Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

Các thế lực thù địch lợi dụng trí tuệ nhân tạo để chống phá cách mạng Việt Nam

 

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - viết tắt là AI) là “trí tuệ” do con người lập trình tạo nên nhằm mục đích giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh giống như con người, như: hiểu ngôn ngữ, biết giao tiếp, biết học, tự thích nghi, thậm chí biết suy nghĩ, tính toán và lập luận để giải quyết vấn đề,… Thời gian gần đây, trí tuệ nhân tạo đang có sự phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều giá trị to lớn, được ứng dụng sâu, rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tác động trực tiếp đến mọi thành phần, mọi tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, do có tính mở, không bị giới hạn bởi vị trí địa lý, thông tin đa dạng và chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, trí tuệ nhân tạo đã và đang thách thức trực tiếp trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Các thế lực thù địch có thể lợi dụng trí tuệ nhân tạo như là một công cụ, phương tiện để thực hiện mưu đồ chống phá cách mạng nước ta, với nhiều cách thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thẩm thấu, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Do đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước thách thức của trí tuệ nhân tạo trên không gian mạng là vấn đề hết sức quan trọng, cần được quan tâm nghiên cứu.

Để gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; chống phá mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, thậm chí đưa ra góc nhìn sai lệch về những thành tựu to lớn mà Nhân dân ta đã giành được qua các thời kỳ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng,... các thế lực thù địch đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn, cách thức tấn công. Chúng “giả mác-xít”, “giả khoa học”, “giả trung lập”, “phi chính trị”… để tuyên truyền, xuyên tạc nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội. Chúng luôn tìm mọi cách để phủ nhận những thành tựu to lớn của Nhân dân ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng; lợi dụng, cường điệu hóa một số hạn chế, khuyết điểm của Đảng và hệ thống chính trị; lợi dụng việc một số cán bộ cao cấp thiếu gương mẫu, vi phạm đạo đức, lối sống, tham nhũng bị xử lý, kỷ luật,… để quy chụp rằng việc Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng chính là nguyên nhân gốc rễ của những hạn chế, khiếm khuyết đó. Từ đó, chúng cổ xúy, tâng bốc cho các mô hình “dân chủ tư sản”, “xã hội dân chủ”, “tam quyền phân lập”, “đa nguyên, đa đảng”,…; đồng thời, tìm cách bôi nhọ, xuyên tạc lý lịch, đời tư, thân thế sự nghiệp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội nhằm phủ nhận sự cống hiến, phủ nhận hệ tư tưởng mác-xít và vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng mượn danh “đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực”, “bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, “phản biện xã hội”, “hiến kế cho Đảng”, “bảo vệ môi trường”,… để đưa ra quan điểm, bình luận xuyên tạc nhằm hạ uy tín, giảm niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội. Chúng còn triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị - xã hội “nhạy cảm” như việc khiếu kiện đất đai, việc xét xử các đối tượng chống phá chính quyền, vi phạm pháp luật; dùng vật chất lôi kéo, kích động người dân tập trung đông người, biểu tình, gây rối làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, mạo danh tôn giáo, tín ngưỡng để xúi giục, kích động, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các tôn giáo hoạt động bất hợp pháp, các tổ chức đòi ly khai, thành lập “nhà nước tự trị”,… Ngoài ra, các thế lực thù địch còn muốn đẩy nhanh, lan rộng quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, có biểu hiện suy thoái, biến chất, cơ hội chính trị, bao gồm cả cán bộ đang công tác, đã nghỉ hưu và thành phần “bất mãn” trong giới văn nghệ sĩ, trí thức,… để trực tiếp phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng từ bên trong, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chiến lược, mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Về hình thức, các thế lực thù địch, phản động triệt để tận dụng các phương tiện truyền thông trên không gian mạng, trong đó chủ yếu thông qua các nền tảng trực tuyến, như mạng xã hội, báo, tạp chí điện tử, website, blog tiếng Việt… có máy chủ đặt tại nước ngoài, để tuyên truyền, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, trong đó có người dùng Internet ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam (9/2022), nước ta có 72,1 triệu người sử dụng Internet, chiếm 73,2% dân số. Theo đó, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet đứng thứ 12 trên toàn thế giới, với khoảng 94% thường xuyên sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, YouTube, Instagram. Theo khảo sát của Tập đoàn công nghệ Google (5/2021), mỗi ngày người Việt dành trung bình 70 phút xem YouTube; hằng tháng có khoảng 25 triệu người theo dõi YouTube trên ti vi kết nối mạng Internet, cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương (con số này tại Nhật Bản và Ấn Độ là 20 triệu, Australia là 8 triệu). Đối với ứng dụng ChatGPT, mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng người dùng tại Việt Nam, nhưng theo thống kê của nhà phát hành, chỉ sau 2 tháng ra mắt (30/11/2022 - 31/01/2023), ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng trên toàn cầu, với khoảng 25 triệu người sử dụng ChatGPT mỗi ngày. So với các nền tảng trực tuyến khác, ChatGPT thu hút được đông đảo người dùng nhất trong khoảng thời gian ngắn (TikTok đạt 100 triệu người dùng trong 9 tháng, Instagram mất 2,5 năm và Google Traslate mất đến 6,5 năm).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét