Bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng là bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ
lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ công cuộc đổi mới của đất nước và hội nhập
quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; đồng thời đấu
tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, những luận điệu
xuyên tạc, bịa đặt, thông tin xấu độc, cố tình hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo
của Đảng, chia rẽ đoàn kết, gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân
dân.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng
công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch, coi đây là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng,
lý luận của Đảng, một nội dung cốt lõi của công tác xây dựng Đảng. Mới đây, tại
Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị xác định rõ: “Bảo vệ
vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công
tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân,
toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự
giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị
và của từng cán bộ, đảng viên”.
Thực tế thời gian qua cho thấy liên tục xuất hiện một số cá nhân
đăng tải, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội những thông tin phiến diện, thiếu
chính xác, chưa được kiểm chứng liên quan đến tình hình dịch Covid-19, tiêm vắc
xin phòng Covid-19; hiện tượng cá chết tại bờ biển xã Nghi Thiết, huyện Nghi
Lộc và hiện tượng nước biển có màu đỏ do tảo ở thị xã Hoàng Mai hồi tháng
4/2021; hay như việc triển khai dự án Công viên nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng
ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên… dẫn đến tâm lý hoang mang, phản ứng trái
chiều trong dư luận xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và các đối
tượng phản động, cực đoan chính trị tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá
gây hoang mang trong dư luận nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang
sử dụng không gian mạng để chống phá trực diện khuếch trương thanh thế, cổ súy
“giá trị” văn hóa phương Tây. Chúng lập những tài khoản, website giả mạo các
đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, những người
có uy tín, nhân vật nổi tiếng… để tung tin gieo rắc hoài nghi trong xã hội,
nhất là trước những vấn đề nhạy cảm, kích động, lôi kéo người dân tụ tập trái
phép, biểu tình, phá rối an ninh trật tự và có các hành vi phạm pháp.
Để
phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tác động từ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội,
góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự
là những chiến sĩ xung phong, đi đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, do đó cần
thường xuyên trau dồi, học tập, nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản
và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục
tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tiếp tục thực hiện nghiêm
các Nghị quyết TW 4 khoá (XI, XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với các quy
định về nêu gương của cán bộ, đảng viên; tự giác tu dưỡng rèn luyện nâng cao
trình độ chính trị, trau dồi đạo đức cách mạng.
Đồng thời, luôn thực hiện tốt việc nêu gương trong mọi hoạt
động, tăng cường tuyên truyền những giá trị ưu việt của chế độ, những thành quả
đã đạt được trong thực tiễn đời sống xã hội. Qua đó giúp nâng cao nhận thức
trong mỗi người dân, biết phân biệt phải, trái, đúng, sai, khẳng định lòng tin
của nhân dân với Đảng, với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để mỗi người
dân tự giác góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chung, bảo vệ lẽ phải, chống lại
những luồng tư tưởng lệch lạc, những thói hư, tật xấu trong đời sống xã hội,
thực hiện đúng theo lời dạy của Bác là phải biết dựa vào dân, vì: “Dễ trăm lần
không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Chú trọng nâng cao ý thức tự giác, kỷ luật trong khi tiếp xúc
thông tin; nắm vững và chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi
thông tin theo quy định của Hiến pháp, Luật Tiếp cận thông tin và Luật An ninh
mạng. Khi tham gia mạng xã hội cần nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ
luật của Ðảng, của tổ chức mà mình là thành viên, đồng thời thể hiện là công
dân gương mẫu trong việc chấp hành Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông
tin và Truyền thông ban hành.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần sáng suốt, nhạy bén
kịp thời phát hiện, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, luồng
thông tin xấu độc ngay từ những biểu hiện nhỏ nhất, trong mọi mặt của đời sống
xã hội, với những phương thức linh hoạt, phù hợp từng đối tượng. Vạch trần âm
mưu, thủ đoạn chống phá tinh vi dựng lên những câu chuyện xuyên tạc, tạo ra tin
đồn đoán “nửa thực, nửa hư” tung lên mạng xã hội, gây hoang mang trong dư luận
xã hội nhằm hướng lái, đả kích theo kiểu “mưa dầm, thấm sâu”.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần bám sát tình hình, nắm
bắt tư tưởng, dư luận trong xã hội để kịp thời cung cấp thông tin chính
thống, định hướng dư luận, thường xuyên chia sẻ thông tin tốt đẹp, lan tỏa
gương người tốt, việc tốt để "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", phản ứng
nhanh, linh hoạt, chia sẻ, giải thích cho nhân dân hiểu đúng bản chất của vấn
đề, nhận thức được những chiêu trò, âm mưu, thủ đoạn của chúng để cùng tham gia
vạch trần âm mưu, hoạt động của chúng.
Có thể khẳng định rằng, chủ động đấu tranh phản bác các quan
điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ
chức đảng, của cả hệ thống chính trị và trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên.
Thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trên sẽ góp
phần đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch ngăn chặn hiệu quả,
giảm tác hại từ những âm mưu, chiêu trò, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của các
thế lực thù địch, phản động, góp phần ổn định tư tưởng xã hội, bảo vệ nền tảng
tư tưởng của đảng, góp phần thực hiện thành công nghị quyết đại hội đảng bộ các
cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII
của Đảng.
V3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét