Hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc
của Người, các đơn vị, địa phương trên cả nước đã và đang tổ chức các chương
trình, lễ tuyên dương những tấm gương điển hình làm theo lời Bác. Hoạt động này
có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa khẳng định những thành tựu, công lao đóng
góp của các tập thể, cá nhân điển hình, vừa làm lan tỏa những giá trị cao đẹp
trong đời sống xã hội. Có hàng ngàn, hàng vạn tấm gương đã được tôn vinh ở đủ
mọi lứa tuổi, ngành nghề, thành phần xã hội. Mỗi người một vẻ, một hình thức,
mức độ cống hiến khác nhau, nhưng tất cả đều có mẫu số chung đó là mọi hành
động, lời nói, việc làm của họ đều xuất phát từ cái tâm và ý chí được học Bác,
noi gương Bác, làm theo Bác.
Để những tấm gương điển hình có sức lan tỏa,
lay động mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng, xã hội, rất nhiều đơn vị, địa phương
đã có những cách làm sáng tạo, tận dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội
và dư luận cộng đồng để nhân rộng người tốt, việc tốt. Bên cạnh được tôn vinh
tại các buổi lễ trang trọng, những tấm gương đã được đưa về các cơ sở, cộng
đồng dân cư để giao lưu, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm. Người dân được chứng
kiến, cảm thấu sâu sắc động cơ, mục đích và phương pháp làm việc, cống hiến của
mỗi gương điển hình, từ đó soi rọi, liên hệ bản thân để điều chỉnh hành vi,
việc làm theo những chuẩn mực tiến bộ.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã và đang
tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn hiện nay, việc thực
hiện Chỉ thị 05 được tổ chức, triển khai gắn liền với 50 năm thực hiện Di chúc
của Bác. Những tấm gương điển hình, những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống có sự
liên kết, kế thừa, phát triển từ lịch sử truyền thống của đất nước, dân tộc.
Chính vì vậy, việc nhân rộng các tấm gương tập thể, cá nhân điển hình trong đời
sống xã hội chính là tạo ra môi trường học tập vừa sâu rộng, vừa cụ thể. Trong
môi trường công nghệ 4.0, cái hay, cái đẹp trong cuộc sống và giá trị từ những
tấm gương điển hình phải là những nội dung, sắc màu chủ đạo của công tác truyền
thông. Từ những thao tác sẻ chia trên mạng xã hội đến đời sống văn hóa và ngay
trong nếp sống sinh hoạt của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi gia đình, chúng ta cần
lấy cái tốt, cái hay, cái đẹp để lấn át và đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực.
Bác Hồ kính yêu của chúng ta từng dạy: “Mỗi
người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Ở
đâu và lúc nào, xung quanh chúng ta cũng hiện hữu những nét đẹp cuộc sống. Học
tập, noi theo những việc làm nhân ái, có ích để mỗi người biết khắc chế những
tật xấu, biết khơi dậy, phát huy mặt tích cực của bản thân chính là cách học
tập, làm theo cụ thể và hiệu quả để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét