Tư tưởng Quân sự Hồ Chí Minh là một vấn đề quan trọng trong hệ thống các quan điểm của Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là hệ thống các quan điểm về chỉ đạo hoạt động quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng Quân sự Hồ Chí Minh là sự vận dụng và phát triển sáng tạo, kế thừa truyền thống nghệ thuật quân sự của dân tộc và tiếp thu tinh hoa nghệ thuật quân sự của nhân loại thông qua bản lĩnh Hồ Chí Minh.
Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh có cội nguồn từ tư tưởng chính trị, vì mục tiêu chính trị. Điều đó được khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập: “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”
Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh tiếp thu truyền thống hòa hiếu và nhân nghĩa của ông cha. Cho nên trong quan điểm về sử dụng bạo lực cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện rõ tinh thần tự vệ dân tộc: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng”; “đánh giặc phải có quân đội”. Quan điểm về bạo lực cách mạng của Hồ Chí Minh luôn thể hiện rõ tư tưởng nhân đạo và hòa bình, khác xa với tư tưởng hiếu chiến, tàn bạo của quân xâm lược. Người luôn nhắc nhở: “Nhân dân ta buộc phải cầm súng để tự vệ, nhưng chúng ta không coi đánh tiêu diệt là con đường duy nhất để kết thúc chiến tranh, mà dùng “mưu phạt, tâm công”, coi trọng binh vận, địch vận, tranh thủ đàm phán hòa bình, đánh bại ý chí xâm lược.
Sức mạnh “bách chiến bách thắng” của quân đội Việt Nam có cội nguồn và được tăng lên gấp nhiều lần là từ Nhân dân: “Lớp cha trước, lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành”; thế hệ này tiếp tới thế hệ khác lần lượt lên đường tòng quân. Biết bao thế hệ những người mẹ, người vợ, người chị, người em đã tiễn những người con, người chồng, người anh, em yêu quý nhất của mình cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử đã khắc sâu dấu ấn về sức mạnh vĩ đại của những người dân luôn quyết tâm cao nhất để “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”…
Tất cả là nhờ có tư tưởng của Người luôn soi sáng: “dân như nước, mình như cá, lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân”; “nhân dân là nền tảng, là cha mẹ bộ đội”. Đồng thời, sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối sáng suốt của Đảng đối với quân đội là một nhân tố quan trọng để tạo nên sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Bác nói: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Trong xây dựng lực lượng vũ trang, “Người trước, súng sau” là quan điểm đặc biệt quan trọng của Hồ Chí Minh, cần luôn nhận thức sâu sắc và thực hiện.
Lẽ đương nhiên ai cũng biết rằng: con người và vũ khí tạo nên sức chiến đấu của lực lượng vũ trang. Nhưng với Hồ Chí Minh thì: “vũ khí là cần nhưng con người vác vũ khí, sử dụng vũ khí là quan trọng hơn” - con người là nhân tố quyết định.
Lấy việc bồi dưỡng xây dựng con người là chính yếu, Người luôn nhắc cán bộ, chiến sĩ ra sức phấn đấu để có phẩm chất và năng lực toàn diện: “một quân đội văn hay, võ giỏi là một quân đội vô địch”; “tư tưởng vững, chính trị vững, kỷ luật khá, thân thể khỏe mạnh thì nhất định thắng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tướng lĩnh có đủ “Trí – Dũng – Nhân – Tín – Liêm – Trung”. Bác nói: “tướng giỏi thì nước mạnh; tướng xoàng thì nước hèn”. Bác luôn xem đó là một trong các khâu then chốt của việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội; nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, thái độ của cán bộ đối với chiến sĩ, với nhân dân và kẻ địch./.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét