyên truyền về quan
điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền
biển, đảo Việt Nam. Tăng cường học tập, nghiên cứu phổ biến pháp luật về quản
lý, bảo vệ biển, đảo và phát triển kinh tế biển, đảo bền vững. Tham gia tuyên
truyền và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về khai thác, sử dụng tài nguyên và
bảo vệ môi trường vùng biển, hải đảo. Quảng bá hình ảnh biển Việt Nam, chung
tay xây dựng thương hiệu biển Việt Nam góp phần nâng cao vị thế quốc gia và hội
nhập quốc tế trong bảo vệ biển, đảo./.
V3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét