Ngày 31 tháng 5
năm 2019, bài phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại phiên khai mạc Đối
thoại Shangri-La lần thứ 18 cũng như status mà ông Lý đăng tải trên trang
Facebook cá nhân đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận quốc tế
và khu vực. Khoan hãy đề cập đến dụng ý của ông Lý Hiển Long trong những phát
biểu này, chỉ riêng việc ông Lý cho rằng Việt Nam "xâm lược",
"chiếm đóng" Campuchia và rằng chính quyền
mới được thành lập ở Campuchia vào năm 1979 thay thế chế độ Khmer Đỏ là bất hợp
pháp đã khiến chính giới và dư luận Campuchia cũng như khu vực cho rằng ông Lý
Hiển Long đang xuyên tạc lịch sử và xúc phạm đến những nạn nhân của chế độ diệt
chủng Khmer Đỏ.
Sự bức xúc và
phản đối mạnh mẽ của dư luận cũng là chính đáng bởi những người có lương tri
đều biết rằng thời kỳ cầm quyền của Khmer Đỏ (từ 1975 đến 1979) được xem là một
chương đen tối nhất trong lịch sử đất nước Campuchia. Đó là một “nhà nước kỳ
dị”: không chợ, không tiền, không trường học, không đô thị, không trí thức,
không tôn giáo… Chỉ trong 3 năm 8 tháng và 20 ngày cầm quyền, khoảng 2 triệu
người (chiếm khoảng 1/3 dân số Campuchia khi đó) đã chết bởi các biện pháp tra
tấn dã man, hành quyết như thời trung cổ của Khmer Đỏ. Nhiều học giả đã gọi chế
độ do Pol Pot - Ieng Sary cầm đầu là một trong những chế độ tàn bạo nhất trong
thế kỷ XX - một chế độ diệt chủng được so sánh với chế độ phát xít Hitler - đó
là sự thật lịch sử. 2 triệu người đã chết; những "cánh đồng xương
trắng"; những ngôi mộ tập thể; các phương pháp tra tấn mà chế độ Khmer Đỏ
sử dụng để tàn sát chính đồng bào của mình, hiện đang được trưng bày tại Bảo
tàng diệt chủng Tuol Sleng (vốn là trại tù giam giữ và hành quyết hàng chục
ngàn người) là minh chứng không thể chối cãi về sự bạo tàn của chế độ Khmer Đỏ
- đó là sự thật lịch sử.
Việt Nam - đất
nước khi đó vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài nhiều thập kỷ đã
lại phải bước vào cuộc chiến biên giới Tây - Nam nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền
và toàn vẹn lãnh thổ trước sự khiêu khích xâm chiếm của Khmer Đỏ. Không những
bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình, quân tình nguyện Việt Nam đã bất chấp mọi hy
sinh, gian khổ, phối hợp với lực lượng vũ trang Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu
nước Campuchia mở cuộc tổng tiến công giải phóng thủ đô Phnôm Pênh (7/1/1979)
và toàn bộ đất nước Campuchia (17/1/1979) - đó là sự thật lịch sử.
Trong cuộc chiến
giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, hơn 200.000 người con
ưu tú đất Việt đã ngã xuống trên đất nước Chùa Tháp, nhiều người trong số họ
vẫn chưa được quy tập trở về đất mẹ. Những Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt
Nam trên đất nước Campuchia ngày nay là minh chứng hùng hồn nhất cho tính chính
nghĩa của Việt Nam khi giúp đất nước Campuchia hồi sinh.
Tháng 6/2017 tới
Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày Thủ tướng Hun Sen và đồng đội bắt đầu con
đường cách mạng, cứu đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, người
đứng đầu chính phủ Campuchia bày tỏ: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì
Campuchia không có ngày nay. Nếu không có sự hỗ trợ tình nguyện của Việt Nam,
Campuchia sẽ không được giải phóng và hồi sinh. Dứt khoát là thế”.
Đã có rất nhiều
quan chức, học giả của Việt Nam, Campuchia và nhiều nước khác trong
khu vực đều có chung quan điểm rằng, việc nhắc lại một giai đoạn đau thương
trong lịch sử đất nước Campuchia phải vì mục đích thêm trân trọng, không lặp lại sai lầm trong quá
khứ và cố gắng gìn giữ hòa bình, ổn định ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói
chung cũng như khu vực Đông Nam Á nói riêng trong bối cảnh khu vực và thế giới
đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh, cạnh tranh địa chiến lược,
biến đổi khí hậu.... chứ không phải để tạo ra sự chia rẽ, mất đoàn kết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét