Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

ChatGPT: Cơ hội và thách thức

 

ChatGPT vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Với khả năng hiểu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên của con người, ChatGPT có thể nhanh chóng giúp tìm kiếm thông tin liên quan đến một chủ đề cụ thể, phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau và tạo ra các câu trả lời tự động cho các câu hỏi từ người dùng. Do đó, về mặt tích cực, có thể tận dụng lợi thế do ChatGPT mang lại để tự động tuyên truyền một cách chủ động lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc… đến mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, việc khai thác lợi thế từ ứng dụng ChatGPT không chỉ hỗ trợ tích cực trong việc tự động hoá sản xuất, cung cấp nội dung thông tin tích cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường tương tác với độc giả thông qua mạng xã hội, email..., mà còn có thể giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách tự động trả lời chính xác các câu hỏi và giải đáp vướng mắc của độc giả một cách nhanh chóng, chính xác.

Tương tự như các mô hình trí tuệ nhân tạo khác, ChatGPT là một ứng dụng có khả năng tự tạo ra các câu trả lời và văn bản dựa trên những thông tin, dữ liệu đã được “huấn luyện” từ trước đó. Tuy nhiên, do không có khả năng tự kiểm chứng tính chính xác của thông tin mà nó cung cấp, ChatGPT chủ yếu dựa vào tốc độ xử lý nhanh do nhà phát triển “lập trình” trên hạ tầng phần cứng mạnh, kết hợp với việc sử dụng kho dữ liệu khổng lồ sẵn có trên không gian mạng làm dữ liệu huấn luyện. Lợi dụng đặc điểm này, các thế lực thù địch luôn tìm cách đưa lên không gian mạng những vấn đề mặt trái của xã hội, khuếch đại những thông tin tiêu cực, phát tán những thông tin không chính thống, chưa rõ ràng để dẫn dắt, hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực. Cùng với đó, chúng còn tổ chức xuất bản nhiều sản phẩm thông tin có nội dung xấu, độc; biên soạn tài liệu, video, hình ảnh lồng ghép nội dung thổi phồng, xuyên tạc, bóp méo sự thật, trong đó có nhiều sản phẩm thông tin xấu độc được xuất bản dưới dạng “tác phẩm văn học” tầm thường, giật gân, câu khách, nhằm thu hút độc giả hiếu kỳ, nhất là giới trẻ. Những dữ liệu xấu, độc này cũng sẽ trở thành một trong những nguồn dữ liệu huấn luyện cho ChatGPT. Vì khi những thông tin xấu độc, trái chiều đủ lớn, xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, sẽ gây nhiễu loạn các hệ thống trí tuệ nhân tạo, trong đó có ChatGPT. Sản phẩm trí tuệ nhân tạo này đang và sẽ đặt ra nhiều nguy cơ như: tấn công, thu thập dữ liệu để sử dụng nhằm chống phá, can thiệp vào hoạt động chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh; đưa ra các tin giả, thông tin sai lệch, xuyên tạc, nhiễu loạn,…

Cùng với đó, việc sử dụng ChatGPT cũng đặt ra các vấn đề về bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng. Thông qua ChatGPT, hacker có thể lợi dụng để tấn công, chiếm đoạt thông tin người dùng hoặc chính các công ty công nghệ sử dụng thông tin người dùng để kinh doanh, mua bán gây mất an toàn và ảnh hưởng tới người sử dụng. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc quá mức vào các ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn đến hậu quả người dùng ỉ lại, dẫn tới mất kiểm soát tình hình và suy giảm khả năng phân tích, suy luận để đưa ra quyết định chính xác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét