Nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm
mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc
nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trước thách thức của trí tuệ
nhân tạo, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung làm tốt một
số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính
trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, làm hạt nhân lan tỏa đến mọi tầng lớp quần
chúng, nhân dân. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cần tập trung vào nâng
cao nhận thức về tính khoa học, cách mạng, thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay; từ đó, nâng cao tinh thần trách
nhiệm, ý thức cảnh giác cách mạng trước mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa
bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây là một trong những giải pháp căn
bản, quan trọng cần được tiến hành thường xuyên, bài bản, lâu dài ở tất cả các
cấp, các ngành để mỗi cán bộ, đảng viên dù công tác ở cương vị nào cũng luôn đề
cao trách nhiệm, chủ động tiếp nhận, làm giàu nguồn thông tin chính thống, giữ
vững nền tảng tư tưởng của Đảng từ bên trong và lan tỏa tinh thần đó đến quần
chúng, nhân dân.
Cùng với việc giáo dục chính trị tư tưởng, cần tăng
cường công tác đào tạo, tự đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ,
trình độ khoa học công nghệ cho cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong bối
cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, để tận dụng lợi thế do trí
tuệ nhân tạo mang lại trong xử lý hiệu quả công việc.
Hai là, các cơ quan, đoàn thể, nhất là các đơn vị cơ
sở cần tăng cường tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú đến tất
cả cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Nội dung tuyên truyền tập trung
vào dấu hiệu nhận biết và cách thức phòng, chống âm mưu, thủ đoạn, hình thức
đưa thông tin xuyên tạc, giả mạo, kích động trên không gian mạng nói chung,
trên các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT nói riêng của các thế lục thù
địch, phản động. Từ đó, giúp mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân không ngừng nâng
cao nhận thức, ý thức pháp luật khi viết bài, tương tác, bình luận, chia sẻ,
chắt lọc, sử dụng thông tin trên các nền tảng trực tuyến.
Cùng với đó, các cấp, các ngành cần thường xuyên, chủ
động nắm chắc tình hình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tổ chức đối
thoại, giải quyết kịp thời những vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của nhân
dân; tích cực vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo thành “thế trận lòng dân” vững
chắc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ tự thân mỗi người dân Việt Nam.
Ba là, chủ động tạo ra “thế trận”, hình thành hệ
sinh thái thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đủ lớn, chính xác, chính
thống, kịp thời để chế áp hiệu quả những thông tin xấu độc, xuyên tạc của các
thế lực thù địch trên không gian mạng. Bởi vì, các hệ thống trí tuệ nhân tạo
như ChatGPT có xu hướng tạo ra các câu trả lời tự động dựa trên nguồn thông
tin, dữ liệu chiếm tỷ lệ lớn hơn. Do vậy, khi các thông tin chính xác, chính
thống áp đảo trên không gian mạng, chúng sẽ tự động kết hợp với các hệ thống
trí tuệ nhân tạo để tạo thành hệ thống “tuyên truyền chủ động” giúp công tác
tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng tốt hơn.
Để làm tốt giải pháp này cần tăng cường phát huy vai trò trung tâm, định hướng
của các cơ quan truyền thông, báo chí, xuất bản trong việc cung cấp thông tin
một cách chủ động, chính xác, kịp thời trước các vấn đề chính trị, xã hội của
đất nước. Đồng thời, các cơ quan truyền thông, báo chí, xuất bản sẽ đóng vai
trò trung tâm lan tỏa, khích lệ tinh thần đến mọi tầng lớp nhân dân để cùng tạo
ra “thế trận thông tin” vững chắc, phản ánh đúng chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, từ đó lấn át đi những luồng thông tin
xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt, chống phá của các thế lực thù địch trên không gian
mạng.
Bốn là, các cơ quan chức năng cần chủ
động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ xây dựng phương án đấu
tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các website phản động; kiến nghị, can thiệp các
nhà cung cấp bóc gỡ các thông tin, dữ liệu xấu độc trên các nền tảng mạng xã
hội; từ đó chủ động ngăn chặn các thông tin xấu độc, phản động lan truyền trên
mạng Internet ngay từ khi chúng mới xuất hiện. Khi dữ liệu xấu độc không còn
tồn tại trên Internet, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT sẽ không bị
gây nhiễu, không thể đưa ra những thông tin sai lệch. Đồng thời, các cơ quan
chức năng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất
lượng, mức độ tin cậy của các hệ thống trí tuệ nhân tạo trước khi cấp phép lưu
hành, sử dụng tại Việt Nam; giám sát thường xuyên, liên tục, kịp thời can thiệp
khi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo hoạt động cung cấp thông tin trái với các giá
trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, chuẩn mực xã hội; xuyên tạc đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét