Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019


KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA
CÁ NHÂN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
                                                   
Đánh giá một cách tổng quát ở nước ta cho thấy, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ ra, cũng đã có những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, thực dụng. Trong tình hình hiện nay, việc nhận diện một cách chính xác chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, thực dụng để có biện pháp đấu tranh là vấn đề bức thiết. Do đó, cần phải nhận diện đúng để có giải pháp đấu tranh, khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do đó mà nó sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm như: Bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh thiếu kỷ luật; óc hẹp hòi; óc thực dụng; óc lãnh tụ.
Chủ nghĩa cá nhân là đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc. Đó là bệnh chính, bệnh mẹ sinh ra nhiều chứng bệnh khác như: tự tư tự lợi, sợ khó sợ khổ, không yên tâm công tác; ham địa vị danh tiếng; lãng phí, tham ô... Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với chủ nghĩa tập thể, nó là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Từ thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục phát triển quan điểm của mình về chủ nghĩa cá nhân:
Tháng 3/1960: Chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường.
Tháng 3/1961: Chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác, là kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội.
Tháng 01/1965: Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt.
Tháng 7/1965: Tranh công đổ lỗi là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Tháng 02/1969: Chủ nghĩa cá nhân việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Theo Hồ Chí Minh chủ nghĩa cá nhân và cá nhân chủ nghĩa có nội hàm giống nhau. Có thể định nghĩa ngắn gọn về chủ nghĩa cá nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh như sau: Chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với đạo đức cách mạng, trái với chủ nghĩa tập thể, cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân.

Quá trình đổi mới, dưới tác động của nhiều nhân tố, trước hết là từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, đã làm cho chủ nghĩa cá nhân phát triển với những biểu hiện ngày càng phức tạp, lấn át những chuẩn mực đạo đức cách mạng ở cán bộ, đảng viên. Sự nghiệp đổi mới đòi hỏi Đảng phải đặc biệt quan tâm đấu tranh chống lại những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Đại hội lần thứ VI của Đảng cho rằng khi đánh giá tình hình, thái độ của Đảng là: “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Đại hội đòi hỏi phải ngăn ngừa thói khoa trương, thổi phồng thành tích, thi hành kỷ luật những cán bộ, những tổ chức “làm láo, báo cáo hay”, có thái độ nghiêm khắc với những kẻ xu thời, vụ lợi, xu nịnh và với cả người ưa nịnh. Đồng thời đã nghiêm khắc chỉ ra những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên khi đi vào đổi mới, đó là bệnh quan liêu, bàn giấy, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, hống hách với nhân dân; sẵn sàng “chiếm công vi tư”, đục khoét của cải của nhân dân; sống buông thả, sa đoạ, móc ngoặc và tiếp tay cho bọn làm ăn bất chính ngoài xã hội; cơ hội chủ nghĩa, sống vô nguyên tắc, chỉ biết luồn lọt, nịnh bợ để có danh lợi; không tự phê bình và phê bình trên tình đồng chí, hoặc là xuê xoa, nể nang, hoặc là lợi dụng để đả kích nhau, tạo ra phe phái gây mất đoàn kết nghiêm trọng.
Trong nhiệm kỳ khoá VII, nhận diện của Đảng về chủ nghĩa cá nhân có sự phát triển. Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đảng ta cho rằng tham nhũng, quan liêu trở thành một trong bốn nguy cơ đối với chế độ mà Đảng, nhân dân ta đã lựa chọn và là biểu hiện tập trung của chủ nghĩa cá nhân, suy thoái đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Đến Đại hội VIII, chủ nghĩa cá nhân với rất nhiêu biểu hiện, đặt Đảng trước thách thức lớn hơn. Đại hội nhận định: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, kém ý thức tổ chức kỷ luật, sa đoạ về đạo đức lối sống. Bệnh quan liêu, độc đoán, cục bộ địa phương, kèn cựa, địa vị rất nặng. Số thoái hoá về chính trị tuy ít, nhưng hoạt động của họ gây hậu quả rất xấu.
Những năm đầu của thế kỷ XXI, chủ nghĩa cá nhân với biểu hiện tập trung của nó là tham nhũng, tiêu cực diễn biến càng phức tạp hơn. Đại hội lần thứ XI, lần thứ XII của Đảng đều đã đề cập đến chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện chính của nó. Đảng chủ trương mỗi cấp uỷ, mỗi chi bộ có kế hoạch định kỳ kiểm điểm và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống tư tưởng cơ hội thực dụng.
Thực hiện chủ trương của Đảng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đội ngũ đảng viên tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng đã từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, thì ở nơi này, nơi khác, ở mức độ này, hay mức độ khác vẫn còn tồn tại, thậm chí có chiều hướng phát triển, làm tổn hại đến sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, chăm lo xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; tích cực chống chủ nghĩa cá nhân là hành động và việc làm thiết thực làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; làm thất bại, phá sản mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, thực dụng; làm cho Đảng ta mạnh lên cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
Đinh Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét