Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

BÌNH ĐẲNG GIỚI - HIỆU QUẢ TÍCH CỰC TRONG XÂY DỰNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ VỮNG MẠNH (tiếp theo và hết)

Bài 3: Lan tỏa nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo: Những năm qua, công tác hội và phong trào phụ nữ trong LLVT Quân khu 3 luôn được triển khai toàn diện, rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm và ghi được nhiều dấu ấn quan trọng. Điều này được khẳng định thông qua các phong trào, mô hình hoạt động hiệu quả liên tục trong thời gian dài của phụ nữ, không chỉ cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, làm tròn thiên chức người “giữ lửa” gia đình mà còn nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội; góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về BĐG và VSTBCPN trong LLVT Quân khu. Tìm hiểu thực tiễn tại Hội Phụ nữ Cơ quan Bộ CHQS tỉnh Hà Nam, chúng tôi ấn tượng với Chương trình “Nồi cháo tình thương”. Để thực hiện chương trình, các chị em sẽ tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để cùng nhau đi chợ mua thực phẩm, nấu cháo, sau đó mang đến phát cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Theo như chia sẻ của Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Hà Nam thì, chương trình được chị em trong hội triển khai từ nhiều năm nay. Toàn bộ chi phí mua thực phẩm nấu cháo do chị em trong hội tình nguyện đóng góp. Hội Phụ nữ Cơ quan Bộ CHQS tỉnh Hà Nam có số lượng hội viên ít, cộng thêm công việc bận rộn nên mỗi tháng, hội chỉ có thể tổ chức được khoảng 3 đến 4 đợt phát cháo thiện nguyện với số lượng mỗi lần phát từ 200 đến 300 suất cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Chị Hương chia sẻ: “Mong muốn của chị em trong hội là thông qua chương trình này giúp các bệnh nhân nhân có hoàn cảnh khó khăn giảm được một phần chi phí điều trị tại bệnh viện; động viên, tiếp thêm nghị lực để người bệnh vượt qua nỗi đau bệnh tật, sớm khỏe mạnh về với gia đình”. Còn tại Sư đoàn 395 (Quân khu 3), mô hình “Tổ Phụ nữ tiết kiệm” cũng đang được Hội Phụ nữ Cơ quan Sư đoàn duy trì triển khai hiệu quả trong nhiều năm nay. Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá QNCN Bùi Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Cơ quan Sư đoàn 395 cho biết: Thực hiện mô hình, sau mỗi buổi sinh hoạt Hội, các chị em sẽ tình nguyện bỏ tiền vào “Hòm tiết kiệm”. Người có nhiều góp nhiều, người có ít đóng góp ít. Số tiền đóng góp được sẽ công khai để tất cả mọi người cùng nắm, sau đó cho các chị em vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ưu tiên những đồng chí hoàn cảnh khó khăn, mới lập gia đình. Ngoài ra, những hội viên cần tiền giải quyết công việc như chữa bệnh cho người thân hoặc xây nhà đều được Hội cho vay với những mức khác nhau. Số tiền cho vay tuy chưa nhiều nhưng đã giúp các chị em giải quyết được công việc cần thiết trước mắt, có thêm điều kiện, động lực để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, hoạt động trên còn thể hiện tinh thần sẻ chia “lá lành đùm lá rách”, qua đó xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa các hội viên. Là đơn vị có số lượng hội viên phụ nữ đông nên năm 2013, Hội Phụ nữ Lữ đoàn 603 được Quân khu 3 lựa chọn để triển khai mô hình “Gia đình quân nhân kiểu mẫu” nhằm thực hiện tốt các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch” do trên phát động. Sau hơn 10 năm triển khai, mô hình “Gia đình quân nhân kiểu mẫu” đã góp phần quan trọng giúp các chị em trong đơn vị thực hiện tốt thiên chức người vợ, người mẹ, qua đó “giữ lửa” hạnh phúc gia đình. Thiếu tá QNCN Trịnh Thị Phương Linh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Lữ đoàn 603 chia sẻ: “Thực hiện mô hình, chúng tôi chọn một số gia đình có nhiều thế hệ là cán bộ, đảng viên để xây dựng mô hình “gia đình truyền thống” và một số gia đình có cả vợ và chồng đều là quân nhân để xây dựng mô hình “gia đình tiêu biểu”. Từ kết quả thực hiện hai mô hình hình trên, chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm cho chị em cách “giữ lửa” hạnh phúc, chăm sóc con cái… Nhờ đó mà nhiều năm qua, các thành viên trong gia đình nữ quân nhân của đơn vị không mắc tệ nạn xã hội, không sinh con thứ 3, không có hộ nghèo; hiện tượng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cũng không còn; 100% gia đình đạt gia đình văn hóa”. Mặc dù chỉ chiếm hơn 6% quân số, phân tán nhỏ lẻ ở các cơ quan, đơn vị và làm nhiều công việc khác nhau, nhưng thời gian qua công tác hội và phong trào phụ nữ trong LLVT Quân khu 3 luôn được các cấp hội triển khai nền nếp, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Rất nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong hoạt động phụ nữ được triển khai ở các cấp hội, trong đó tập trung hướng đến giúp cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm như: Hội phụ nữ thuộc đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ có các mô hình “Ca trực kiểu mẫu, kíp trực an toàn”, “Trạm thông tin 4 tốt”, “Bát nước thao trường”; ở cơ quan, đơn vị làm công tác phục vụ có mô hình “Quản lý tốt, cấp phát nhanh”, “Bếp nuôi quân giỏi, quản lý tốt”, “Bếp ăn phụ nữ tự quản”; tại các kho, trạm, xưởng có mô hình “Kho gọn gàng ngăn nắp”, “Kho phụ nữ tự quản”; hay các mô hình “Buồng bệnh kiểu mẫu”, “Buồng bệnh Đặng Thùy Trâm” của phụ nữ công tác ở bệnh viện, bệnh xá. Đại tá Hà Quốc Trịnh, Trưởng phòng Công tác Quần chúng (Cục Chính trị Quân khu 3) cho biết thêm: Chị em phụ nữ chủ yếu làm chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong số đó có những chị em công tác ở đơn vị chủ lực, làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ công việc luôn bận rộn, một số làm việc trong môi trường độc hại như kho, xưởng sửa chữa, bảo quản... Tuy nhiên, ở cương vị nào, làm nhiệm vụ gì, các chị em cũng luôn nỗ lực hết mình để không thua kém các nam quân nhân. Thậm chí, nhiều hoạt động phong trào của chị em còn được triển khai sôi nổi như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, dân vận, kết nghĩa, làm thiện nguyện… Điều này đã góp phần giúp vào các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; thông qua đây giúp chị em tự khẳng định mình, đồng thời hoàn thành tốt 6 mục tiêu BĐG và VSTBCPN mà Ban VSTBPN Quân khu đã xác định. Cùng với triển khai nhiều phong trào, mô hình nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, phụ nữ LLVT Quân khu 3 còn quan tâm chăm lo xây dựng gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Các tổ chức hội đã triển khai nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc cho các hội viên, đặc biệt là những hội viên trẻ tuổi. Qua đó giúp chị em biết điều chỉnh phương pháp, đổi mới cách giáo dục con cái, nâng cao chất lượng cuộc sống hôn nhân. Nhiều mô hình đang được duy trì, nhân rộng như: Câu lạc bộ “Gia đình quân nhân kiểu mẫu”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”. Tổng kết hằng năm có 98,5% trở lên gia đình nữ quân nhân trong LLVT Quân khu đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch” và danh hiệu “Gia đình Văn hóa”. Trước thực tế một số chị em phụ nữ trong LLVT Quân khu 3 có hoàn cảnh khó khăn, nhằm chia sẻ, giúp đỡ các chị em ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, các hội phụ nữ cơ sở đã triển khai sâu rộng, hiệu quả phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ khó khăn”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Heo vàng ấm áp”. Theo Thiếu tá Vũ Thị Phương Lan, Trợ lý Phụ nữ Phòng Công tác Quần Chúng (Cục Chính trị Quân khu 3) thì, chỉ tính trong 5 năm gần đây, các hội phụ nữ đã giúp gần 200 lượt gia đình hội viên được vay vốn với tổng số tiền hơn 1tỷ đồng; tham mưu với cấp ủy, chỉ huy đơn vị vận động hỗ trợ xây dựng được hơn 10 nhà “mái ấm đồng đội”. Hằng năm, các cấp hội thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà hội viên hiếm muộn, mắc bệnh hiểm nghèo...; góp phần giảm tỷ lệ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong LLVT Quân khu còn dưới 1%. Để công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ Quân khu 3 tiếp tục đi vào chiều sâu, các hội phụ nữ cơ sở đã chủ động phối hợp với các tổ chức quần chúng trong đơn vị và địa phương nơi đóng quân đẩy mạnh hoạt động giao lưu, kết nghĩa, thu hút đông đảo hội viên tham gia, hướng hoạt động vào thực hiện hiệu quả công tác dân vận, chính sách, nhân đạo, từ thiện, bảo vệ môi trường, tham gia các phong trào, cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Hội LHPN Việt Nam và đơn vị, địa phương tổ chức, như phong trào: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương và trẻ em nghèo vùng cao”, “Nói không với rác thải nhựa”. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, hằng năm, phụ nữ LLVT Quân khu 3 đã tích cực phối hợp tham gia hỗ trợ ngày công lao động, quyên góp tiền để cải tạo đường giao thông nông thôn, khu phố và thực hiện các hoạt động chính sách xã hội trên địa bàn; phối hợp tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, gia đình thuộc diện chính sách. Các hoạt động trên được cấp ủy, chính quyền và người dân đánh giá rất cao, góp phần lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Có thể khẳng định, các phong trào, mô hình hoạt động của phụ nữ LLVT Quân khu 3 đã để lại dấu ấn đậm nét, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; giúp chị em ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của mình trong gia đình và xã hội; góp phần tỏa sáng hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ LLVT Quân khu 3 thời kỳ mới./. Minh Thiện-Mạnh Dũng-Nguyễn Trường

BÌNH ĐẲNG GIỚI - HIỆU QUẢ TÍCH CỰC TRONG XÂY DỰNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ VỮNG MẠNH (tiếp theo)

Bài 2: Đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền bình đẳng giới: Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân khu về công tác BĐG, Ban VSTBCPN các cấp trong Quân khu đã triển khai hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch hành động VSTBCPN và BĐG trong LLVT Quân khu giai đoạn 2021 - 2025, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Có được kết quả đó là do cấp ủy, chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp đặc biệt quan tâm, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền; trong đó, chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức thực hiện. Từ nâng chất lượng, định hướng tuyên truyền đúng: Thế giới đang trong giai đoạn công nghệ số phát triển rất mạnh, mọi diễn biến của đời sống, xã hội ở mọi quốc gia, dân tộc đều có thể được lan tỏa nhanh chóng. Những thông tin lan truyền nhanh trên các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội nếu người tiếp nhận không đủ tỉnh táo, sàng lọc thì dễ bị cuốn vào luồng thông tin thiếu chính xác, không loại trừ còn được thêu dệt để “câu view”, “câu like”. Trong đó, có không ít thông tin xuyên tạc về đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về phụ nữ… tạo dư luận xấu. Từ thực tế đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp, ban, hội phụ nữ phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phụ nữ, VSTBCPN và BĐG, vì đây là vấn đề mới, ít được xã hội quan tâm. Theo đó, các cơ quan, đơn vị ngoài việc phối hợp với nhau còn chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền về BĐG, VSTBCPN, nhằm nâng cao nhận thức về giới, lan tỏa kết quả, thành tựu của công tác này đến với nhân dân địa phương và LLVT Quân khu, đồng thời đập tan luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch. Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng phòng Tuyên huấn (Cục Chính trị Quân khu 3) cho biết: Những năm qua, Phòng Tuyên huấn chủ động tham mưu cho Cục Chính trị Quân khu chỉ đạo Báo Quân khu, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn Quân khu đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác phụ nữ, VSTBCPN và BĐG. Báo Quân khu, bên cạnh các tin bài thường xuyên, báo còn mở các chuyên mục, bài chuyên sâu về công tác VSTBCPN và BĐG. Cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị cũng tích cực lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ phụ nữ, thậm chí cán bộ chỉ huy tham gia viết tin, bài về vấn đề này. Cùng với đó, chủ động mời phóng viên báo, đài Trung ương, địa phương trên địa bàn đứng chân viết tin, bài tuyên truyền, nên thời lượng, nội dung đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng nhiều và chất lượng hơn. Qua tìm hiểu nội dung tuyên truyền về VSTBCPN, BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình trong LLVT Quân khu trên các phương tiện truyền thông cho thấy, những năm gần đây, việc tuyên truyền nội dung này rất đa dạng, khách quan và toàn diện, trong đó đi sâu quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, như: Luật BĐG, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và kết quả thực hiện công tác VSTBCPN và BĐG trong LLVT Quân khu, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ và trẻ em; phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới. Bên cạnh đó, Bộ CHQS 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Quân khu còn phối hợp với báo, đài của địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về BĐG; phòng, chống bạo lực gia đình trên các chuyên trang, chuyên mục, nhất là chuyên mục quốc phòng, an ninh. Trung tá QNCN Phạm Thu Huế, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Việc viết tin, bài tuyên truyền không chỉ phản ánh kết quả hoạt động của hội, những tấm gương tiêu biểu của chị em phụ nữ, mà còn của cả quân nhân nam trong công tác phụ nữ và xây dựng hạnh phúc gia đình… Khi có tin, bài viết về vấn đề này đăng tải trên các ấn phẩm báo chí chính thống, cán bộ, hội viên trong hội nhanh chóng chia sẻ trên các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo của cá nhân và trên nhóm “Hoa Xương Rồng” của phụ nữ Quân đội. Từ cách làm rất tích cực, chủ động này mà nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của LLVT tỉnh Quảng Ninh về công tác phụ nữ, VSTBCPN, BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình đã được tuyên truyền sâu, rộng, không chỉ lan tỏa trong Quân khu, toàn quân, mà còn tạo hiệu ứng tích cực ra toàn xã hội”. Đến tổ chức các hoạt động địa bàn: Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị các cấp hội phụ nữ trong LLVT Quân khu đã thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, tổ chức các hoạt động liên quan đến vấn đề BĐG phù hợp với đặc điểm từng địa bàn. Ví như, tổ chức tọa đàm nói chuyện chuyên đề về BĐG, kiến thức cơ sở giới; giao lưu văn hóa, thể dục thể thao giữa hội phụ nữ, đoàn thanh niên các cơ quan, đơn vị Quân đội với đơn vị kết nghĩa ở địa phương; tổ chức học tập, trao đổi trên nhóm Zalo giữa các tổ chức hội; tuyên truyền “Tháng hành động vì trẻ em”, “Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình”, triển khai các mô hình hoạt động mới ở các cấp hội như “Nuôi heo đất”, “Quỹ vì phụ nữ khó khăn”, “Bát cháo tình thương”, “Bát nước thao trường”… Với chủ đề “Vai trò, trách nhiệm của nam giới trong thực hiện BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình” được tổ chức ở Trung đoàn 8 (Sư đoàn 395) với sự tham gia của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và đoàn thanh niên, hội phụ nữ địa phương. Tại buổi tọa đàm, các ý kiến đã sôi nổi thảo luận, bày tỏ suy nghĩ cá nhân cũng như đề xuất gợi mở các biện pháp hành động tốt hơn xoay quanh vấn đề công tác phụ nữ, VSTBCPN, BĐG và phòng, chống bạo lực ở gia đình hiện nay. Để chương trình không căng thẳng, nhàm chán, Ban Tổ chức đã khéo léo lồng ghép, xen kẽ các tiết mục văn nghệ, kể chuyện; trình chiếu một số phóng sự ngắn về công tác phụ nữ, VSTBCPN, BĐG ở đơn vị; đồng thời, đưa ra một số tình huống, biểu hiện bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em hiện nay để cùng nhau giải quyết. Đúng như chủ đề buổi tọa đàm, hầu hết các ý kiến tham gia trao đổi về vai trò, trách nhiệm của nam giới trong thực hiện công tác phụ nữ, VSTBCPN, BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 8 đều thống nhất nhận thức rằng, gia đình có hạnh phúc, đầm ấm hay không thì điều quan trọng nhất chính là giải quyết tốt mối quan hệ giữa người vợ và người chồng - Theo tinh thần: “Thuận vợ, thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”. Từ cán bộ chỉ huy cơ quan, đơn vị đã lập gia đình nhiều năm đến đội ngũ sĩ quan trẻ chưa lập gia đình đều khẳng định trách nhiệm xây dựng tổ ấm gia đình phải từ cả “hai phía” chứ không phải riêng của người phụ nữ. Chỉ khi nào, người nam giới (người chồng) không còn nhận thức lạc hậu, phong kiến “chồng chúa, vợ tôi” thì mới thực sự làm tròn trách nhiệm của bản thân với gia đình; đồng thời, tích cực tham gia thực hiện công tác phụ nữ, VSTBCPN, BĐG, không còn định kiến về giới trong xã hội và bạo lực ở gia đình. Có như vậy mới tạo cơ hội bình đẳng cho cả nam giới và nữ giới cống hiến sức lực, trí tuệ cho cơ quan, đơn vị, xã hội và xây dựng hạnh phúc gia đình. Muốn thay đổi hành vi và hành động, trước hết phải thay đổi từ nhận thức của mỗi người, trong đó có nhận thức về giới và BĐG. Trong rất nhiều chủ trương, giải pháp, báo chí có những đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, định hướng nhận thức và hành động cho quân nhân nói riêng, công chúng nói chung. Việc tăng cường đổi mới các hình thức tuyên truyền, nhất là hình thức trực quan, như: Tọa đàm, trao đổi, hội thảo, hội thi, tuyên truyền miệng, tờ rơi, tranh, ảnh cổ động… về BĐG, VSTBCPN và phòng, chống bạo lực gia đình là một trong các giải pháp tích cực, hiệu quả giúp cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị toàn quân hiện nay, trong đó có các đơn vị trong LLVT Quân khu 3 lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Đại tá Hà Quốc Trịnh, Trưởng phòng Công tác Quần chúng (Cục Chính trị Quân khu 3) khẳng định: “Đây là một hình thức, biện pháp tuyên truyền hiệu quả trong điều kiện hiện nay, bởi đó là hình thức tuyên truyền có tính tương tác cao, nên cơ quan đã tích cực tham mưu cho Thủ trưởng Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Quân khu ngày càng mở rộng cách thức tổ chức các hình thức tuyên truyền trực quan. Mới đây, ngay trong đợt Cục Chính trị Quân khu tổ chức Triển lãm lưu động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại các đơn vị chủ lực và địa phương trên địa bàn, cơ quan chủ động đề xuất trưng bày rất nhiều tranh, ảnh, hiện vật liên quan đến những đóng góp của các thế hệ phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”./. Minh Thiện-Mạnh Dũng-Nguyễn Trường

BÌNH ĐẲNG GIỚI - HIỆU QUẢ THIẾT THỰC TRONG XÂY DỰNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ VỮNG MẠNH

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) và bình đẳng giới (BĐG). Phụ nữ nói chung, phụ nữ Quân đội nói riêng đã, đang thụ hưởng nhiều hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa và đời sống gia đình. Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của trên, nhiệm vụ CTĐ, CTCT của LLVT Quân khu 3, hằng năm, Ban VSTBCPN Quân khu đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch Hành động VSTBCPN và BĐG trong LLVT Quân khu giai đoạn 2021 - 2025, tạo hiệu ứng tích cực xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Bài 1: Chủ trương sát đúng, triển khai quyết liệt. Quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác VSTBCPN và BĐG, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng, yêu cầu cơ quan, đơn vị, nhất là ban VSTBCPN, hội phụ nữ các cấp quán triệt, triển khai, phối hợp thực hiện hiệu quả, đồng bộ, quyết liệt. Vì thế, quyền, lợi ích, vị thế phụ nữ ở các cơ quan, đơn vị trong Quân khu ngày càng được nâng cao. Quán triệt sâu sắc, chỉ đạo sát địa bàn: LLVT Quân khu 3 đóng quân trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố; địa bàn có gần 13 triệu người, 43 dân tộc sinh sống. Phong tục, tập quán ở một số địa phương, nhất là vùng có đồng bào dân tộc thiểu số còn nặng thành kiến, định kiến với vai trò, vị trí của phụ nữ và cho rằng phụ nữ là “công dân loại hai”. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn trong một bộ phận người dân. Trong cơ quan, đơn vị, tư tưởng phụ nữ là “phái yếu”, “chân yếu, tay mềm” không làm được việc lớn, nặng nhọc, nguy hiểm hay lãnh đạo, quản lý vẫn còn ở một số quân nhân. Hiện nay, LLVT Quân khu có gần 15 nghìn quân nhân nam, 2 nghìn quân nhân nữ đã lập gia đình, công tác ở hầu hết các đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc. Thực hiện nhiệm vụ đa dạng, trong điều kiện khó khăn về kinh tế, môi trường, giao thông, y tế, tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, tệ nạn xã hội... Bên cạnh đó, một số phần tử cơ hội chính trị cấu kết với các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề BĐG công kích, nói xấu chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước. Vì thế, nhận thức về BĐG, VSTBCPN của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, công chức quốc phòng, công nhân và người lao động ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, bởi lẽ, hầu hết họ là con em của nhân dân địa phương trên địa bàn Quân khu. Khắc phục tình trạng này, Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu thống nhất triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện BĐG. Theo Thiếu tướng Bùi Công Chức, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó chính ủy, Trưởng Ban VSTBCPN Quân khu 3 thì Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu xác định BĐG, VSTBCPN cần tập trung thực hiện 6 mục tiêu, ở các lĩnh vực: Chính trị; kinh tế, lao động; đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế, sức khỏe; giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; thông tin truyền thông. Theo đó, Ban VSTBCPN Quân khu tham mưu cho Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cán bộ ban VSTBCPN, hội phụ nữ các cấp về BĐG. Đội ngũ này trực tiếp nghiên cứu đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành chủ trương lãnh đạo; giải pháp, biện pháp và kế hoạch hành động ở từng cơ quan, đơn vị. Để phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ này trong thực hiện BĐG, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên về công tác phụ nữ và BĐG, tập trung vào Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 24/7/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết của Chính phủ về “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030”… gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về giới, VSTBCPN và BĐG... Qua đó, đội ngũ này đã nhận thức đúng hơn, xác định rõ vai trò, trách nhiệm thực hiện BĐG. Khi xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch công tác và chương trình hành động VSTBCPN và BĐG năm, quý và hằng tháng, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, ban VSTBCPN, hội phụ nữ cơ quan, đơn vị không những xác định rõ mục tiêu, mà còn cụ thể hóa thành các giải pháp, biện pháp thực hiện có tính khả thi cao. Trên cơ sở nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động, Ban VSTBCPN, hội phụ nữ các cấp chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Quá trình thực hiện, thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với đặc điểm, điều kiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trong từng giai đoạn. Để công tác này hoạt động ngày càng hiệu quả, các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiện toàn tổ chức, hội phụ nữ cấp mình, đặc biệt là Ban VSTBCPN Quân khu[1]. Hằng năm, nhất là trước kỳ đại hội, thực hiện tốt công tác nhân sự, lựa chọn những đồng chí có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; nuôi, dạy con ngoan, học giỏi; gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa… bổ sung vào ban chấp hành phụ nữ các cấp. Sự vào cuộc quyết liệt: Quán triệt sự chỉ đạo của thủ trưởng Tổng Cục Chính trị, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu, thường trực 9 tỉnh, thành ủy về chương trình phối hợp hoạt động với hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) địa phương. Để nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động, Bộ tư lệnh Quân khu xác định tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền, chỉ huy các cấp tích cực chủ động nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu với Hội LHPN các tỉnh, thành phố trên địa bàn bảo đảm sát thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là hoạt động phối hợp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, phối hợp tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy quyền làm chủ, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Thông qua hoạt động phối hợp tạo môi trường văn hóa lành mạnh, phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, trực tiếp nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao[2]. Đồng chí Trần Thị Thoan, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Bình Liêu là huyện miền núi, với 96% người dân là dân tộc thiểu số. Hằng năm, ngay từ đầu năm, Hội LHPN và Ban CHQS huyện tổ chức ký kết thực hiện các nội dung như: Phối hợp tuyên truyền, vận động giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, hội viên, phụ nữ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; thực hiện chính sách an sinh xã hội và hậu phương quân đội… Năm 2023, Hội LHPN, Ban CHQS huyện Bình Liêu và Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô đã phối hợp mở 02 lớp tập huấn tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới gắn với thực hiện xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; tặng 181 suất quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu về công tác phụ nữ, VSTBCPN và BĐG, nhận thức về giới của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu, nhất là lực lượng trẻ chuyển biến tích cực. Tư tưởng ở hầu hết quân nhân nam là tôn trọng, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho quân nhân nữ; tin tưởng vào vị trí, vai trò của quân nhân nữ trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, kể cả nhiệm vụ khó khăn, vất vả trước đây đương nhiên thuộc về nam giới. Những kết quả đó cần được tuyên truyền, phổ biến lan tỏa đến các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn đóng quân, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./. Minh Thiện-Mạnh Dũng-Nguyễn Trường [1]- Tính đến tháng 4/2024, Quân khu có 26 Ban VSTBCPN; trong đó, cấp cơ sở có 04 ban; tổng quân số nữ hơn 1.700 đ/c, trong đó: sĩ quan gần 70 đ/c; quân nhân chuyên nghiệp hơn 1.300 đ/c; công nhân, viên chức quốc phòng khoảng 60 đ/c. [2]- Từ năm 2018 đến 2022, phối hợp viết, đăng tải 1.375 tin, bài, phóng sự, chuyên mục trên báo, đài Trung ương, địa phương và Cổng thông tin điện tử; treo, dán hơn 1.000 băng rôn, khẩu hiệu, hơn 4.000 tờ rơi, pa nô, áp phích các loại tuyên truyền về nhiệm vụ QP, QSĐP; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, không sinh con dưới 18 tuổi… tới người dân và cộng đồng.

Tạo xung lực cho quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Âu

 Nhận lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của WEF tại Davos, Thụy Sĩ, thăm chính thức Hungary và Romania.

Tham dự Hội nghị WEF Davos năm 2024 là hoạt động quan trọng đầu tiên trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng. Thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được đẩy mạnh, đạt một số kết quả thực chất. Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của WEF ở cấp cao. Hai bên đã ký kết và triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gồm chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Với chủ đề “Tái thiết lòng tin”, WEF Davos năm 2024 là hội nghị có quy mô lớn nhất được tổ chức kể từ sau đại dịch Covid-19 với hơn 2.600 đại biểu tham dự, trong đó có lãnh đạo của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự diễn đàn toàn cầu có uy tín như WEF Davos là cơ hội để Việt Nam chuyển tải thông điệp về thành tựu phát triển năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế, khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; đồng thời nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần của Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư.

Điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công tác của Thủ tướng là Hungary. Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với bề dày lịch sử hơn 70 năm giữa Việt Nam và Hungary phát triển tích cực trên tất cả lĩnh vực, từ hợp tác phát triển, quốc phòng-an ninh, giáo dục-đào tạo đến nông nghiệp, văn hóa...

Năm 2018, nhân chuyến thăm chính thức Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện, đưa Hungary trở thành đối tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước.

Cùng với việc duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp và đặc biệt là đoàn cấp cao, từ năm 2020, kim ngạch thương mại song phương vượt mức 1 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Hungary tại khu vực Đông Nam Á.

Hungary là nước Trung Đông Âu cấp nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, cấp học bổng nhiều nhất cho sinh viên Việt Nam. Trong giai đoạn đầy khó khăn, thử thách của đại dịch Covid-19, với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, Hungary là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế, góp phần giúp Việt Nam sớm vượt qua dịch bệnh.

Chuyến thăm chính thức Hungary của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên ở cấp Thủ tướng Chính phủ giữa hai nước trong bảy năm qua. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hungary, nhất là về kinh tế, giáo dục-đào tạo, công nghệ dược phẩm. Trong bối cảnh Hungary sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong sáu tháng cuối năm 2024, chuyến thăm cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường phối hợp với EU trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, nhất là thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Cùng với Hungary, Romania cũng là quốc gia có quan hệ truyền thống và hợp tác tốt đẹp với Việt Nam với bề dày lịch sử hơn 70 năm. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, gồm cả cấp cao. Lãnh đạo Romania luôn khẳng định Việt Nam là đối tác hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt hơn 400 triệu USD, tăng 15% so mức năm 2021. Trên cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU sáu tháng đầu năm 2019, Romania đã tích cực hỗ trợ, thúc đẩy việc ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và là một trong ba quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn EVFTA. Ngoài ra, hợp tác giữa Việt Nam và Romania trên các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, văn hóa, giáo dục-đào tạo, lao động... tiếp tục phát triển tích cực và hiệu quả.

Chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên ở cấp Thủ tướng Chính phủ giữa hai nước trong 5 năm qua.

Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, tạo động lực thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực thế mạnh của Romania và phù hợp nhu cầu phát triển của Việt Nam như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, y tế…, đồng thời góp phần tạo thuận lợi cho quan hệ giữa Việt Nam và EU.

Là sự kiện quan trọng đối với Việt Nam và các đối tác châu Âu, chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của WEF tại Davos, Thụy Sĩ; thăm chính thức Hungary và Romania của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là cơ hội để Việt Nam thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước, tranh thủ đánh giá tích cực của bạn bè quốc tế về tiềm năng, cơ hội hợp tác và vị thế quốc tế của nước ta; cũng như tạo xung lực phát triển mạnh mẽ quan hệ tốt đẹp với WEF, Thụy Sĩ, Hungary và Romania.

Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm

 Sau gần 60 năm phát triển, bên cạnh những thành tựu quan trọng, vai trò trung tâm của ASEAN đang gặp thách thức trước những biến chuyển nhanh chóng, phức tạp của tình hình khu vực, quốc tế, cùng với các vấn đề nội tại của Hiệp hội và các nước thành viên. Trong bối cảnh ấy, việc trao đổi, định hướng tương lai của ASEAN và tiến trình hợp tác bảo đảm hòa bình, an ninh, thúc đẩy phát triển ở khu vực có ý nghĩa quan trọng. Điều này cũng phù hợp xu thế chung ở khu vực và trên thế giới khi các diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế hàng đầu ngày càng quan tâm đến tương lai phát triển của mỗi khu vực và cả thế giới. Trong năm 2024, Liên hợp quốc dự kiến tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai với mục tiêu thúc đẩy đoàn kết và hợp tác nhằm ứng phó thách thức chung của cộng đồng quốc tế.

Sau gần 40 năm đổi mới, sức mạnh tổng hợp, vị thế, uy tín, tiềm lực của Việt Nam không ngừng được nâng cao. Trong gần 30 năm tham gia ASEAN, Việt Nam khẳng định vai trò là thành viên chủ động, tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển và lớn mạnh của Cộng đồng ASEAN, với các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN thành công, cùng nhiều kết quả tích cực trong những mặt hợp tác của Hiệp hội, cũng như trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác. Việt Nam cùng các nước thành viên duy trì và đề cao cách tiếp cận cân bằng, hài hòa của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời củng cố vai trò trung tâm, phát huy trách nhiệm, tiếng nói của Hiệp hội.

Trong bối cảnh Hiệp hội đang chuẩn bị bước sang giai đoạn phát triển mới, sáng kiến tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN được Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 tại Jakarta, Indonesia vào tháng 9/2023. Diễn đàn Tương lai ASEAN là sáng kiến mới cả về tính chất, nội dung và tầm mức, do Việt Nam chủ động thúc đẩy, bên cạnh các nghĩa vụ thành viên theo luân phiên đảm nhiệm trong ASEAN. Việt Nam mong muốn Diễn đàn Tương lai ASEAN là nơi trao đổi, quy tụ những quan điểm, ý kiến đóng góp có uy tín, mang tính xây dựng đối với Hiệp hội, trở thành kênh tham vấn chiến lược, được duy trì dài hạn, thường xuyên, đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế, đồng thời bổ trợ cho các khuôn khổ đối thoại, hợp tác chính thức hiện có của ASEAN.

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 tập trung hai nội dung chính là thúc đẩy ASEAN phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh môi trường chiến lược biến động và đẩy mạnh cách tiếp cận an ninh toàn diện vì một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm. Diễn đàn lần đầu tiên có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao và đại diện lãnh đạo các nước thành viên, đại diện các đối tác của Hiệp hội, các cơ quan chuyên ngành liên quan ASEAN, các tổ chức khu vực và quốc tế, cùng giới chuyên gia, học giả, doanh nghiệp, phụ nữ, thanh niên...

Việc tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN là hoạt động tích cực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 59-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030 và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 thành công sẽ góp phần phát huy vai trò của Việt Nam trong việc định hướng tương lai phát triển của ASEAN, cùng Hiệp hội giải quyết thách thức nổi lên tác động đến khu vực và các quốc gia thành viên, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trong ASEAN, cũng như trong quan hệ với các đối tác của Hiệp hội.

Ghi dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga

 Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19 đến 20/6.

Chuyến thăm góp phần làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, nhất là trong bối cảnh hai nước tích cực triển khai Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030.

Việt Nam và Liên Xô (trước đây) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/1/1950. Hơn 7 thập niên trôi qua, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, Việt Nam và Nga đã tiến những bước dài trên con đường hợp tác cùng phát triển. Năm 1994, Việt Nam và Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ song phương trong giai đoạn phát triển mới. Hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện lần lượt vào các năm 2001 và 2012. Năm 2021, hai nước ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030.

Cơ sở pháp lý mới cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nga đã được xây dựng khá đầy đủ và tiếp tục được hoàn thiện. Từ năm 1991 đến nay, hai bên đã ký kết hơn 100 văn kiện hợp tác trong tất cả lĩnh vực, như: Kinh tế, thương mại, đầu tư, dầu khí, điện hạt nhân, giáo dục-đào tạo, văn hóa, khoa học, kỹ thuật quân sự.

Thời gian qua, tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Nga không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Từ năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các hoạt động trao đổi cấp cao song phương vẫn được duy trì thường xuyên, thông qua điện đàm, hội nghị trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo chủ chốt hai nước. Sau khi đại dịch được đẩy lùi, hoạt động trao đổi đoàn diễn ra sôi động.

Thời gian qua, tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Nga không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Việt Nam và Nga cũng duy trì nhiều cơ chế phối hợp và đối thoại như: Đối thoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh thường niên cấp Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao, Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng... Trong cuộc điện đàm ngày 26/3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga, đồng thời mong muốn củng cố hợp tác song phương trên cơ sở tin cậy và cùng có lợi.

Nền tảng quan hệ chính trị tin cậy là động lực để Việt Nam và Nga tiến những bước vững chắc trên con đường hợp tác. Hợp tác kinh tế song phương phát triển năng động. Hai nước duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật, thiết lập từ năm 1992 và được nâng lên cấp Phó Thủ tướng từ năm 2011. Kim ngạch trao đổi thương mại song phương năm 2023 đạt 3,63 tỷ USD; quý I năm 2024, đạt 1,11 tỷ USD.

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 4/2024, phía Nga có 186 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 984,98 triệu USD, đứng thứ 28 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Nga đứng thứ 4 trong tổng số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam. Các dự án đầu tư của Nga được triển khai tại 21 địa phương, trong lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo... Việt Nam có 18 dự án đầu tư tại Nga, với tổng vốn đăng ký đạt 1,63 tỷ USD. Đầu tư song phương vẫn còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, mà Nga là thành viên, chính thức có hiệu lực từ năm 2016.

Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, khoa học-công nghệ, an ninh quốc phòng... cũng được chú trọng phát triển. Trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40.000 cán bộ và chuyên gia thuộc nhiều ngành khác nhau. Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2019, Nga đã tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1.000 suất/năm. Hơn 5.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nga. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga có nhiều đóng góp củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Vladimir Putin tới Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga phát triển tốt đẹp. Việt Nam xác định quan hệ với Nga có tầm quan trọng chiến lược, coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Nga coi Việt Nam là đối tác tin cậy và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2024, hai nước kỷ niệm 30 năm Ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga và hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.

Ghi dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện, chuyến thăm góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Truyền tải thông điệp Việt Nam năng động, đổi mới, đóng góp cho phát triển toàn cầu

 Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc và làm việc tại Trung Quốc, từ ngày 24 đến 27/6.

Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 tại Đại Liên do WEF phối hợp Chính phủ Trung Quốc tổ chức, diễn ra trong bối cảnh chính trị, kinh tế, an ninh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, song vẫn đối mặt nhiều rủi ro. Xu thế chính trị hóa, an ninh hóa hợp tác kinh tế và bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng.

Hợp tác giữa Việt Nam và WEF ngày càng được củng cố, đi vào chiều sâu. Việt Nam đã nhiều lần tham dự các Hội nghị WEF tại Davos (Thụy Sĩ) và các Hội nghị WEF khu vực ở cấp lãnh đạo Chính phủ, qua đó thúc đẩy hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả. Hai bên đang tích cực triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-WEF giai đoạn 2023-2026, được ký kết tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 tại Thiên Tân (Trung Quốc) tháng 6/2023.

Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua duy trì xu thế phát triển tích cực và đạt nhiều thành quả quan trọng, nhất là hai chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc (năm 2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam (năm 2023), cùng các cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa hai bên. Việc hai nước nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, hình thành không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực. Tin cậy chính trị giữa hai bên được tăng cường.

Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục là đối tác kinh tế hàng đầu của nhau, với kim ngạch thương mại bốn tháng đầu năm 2024 đạt 59,7 tỷ USD, tăng 24,8% so mức cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam tăng mạnh, với nhiều dự án quy mô lớn.

Tham dự diễn đàn có uy tín như Hội nghị WEF tại Đại Liên là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá thành tựu kinh tế-xã hội, truyền tải thông điệp về chủ trương ưu tiên, định hướng phát triển của Việt Nam. Thông qua Hội nghị, Việt Nam cũng nắm bắt các xu thế mới của kinh tế thế giới, trao đổi về tư duy phát triển và quản trị ở cấp quốc gia và toàn cầu.

Với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới”, Hội nghị WEF tại Đại Liên tập trung thảo luận về các lĩnh vực và động lực tăng trưởng mới, đề cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi, nhiều tiềm năng. Hội nghị có sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu, trong đó có gần 100 nhà lãnh đạo Chính phủ, đại diện cấp cao các nước và lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế.

Đây là lần thứ hai Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF tổ chức tại Trung Quốc. Việc Việt Nam liên tiếp được WEF và Chính phủ Trung Quốc mời tham dự Hội nghị thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao của WEF, Trung Quốc và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực.

Tham dự diễn đàn có uy tín như Hội nghị WEF tại Đại Liên là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá thành tựu kinh tế-xã hội, truyền tải thông điệp về chủ trương ưu tiên, định hướng phát triển của Việt Nam. Thông qua Hội nghị, Việt Nam cũng nắm bắt các xu thế mới của kinh tế thế giới, trao đổi về tư duy phát triển và quản trị ở cấp quốc gia và toàn cầu.

Hoạt động tham dự Hội nghị của Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Việt Nam với WEF ngày càng thực chất, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp là thành viên của WEF trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, năng lượng và khoa học công nghệ. Đây cũng là dịp để Việt Nam tăng cường trao đổi, thúc đẩy quan hệ với các nước, các đối tác, các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF tại Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc tiếp tục khẳng định sự coi trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Các hoạt động tiếp xúc, làm việc của Thủ tướng với các nhà lãnh đạo Trung Quốc là dịp để hai bên đi sâu thảo luận những biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước; qua đó, tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả trong các lĩnh vực.

Chúc chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF và làm việc tại Trung Quốc thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc và hợp tác Việt Nam-WEF, truyền tải thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam năng động, đổi mới, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp có hiệu quả cho phát triển toàn cầu.

CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU TRÒ XUYÊN TẠC VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam tích cực tham gia các công ước quốc tế, trong đó, nước ta trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ký tham gia Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Kể từ khi gia nhập Công ước đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa bằng hệ thống các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp lý và triển khai thực hiện toàn diện trong đời sống xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Thế nhưng, với những luận điệu lạc lõng, sáo rỗng, núp dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc kết quả thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam. Thời gian qua, mặc dù Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện bình đẳng giới, nhưng với mưu đồ đen tối nhằm phủ nhận thành quả sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó có thành tựu về thực hiện quyền bình đẳng giới, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc việc thực hiện quyền bình đẳng giới ở nước ta. Với các luận điệu sặc mùi định kiến và che giấu ý đồ chính trị, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động ở nước ngoài, các phần tử cơ hội chính trị thường phát tán, đăng tải các bài viết, hình ảnh vu cáo chế độ chính trị nhất nguyên ở Việt Nam không bảo đảm quyền của phụ nữ. Thậm chí, không ít tổ chức phản động núp dưới danh nghĩa các hội, nhóm bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền phụ nữ, hội dân oan,… rêu rao Chính phủ Việt Nam vi phạm quyền của phụ nữ, giới hạn phụ nữ tham gia vào chính trị, phụ nữ Việt Nam đang bị xâm phạm nghiêm trọng quyền bình đẳng, bị buôn bán và ép buộc vào những công việc dễ bị xâm hại và gây cho phụ nữ bị tổn thương. Không chỉ vậy, một số facebooker, blogger, youtuber còn lớn tiếng khẳng định phụ nữ tham gia vào lực lượng vũ trang không được tạo cơ hội phát triển và không có quyền bình đẳng như quân nhân nam. Một số phần tử còn đào xới vai trò phụ nữ trong lực lượng vũ trang, để từ đó suy diễn vô căn cứ và vu cáo bất bình đẳng trong quân nhân nam với quân nhân nữ. Chúng còn nêu ví dụ về số lượng cán bộ nữ trong Quân đội có quân hàm tướng quá ít là do sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thậm chí, chúng còn so sánh số Ủy viên Bộ Chính trị Khóa XIII của Việt Nam chỉ có 01 là nữ, giảm 02 nữ so với Khóa XII và bày tỏ quan điểm cá nhân thiếu thiện chí, cho rằng ở Việt Nam nữ giới không được quan tâm bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng của xã hội. Từ những lập luận này, chúng quy kết ở Việt Nam không có quyền bình đẳng của phụ nữ. Đây là những luận điệu trắng trợn xuyên tạc sự thật về thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ, chúng ta cần nhận diện và đấu tranh, phê phán, để khẳng định việc thực hiện quyền bình đẳng giới ở Việt Nam đã, đang và sẽ còn tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn, khác hoàn toàn với các luận điệu xuyên tạc nói trên của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Theo Đại tá, Nhà báo Đỗ Phú Thọ, thành viên Nhóm chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương: Thực ra, đây là chiêu trò “bình mới rượu cũ” mà các thế lực thù địch vẫn thường sử dụng để chống phá Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội nói chung và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ nói riêng; hoạt động này nằm trong mục tiêu xuyên suốt của các thế lực thù địch là chống phá độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, ngay từ khi thành lập vào mùa Xuân năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng ta đã xác định ở mục tiêu thứ hai về phương diện xã hội là “nam nữ bình quyền ”[1]. Sau này, trong 10 chính sách của Việt Minh được thông qua tại Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang), thì thực hiện “nam nữ bình quyền” là một chính sách cơ bản. Từ khi nước ta giành được độc lập đến nay, trải qua quá trình đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng anh dũng, mưu trí, sáng tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân Việt Nam đã chiến thắng thực dân, đế quốc, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đi lên chủ nghĩa xã hội, việc thực hiện “nam nữ bình quyền” tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Đất nước thống nhất, dù kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn nhất quán thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sau khi phê chuẩn Công ước CEDAW, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 44-CT/TW về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ, nhằm khắc phục các hạn chế cả về tư tưởng và tổ chức thực hiện công tác cán bộ nữ, tạo cơ hội cho cán bộ nữ cống hiến, phát triển. Bước vào thời kỳ đổi mới; trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, để tiếp tục phát huy cao độ vai trò, phẩm chất, năng lực và trí tuệ của phụ nữ, Đảng ta tiếp tục ban hành các nghị quyết, chỉ thị, thông báo có tính chuyên đề về thực hiện quyền của phụ nữ trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng thời kỳ đổi mới đều có đề cập đến tình hình và nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thực hiện công tác bình đẳng giới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới”[2]. Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đã thể chế hóa quyền của phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ để thực hiện bình đẳng giới bằng hệ thống chính sách, pháp luật. Đáng chú ý, việc chế định quyền của phụ nữ được quy định trong cả 5 bản hiến pháp ở Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2013). Trong bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc, quyền của phụ nữ được chế định ở Điều thứ 9: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Đến bản Hiến pháp năm 2013 - bản Hiến pháp gắn với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chế định về quyền bình đẳng của phụ nữ được ghi rõ trong Điều 26: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số khoảng cách giới năm 2023 của Việt Nam xếp thứ 72 trong số 146 quốc gia tham gia xếp hạng, tăng 11 bậc so với năm 2022. Việt Nam là một trong những nước có chỉ số xếp hạng tiến nhanh về bình đẳng giới thông qua sự gia tăng chỉ số Trao quyền Chính trị từ ngưỡng 13,5% của năm 2022 lên 16,6% trong năm 2023 nhờ có sự xuất hiện của các bộ trưởng là nữ. Đây chính là con số biết nói thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng một xã hội “nam nữ bình quyền”. Đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030. Đây được coi như một động lực mới đối với bình đẳng giới, tập hợp tiếng nói, hành động; động viên sức mạnh và khẳng định vị thế của phụ nữ Việt Nam đối với hòa bình và an ninh ở phạm vi quốc gia và toàn cầu trong giai đoạn tới. Mục tiêu chung của chương trình nhằm bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia cũng như rộng ra quốc tế. Và mới đây, Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (LHQ - ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027. Việc Việt Nam được tất cả các thành viên ECOSOC đồng thuận bầu vào UN Women thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới. Có thể khẳng định, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy quyền bình đẳng giới. Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên. Bình đẳng giới của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Phụ nữ Việt Nam đã, đang thụ hưởng nhiều hơn về chính trị, kinh tế và đời sống gia đình, góp phần xây dựng một xã hội giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Minh Thiện [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.1. [2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 169.

Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng

 Thời gian qua, một trong những mục tiêu chống phá dữ dội mà các thế lực phản động, thù địch nhắm tới là công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước. Bằng những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, những đối tượng này không ngừng gieo rắc những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc, bóp méo tình hình chính trị tại Việt Nam hòng gây tâm lý hoài nghi, chia rẽ, mâu thuẫn trong nội bộ, làm lung lạc niềm tin của nhân dân đối với công tác cán bộ của Đảng. Song Đảng ta luôn giữ vững quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ đức, đủ tài, kiên quyết giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, xử lý nghiêm các sai phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, có khoảng 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật nghiêm minh. Việc kiên quyết thanh lọc những trường hợp mắc khuyết điểm nghiêm trọng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, được thực hiện đúng đắn theo tinh thần thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Đó cũng là cách hiệu quả giúp sàng lọc, củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ đức, đủ tài gánh vác trọng trách nặng nề, nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó ở thời điểm hiện tại và tương lai. Đảng ta ngày càng phát huy cao độ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm cắt bỏ “ung nhọt” trong cuộc đại phẫu chính mình để ngăn chặn “nọc xấu” di căn lây lan, do đó đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên một số đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài lợi dụng những sự kiện, vụ việc được nhiều người quan tâm, cố tình đưa thông tin xuyên tạc, lồng ghép ý kiến chủ quan, phiến diện, đánh đồng sự việc đơn lẻ thành bản chất, nhằm hướng lái dư luận hiểu sai chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức và công tác nhân sự, đả phá trực diện công tác cán bộ của Đảng ta. Cùng với đó một số cá nhân tự xưng là “nhà quan sát”, “nhà dân chủ”, thường xuyên chỉ trích, bôi nhọ chế độ, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Không khó để nhận diện những người này đa số là đối tượng vi phạm pháp luật, từng bị tòa án nhân dân các cấp tại Việt Nam kết án về các tội danh chống phá Nhà nước như “tuyên truyền chống Nhà nước” và “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”,... hoặc bị cơ quan công an truy nã hiện sống chui lủi ở nước ngoài. Tiếp tay cho những đối tượng chống phá Việt Nam là các trang, diễn đàn báo chí chống cộng hải ngoại thường xuyên tổ chức cái gọi là “hội luận” để chĩa mũi dùi vào chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trong đó có công tác nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước ta.

Các đối tượng xuyên tạc rằng khâu đào tạo, lựa chọn nhân sự của Đảng thời gian qua “thất bại”, dẫn đến “khủng hoảng nhân sự lãnh đạo”. Chúng cố tình lờ đi thực tế là việc chuẩn bị đội ngũ, lựa chọn, bố trí cán bộ là chức năng của đảng cầm quyền và trở thành phương thức cầm quyền của Đảng. Đặc biệt dù có thay đổi nhân sự ở cấp nào nhưng nguyên tắc hoạt động, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta luôn luôn nhất quán, bảo đảm tính kế thừa, không bị chi phối bởi bất cứ thế lực nào...

Từ đây chúng hướng lái đến mục tiêu kêu gọi đa nguyên đa đảng, “loại bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam”, kích động người dân tạo áp lực với Đảng đòi hỏi thay đổi về chính trị, tự do ứng cử, tự do bầu cử, tiến hành tự do báo chí, xây dựng xã hội dân sự, có nền tư pháp độc lập, dần dần hướng đến đa nguyên đa đảng. Nực cười, có đối tượng lúc đầu tỏ thái độ hằn học, đưa ra các thông tin bóp méo tình hình chính trị trong nước, phát tán thông tin sai trái về công tác nhân sự, lộ rõ ý đồ đen tối hòng chia rẽ vùng miền, bôi nhọ môi trường đầu tư, phủ nhận kết quả phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta, song ngay sau đó lại hiện nguyên hình bản chất “con buôn”.

Chính cộng đồng mạng đã vạch mặt các nội dung đăng tải của người này chỉ là chiêu trò “diễn tuồng” giật gân câu like, câu view nhằm bán hàng online kiếm tiền. Như mới đây chủ kênh này dành suốt 20 phút cuối của một video clip bôi nhọ chế độ để chuyển hướng nội dung chào mời người xem mua nước sâm, viên nén có tác dụng “điều trị ung thư”, mặt nạ làm đẹp, nón mọc tóc...!

Bất bình trước hiện tượng này, đồng thời bày tỏ sự đồng tình với công tác nhân sự của Đảng, Thượng tá, cựu chiến binh Vũ Thành Long, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước, 53 năm tuổi đảng, hiện đang sinh hoạt tại Chi bộ khu phố Đồng Nai, phường Hóa An, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ và đề nghị đẩy mạnh hơn nữa để loại bỏ những cán bộ suy thoái về chính trị, đạo đức ra khỏi bộ máy. Việc xử lý cán bộ dù rất đau xót nhưng tất yếu phải làm, nếu muốn Đảng ta vững mạnh, trường tồn.

Thực tế cho thấy những cán bộ vi phạm, trong đó có cả cấp cao gây dư luận xấu trong nhân dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Do đó cần phải kiên quyết, nghiêm khắc xử lý.

Trong công việc và cuộc sống không có chiến thắng nào vẻ vang bằng chiến thắng bản thân trước những “viên đạn bọc đường”. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên lúc này phải tự giữ lấy mình, không được vượt “lằn ranh”. Vi phạm là phải xử lý nghiêm, chỉ khi đó sức mạnh của Đảng mới được củng cố, tăng cường, bởi lẽ Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài mang lại lợi ích cho nhân dân”.

Trước những băn khoăn, lo lắng của một bộ phận người dân đối với công tác nhân sự của Đảng, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương bày tỏ: “Chúng ta thấy dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng rất quyết liệt. Nhiều người thấy lo, nhưng mà thực ra chúng ta phải vui mới đúng. Đừng lo, bởi vì phải thanh lọc chính đội ngũ, hàng ngũ của mình, không thể khác được. Khối u mà không cắt bỏ, không trị xạ là tái phát, mà tái phát là không cứu được, là mất sự lãnh đạo cầm quyền của Đảng, mất chế độ, mất sự nghiệp cách mạng mà cha ông ta đã giành được suốt 94 năm nay”.

Thực tế cho thấy những cán bộ vi phạm, trong đó có cả cấp cao gây dư luận xấu trong nhân dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Do đó cần phải kiên quyết, nghiêm khắc xử lý. Cũng từ đây đã đúc rút cho Đảng ta những bài học kinh nghiệm đắt giá về vấn đề nhân sự. Nhìn lại chặng đường 94 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh, tiền đồ của Đảng, của đất nước và sự sống còn của chế độ nên đây luôn là nhiệm vụ “then chốt”, công việc hệ trọng hàng đầu.

Do vậy, việc xem xét, quyết định nhân sự, nhất là những vị trí quan trọng chịu ràng buộc chặt chẽ bởi điều lệ, quy chế, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Quá trình tiến hành cần cẩn trọng, bài bản, khoa học, đúng quy trình, chân thực, khách quan, công khai, minh bạch; tuyệt đối chưa/không bao giờ cảm tính, không thể tùy tiện chi phối, can thiệp như những đối tượng chống phá, phản động cố tình xuyên tạc, bôi nhọ.

Vừa qua, sau khi có kết luận chính thức của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chỉ trong một thời gian ngắn, Quốc hội khóa XV đã có những phiên bất thường để xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao. Hay việc đã có những cán bộ là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đương chức hoặc đã nghỉ hưu và cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, vi phạm đến mức bị khai trừ ra khỏi đảng và khởi tố hình sự.

Điều này khẳng định bản lĩnh “tự soi”, “tự sửa”, kịp thời, kiên quyết làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước theo tinh thần “trên trước, dưới sau” và minh chứng cán bộ có sai phạm, không làm tròn trách nhiệm, không đủ khả năng đảm đương công việc, chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự, thì bắt buộc phải “ra”, phải “xuống” là đương nhiên, bất kể người đó là ai. Lợi ích của quốc gia, dân tộc luôn được đặt lên trên hết, trước hết, vì lẽ đó. Việc mạnh tay xử lý cán bộ kể cả cấp cao, thay đổi cán bộ tuyệt nhiên không ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị của đất nước, bởi đường lối cách mạng của Đảng đã được xác định rõ ràng trong Cương lĩnh, Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp của Nhà nước.

Thực tế thời gian qua cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rõ ý chí, hành động quyết liệt tự chỉnh đốn để từng bước hoàn thiện mình. Việc Đảng ta nhiều lần điều chỉnh, bổ sung hàng loạt quy định liên quan đến công tác cán bộ không nằm ngoài nỗ lực “vun xới cái gốc đạo đức” không ngừng nghỉ. Mới đây, ngày 23/4/2024 Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 142-QĐ/TW quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (Quy định số 142).

Theo đó, Quy định 142 cho phép thí điểm người đứng đầu giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý; đồng thời cũng nêu rõ người đứng đầu phải có trách nhiệm trong bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống, năng lực công tác đối với nhân sự do mình giới thiệu; thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Tiếp đó, ngày 9/5/2024 Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 144-QĐ/TW quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, trước yêu cầu phải triển khai tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị nhân sự cho Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội XIV, đã sớm quán triệt nhiều vấn đề cốt lõi định hướng chiến lược về công tác nhân sự mang ý nghĩa lịch sử, gắn liền với sự tồn vong của Đảng, với sự phát triển của đất nước.

Nhấn mạnh thông điệp bao trùm đặt lợi ích của quốc gia-dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết, người đứng đầu Đảng ta gợi mở sâu sắc chung quanh vấn đề vốn phức tạp, nhạy cảm này như: phải “có con mắt tinh đời”; “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”... Đây chính là “kim chỉ nam” dẫn dắt, tránh nhầm lẫn cho những người làm công tác cán bộ của Đảng, chủ động ngăn ngừa những kẻ cơ hội chui sâu, leo cao vào tổ chức bộ máy, đe dọa sự phát triển của Đảng, cũng như hệ thống chính trị, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.