Bằng đủ mọi thủ đoạn, những nhà lý luận tư sản ra sức chứng minh rằng “Học thuyết Mác là sản phẩm của giữa thế kỷ XIX, do vậy đem đặt nó trong bối cảnh thế kỷ XXI nếu không lạc hậu, thì cũng chẳng thể là khoa học". Một số phần tử phản động, thù địch với Việt Nam thì coi đây là cơ hội không thể tốt hơn để tuyên truyền chống phá với luận điệu “Chủ nghĩa Mác-Lênin là ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây nên không phù hợp với Việt Nam” và việc Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là sai lầm, bảo thủ, giáo điều.
Chứng
minh vai trò lịch sử của Chủ nghĩa Mác-Lênin là công việc mà hàng trăm, hàng
nghìn nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đã và đang làm với biết bao tâm huyết
và trí tuệ. Trong bài viết này, tác giả chỉ làm một công việc giản đơn nhằm
thống kê lại những sự kiện đã diễn ra kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Đó là năm
1999, Trường Đại học Cambridge (Anh) tổ chức bình chọn nhà tư tưởng số một
thiên niên kỷ thứ hai, kết quả là giới trí thức Anh đã chọn Các Mác là nhà tư
tưởng số một, xếp trên cả nhà khoa học thiên tài A.Anhxtanh. Gần đây nhất, Tạp
chí Spiegel (Đức), đã công bố kết quả điều tra xã
hội học với hơn 50% số người dân Đức nói rằng, “sự phê phán của Mác đối với chủ
nghĩa tư bản ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị”. Báo The NewYorker (Mỹ) cũng cho
rằng, các nhà kinh tế học hiện đại đang “bước theo dấu chân của C.Mác mà họ
không biết”.
Thực tế cho thấy, chính
những quốc gia phản đối Học thuyết Mác-Lênin lại có nhiều viện nghiên cứu và
nghiên cứu sâu sắc Học thuyết Mác-Lênin hơn cả. Công trình “Tư bản luận” của
Mác luôn thuộc vào hàng sách bán chạy ở các quốc gia này. Họ đã vận dụng chính
lý luận Mác-Lênin để điều chỉnh, thích nghi và tồn tại.
Lịch sử phát triển của
loài người không bao giờ đi theo một đường thẳng tắp. Ngay từ đầu, Mác-Lênin đều
dự báo rằng, tiến lên CNXH là xu thế tất yếu của lịch sử loài người nhưng đó là
con đường vô cùng khó khăn, phức tạp. Các nhà lý luận tư sản ra sức rêu rao
rằng, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu cũng đồng thời là sự sụp
đổ của Học thuyết Mác-Lênin. Hình như, họ đã quên mất rằng, chính cuộc cách mạng
tư sản trước khi có được thành công, cũng đã trải qua hàng trăm năm đấu tranh
khắc nghiệt chống lại giai cấp phong kiến. Nếu tính từ cách mạng tư sản Hà Lan
đầu thế kỷ XVI tới khi cách mạng tư sản Anh hoàn thành (1680) là gần 200 năm.
Còn nhà nước tư sản Mỹ độc lập (1776) và nhà nước tư sản Pháp ra đời (1789) mất
trên dưới 300 năm. Nước Anh, nơi khởi phát cách mạng tư sản, với sức mạnh khổng
lồ của giai cấp tư sản đã từng tự hào “mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc
Anh” nhưng đến nay về mặt cấu trúc nhà nước vẫn là nền quân chủ lập hiến. Nếu
như cuộc đấu tranh chống lại giai cấp phong kiến của giai cấp tư sản lâu dài,
phức tạp như vậy thì con đường tiến lên CNXH của nhân loại phải trải qua những
khúc quanh của lịch sử cũng là một điều tất yếu.
Gần 100 năm sau khi Cách
mạng Tháng Mười Nga thành công, hơn 160 năm kể từ khi "Tuyên ngôn Đảng
Cộng sản" ra đời, thế giới đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm, những
điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay quả thật đã khác trước rất nhiều. Mác, Lênin
tất nhiên không thể hình dung hết những biến đổi sâu sắc của thế giới như hiện
nay. Nhưng những nguyên lý cơ bản, những dự báo thiên tài trong học thuyết của
các ông vẫn chứng tỏ giá trị hiện thực to lớn. Từ năm 2008 trở lại đây, trước
sự suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính của mô hình kinh tế tân tự do TBCN,
ở các nước phương Tây đã xuất hiện xu hướng quay lại với lý luận của Mác. Các
nhà kinh tế học tư sản lúng túng, bế tắc trước hiện thực TBCN phương Tây đã sực
nhớ đến những phán đoán thiên tài của Mác về mâu thuẫn không không thể tránh
khỏi trong phương thức sản xuất TBCN. Họ, dù thừa nhận hay không thừa nhận, vẫn
phải đi sâu “học hỏi” Mác-Lênin, tìm trong học thuyết của các ông lời giải cho
những vấn đề hiện đại. Giáo sư Teri Igơtơn (Trường Đại học Tổng hợp Landcaste,
Anh), viết cuốn sách "Tại sao Mác đúng" xuất bản tại Mỹ năm 2011 đã
thừa nhận rằng, dù tình hình hiện nay có rất nhiều biến đổi so với thời của
Mác, ví dụ dường như không còn thấy vấn đề đấu tranh giai cấp trong đời sống xã
hội phương Tây, sự thích nghi của CNTB dẫn đến những tiến bộ của bình đẳng, tự
do, phúc lợi, hay sự hình thành những thể chế toàn cầu…, nhưng về mặt bản chất
của phương thức sản xuất đang thống trị thì vẫn là phương thức TBCN. Động lực
của nền sản xuất ấy vẫn là lợi nhuận, hậu quả của nó vẫn là sự phân hóa giàu
nghèo dựa trên bóc lột giữa tư bản và làm thuê. Chiến tranh khu vực, xung đột
sắc tộc giữa các quốc gia, các thế lực kinh tế cũ và mới vẫn tiềm ẩn…
Phân tích tính chất thời
đại ngày nay, Teri Igơtơn khẳng định Mác đã đúng và vẫn đúng. Cuốn sách của ông
đã gây tiếng vang với sự quan tâm rất lớn trong giới nghiên cứu chính trị
phương Tây. Điều này, y như Lênin đã từng khẳng định: “Mác đặt vấn đề CNCS
giống như một nhà tự nhiên học, chẳng hạn, vấn đề tiến hóa của một giống sinh
vật mới, một khi đã biết nguồn gốc của nó và định được rõ rệt hướng của những
biến đổi của nó”. Tại Đại hội Công đoàn thế giới lần thứ 16 (tổ chức tại Hy
Lạp, tháng 4-2011), sau khi phân tích tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu,
đại hội đã khẳng định: Tình hình thế giới hiện nay đã chứng minh những luận
điểm mà nhà tư tưởng vĩ đại của giai cấp công nhân - C.Mác đã đúc rút; khủng
hoảng kinh tế làm bộc lộ những mâu thuẫn cơ bản của CNTB, đó là sự mâu thuẫn
giữa tính chất xã hội của sản xuất với chế độ tư hữu tư liệu sản xuất TBCN và
việc chiếm hữu tư liệu sản xuất…
Có thể thấy, với hai phát
hiện khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng
dư, Học thuyết Mác-Lênin đã đặt nền móng về sự nghiệp giải phóng giai cấp công
nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hóa.
Chủ nghĩa Mác-Lênin đã soi sáng vai trò lịch sử thế giới của giai cấp công nhân
là người xây dựng xã hội XHCN thay thế xã hội tư bản. Học thuyết của các ông
chỉ ra những điều kiện lịch sử của sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân,
những nhiệm vụ chủ yếu có tính quy luật mà các chính đảng của giai cấp công
nhân cần thực hiện để hoàn thành sự nghiệp cách mạng XHCN. GS, TS Lê Hữu Nghĩa,
nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cùng nhiều nhà khoa học khác ở
Việt Nam cũng đã nhiều lần nhấn mạnh: Giá trị của Học thuyết Mác-Lênin không
phải ở chỗ mọi câu nói của Mác đều là chân lý vĩnh cửu, những người cách mạng
cứ thế mà áp dụng không cần xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Giá trị vạch
thời đại của học thuyết là phương pháp luận khoa học nghiên cứu về CNXH: Tính
tất yếu lịch sử của CNXH thay thế CNTB thông qua cách mạng vô sản và sự nghiệp
xây dựng CNXH. CNXH là một cơ thể sống, nó tất yếu phải thường xuyên biến đổi,
đổi mới và phát triển. Và vượt lên trên tất cả, Học thuyết Mác-Lênin với quan
niệm khoa học gắn liền với chủ nghĩa nhân văn cao cả đã khẳng định mục tiêu cao
nhất của CNXH, CNCS chính là giải phóng con người thoát khỏi mọi áp bức, bóc
lột; phát triển tự do và toàn diện con người, không ngừng hoàn thiện con người.
Cho đến nay, khi nhân loại đã bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Chủ
nghĩa Mác-Lênin vẫn là học thuyết khoa học nhất, cách mạng nhất, vạch ra xu thế
tất yếu của thời đại mà không học thuyết nào có thể thay thế được.
Riêng Việt Nam, sau hơn 80
năm ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh làm nền tảng tư tưởng để định ra cương lĩnh đấu tranh cách mạng và xây
dựng chủ trương, biện pháp lãnh đạo đất nước, đã vượt qua bao thử thách, giành
được những thành tựu to lớn. Chúng ta kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, nắm chắc tinh thần khoa học, thực tiễn của lý luận chứ không phục
tùng từng câu, từng ý trong trước tác của các ông. Chính điều đó đã góp phần
làm cho “con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn”, đưa
đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới ở thế kỷ XXI với vị thế mới, mà nhân
dân và bạn bè đều thừa nhận: “chưa bao giờ, thế và lực của Việt Nam mạnh mẽ như
hiện nay”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét