Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

HỌ CŨNG ĐÃ ĐỔ MÁU VÌ HÒA BÌNH VIỆT NAM

 

Để có được tự do, hòa bình cho Việt Nam ngày hôm nay, không chỉ máu cha ông ta đã đổ xuống mà còn có cả máu của những người dũng cảm ở nơi xa, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc nhớ đến Norman Morrison và Muhammad Ali.

Muhammad Ali - Huyền thoại boxing thế giới - nếu bắt tôi bắn họ, cứ đưa tôi vào tù đi.

Vào ngày 28/4/1967, Muhammad Ali từ chối gia nhập quân đội Mỹ để tham gia chiến tranh Việt Nam khiến ông bị tước giấy phép quyền anh và tất cả đai vô địch thế giới. Tay đấm huyền thoại nói rằng ông không gia nhập quân đội Mỹ vì lương tâm không cho phép, từ đó dẫn đến việc bị kết án 5 năm tù và phạt 10.000 USD. Trong 4 năm sau đó, Muhammad Ali huyền thoại vẫn bảo vệ ý kiến của mình trong mọi hoàn cảnh. Phong trào phản chiến, tại nước Mỹ đã trỗi dậy mạnh mẽ từ đó với sự tham gia của cả Bill Clinton, Tổng thống Mỹ giai đoạn 1993-2001. Tổng cộng có 16 triệu thanh niên Mỹ đốt thẻ quân dịch để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Phong trào đòi thả Muhammad Ali cũng nổ ra, dần lan rộng và thu hút nhiều vận động viên, người hâm mộ quyền Anh cũng như nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Nhờ đó mà cuối cùng chính quyền Mỹ và Liên đoàn quyền Anh của nước này đã nhượng bộ. Năm 1971, Muhammad Ali được trả tự do. Sau khi giã từ sự nghiệp quyền Anh chuyên nghiệp vào những năm 80 của thế kỷ trước, Muhammad Ali tham gia nhiều hoạt động xã hội, các sứ mệnh nhân đạo và chương trình của LHQ mang tên “Thông điệp hòa bình”. Muhammad Ali đã từng đến thăm Việt Nam vào tháng 5/1994.

Norman Morrison - Ngọn đuốc sống trước Lầu Năm Góc

“… Emily con ơi!

Trời sắp tối rồi ...

Cha không thể bế con về được nữa

Khi đã sáng bùng lên ngọn lửa

Đêm nay mẹ đến tìm con

Con sẽ ôm lấy mẹ mà hôn

Cho cha nhé.

Và con sẽ nói giùm với mẹ

Cha đi vui, xin mẹ đừng buồn! …”

Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy những câu thơ này thật quen thuộc, đây chính là bài thơ “Emily, con” của nhà thơ Tố Hữu đã viết 5 ngày sau khi Norman Morrison tự thiêu trước Lầu Năm Góc để phản đối chiến tranh ở Việt Nam và Norman Morrison là người cha trong bài thơ đó. Thế hệ GenZ không có nhiều người biết đến Norman Morrison nhưng vào năm 1965, hành động dũng cảm của anh đã xuất hiện trên rất nhiều mặt báo lớn ở Việt Nam nói riêng và mặt báo thế giới nói chung.

Norman Morrison sinh ngày 19/12/1933 ở Erie, bang Pennsylvania, Mỹ. Anh dạy học tại một trường trung học và là một người yêu hòa bình, là một trong những người hoạt động tích cực trong phong trào biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của chính quyền Johnson. Anh không thể chấp nhận con số thương vong về người mà cuộc chiến phi nghĩa ấy đang gây ra, cả đối với người Việt Nam và binh sĩ Mỹ. Ông tin rằng nếu cuộc chiến này tiếp tục, đến một lúc nào đó, nó sẽ giáng một đòn nặng nề lên lương tâm của người Mỹ.

Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam và dùng không quân đánh phá ra các tỉnh miền Bắc nước ta, ông nhiều lần xuống đường phản đối chiến tranh, nhưng cuộc chiến vẫn ngày càng khốc liệt hơn. Morrison nghĩ rằng, khẩu hiệu, băng rôn và các cuộc tuần hành không làm những người cầm quyền chú ý thì anh phải dùng đến biện pháp cuối cùng: Ngọn lửa của thân thể mình!

Vào ngày 2/11/1965, Norman Morrison lái xe rời khỏi nhà đưa theo cô con gái út Emily khi ấy mới 1 tuổi. Sau 64km, họ đến trước Lầu Năm Góc, theo các nhân chứng kể lại, anh đã ôm và hôn lên trán đứa con gái bé bỏng của mình lần cuối, âu yếm nhìn cô bé. Người cha ấy giao con gái mình cho một người phụ nữ trong đám đông, trèo khỏi hàng rào, đổ lên người chỗ xăng đã chuẩn bị từ trước và châm lửa. Người đàn ông ấy trở thành ngọn lửa cao 3m trong sự bàng hoàng của đám đông.

Trước đó 3 tháng, Norman Morrison gửi thư cho báo Mặt trời Baltimore bày tỏ thái độ bất bình về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam nhưng Norman Morrison nhận ra tất cả những gì mình nỗ lực đều không hề chạm đến chính quyền Mỹ. Nhìn những đứa con của mình, người đàn ông ấy đau lòng vì những đứa trẻ ở Việt Nam đang chịu những cơn mưa bom đạn, sống trong những căn hầm, đáng lẽ chúng phải được vui chơi và đến trường. Khi châm lửa tự thiêu, ánh lửa bùng lên như một thông điệp của nhân dân Mỹ đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Khi biết tin về vụ tự thiêu của Norman Morrison, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời chia buồn tới Anne, vợ của Norman Morrison. Khi bà Anne và các con tới thăm Việt Nam vào năm 1999, họ đã gặp nhà thơ Tố Hữu. Họ ngạc nhiên trước sự tiếp đón nồng nhiệt của Việt Nam và gặp nhiều người Việt Nam. Người con gái lớn của Norman đã chia sẻ “Là một người con, điều duy nhất giúp tôi hiểu về cái chết của cha mình là biết được nỗi đau xảy ra tại Việt Nam. Trong chuyến đi, tôi gặp những đứa trẻ nói với chúng tôi rằng, sự hy sinh của cha tôi có ý nghĩa như thế nào đối với họ. Đây là sự xoa dịu không gì tả xiết đối với tôi”, cô ấy đã thấy sự hy sinh của cha mình đã lên tiếng cho rất nhiều đứa trẻ vô tội khác. Sau chuyến thăm đó, Anne Morrison đã viết một bức thư gửi nhân dân Việt Nam như một lời cảm ơn chân thành: “Khi nào tôi còn sống thì tôi vẫn không thể quên được chuyến đi của tôi tới Việt Nam vào tháng 4/1999. Chuyến đi ấy đã hàn gắn những vết thương lòng của tôi. Sau cái chết của chồng tôi - Norman Morrison năm 1965 để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, tôi biết nhân dân Việt Nam vô cùng xúc động về sự hy sinh của chồng tôi và kính trọng chồng tôi. Họ đã gửi những lời chia buồn đến gia đình tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên về tình cảm sâu sắc và lòng kính trọng dành cho chồng tôi của biết bao người dân Việt Nam mà họ vẫn gìn giữ trong suốt những năm tháng qua để nay lại bày tỏ trước chúng tôi. Tôi trân trọng và yêu quý những giọt nước mắt của họ, những giọt nước mắt của tình yêu và lòng thông cảm, Và ở một khía cạnh nào đó, những giọt nước mắt ấy là những hạt mầm của niềm vui …”.

Sau vụ tự thiêu của Morrison, phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ ngày càng phát triển với quy mô và lực lượng mới, nhiều tổ chức và cá nhân tham gia. Nhiều tờ báo Mỹ đã cử phóng viên sang chiến trường Việt Nam để phản ánh sự thật và tố cáo tội ác chiến tranh. Từ cuối năm 1965 trở đi, tình hình ở Mỹ diễn ra hai trận tuyến rõ rệt: một bên là chính quyền Mỹ với các đời tổng thống kế tiếp nhau cùng với một quốc hội ngày càng cam kết và dấn sâu vào chiến tranh xâm lược; với một bên là nhân dân Mỹ nhất quyết bằng mọi giá phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. Sự kiện Norman Morrison và phong trào phản chiến của nhân dân tiến bộ Mỹ là lời bênh vực trung thực nhất cho dân tộc Việt Nam, là câu trả lời đúng đắn nhất cho câu hỏi vì sao dân tộc Việt Nam lại đứng lên cầm vũ khí đánh đuổi những kẻ xâm lược Mỹ, góp phần cùng nhân loại tiến bộ trên thế giới vạch trần âm mưu và tội ác của đế quốc Mỹ tại Việt Nam, giúp nhân dân Việt Nam có thêm sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn, quyết tâm chiến đấu để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Phong trào ủng hộ Việt Nam của nhân dân Mỹ thật sự là một phong trào rộng lớn bao gồm nhiều lực lượng, cá nhân, những người có tư tưởng hòa bình./.

Nguồn: ST

1 nhận xét: