Theo Đại từ điển tiếng Việt, thói a dua được hiểu là hùa theo, bắt
chước... (tất nhiên chỉ hùa theo cái xấu, cái tiêu cực, sai trái thì mới
được gọi là a dua). Ở đây chúng ta cần phân định cho rõ việc ủng hộ,
giúp đỡ cái mới, cái tốt, cái tích cực với a dua hùa theo những cái xấu,
cái tiêu cực. Bệnh a dua đã có từ rất lâu. Trong xã hội hiện đại, trước
sự nhiễu loạn của truyền thông, nhất là mạng xã hội (MXH) thì căn bệnh a
dua ngày càng trở nên trầm trọng. Rõ nhất là tình trạng trong khi đại
đa số người dân luôn tích cực lao động, học tập, tìm tòi, sáng tạo để
vượt khó vươn lên trong cuộc sống thì có một bộ phận không chịu động não
mà a dua, học đòi, chạy theo những lối suy nghĩ, mốt làm ăn, phong cách
sống mà họ cho đó là “thời thượng”. Đặc biệt trong giới trẻ hiện nay,
thói a dua là thói bắt chước, đua đòi theo những giọng điệu, những trào
lưu, những phong cách sống lai căng, quái dị, ngày càng rõ nét.
Người mắc bệnh a dua là những người không nói ra, không viết ra từ nhận
thức, quan điểm, chính kiến của cá nhân mình mà theo đuôi, phụ họa theo
cách nhìn nhận, quan điểm của người khác. Mặc dù quan điểm, nhận thức
của mỗi người có đúng, có sai, nhưng nhiều người a dua mà không cần suy
xét đến tính đúng sai, đạo lý và pháp lý mà nhìn nhận mọi chuyện cho
ngọn ngành, thấu đáo và nhân văn. Những người như thế chẳng khác nào họ
đang nhắm mắt chạy theo, hùa theo kẻ xấu một cách mù quáng. Cụ thể là
hùa theo, phụ họa theo những suy nghĩ, phát ngôn, hành động của đám
đông. Bởi thế, người mắc bệnh a dua sẽ đánh mất mình một cách nhanh
chóng và dễ dàng nhất. Hay nói cách khác, khi đã mắc bệnh a dua, con
người tức khắc đánh mất lòng tự trọng, ý thức tự tôn của mình. Thực chất
a dua xét cho cùng là bệnh của kẻ yếu hèn, của kẻ xu nịnh "gió chiều
nào che chiều ấy". Dễ nhận thấy bệnh a dua chỉ xuất hiện ở những kẻ yếu
cả về phẩm chất và trình độ, năng lực. Chính sự hèn yếu đã đẩy kẻ mắc
bệnh a dua đến chỗ thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh và lệ thuộc vào người
khác, bị người khác thao túng, nhưng không tự biết mà cứ lao vào tung hô
xem những người đó nói gì cũng là lẽ phải. Cứ như thế, từng bước kẻ mắc
bệnh a dua sẽ mất khả năng nhìn nhận, suy xét các vấn đề, nhất nhất "ăn
theo nói leo" , bất luận lời nói, hành động của họ đúng-sai.
Trong cuộc sống, bệnh a dua xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi ngõ ngách
từ cách ăn mặc, đi đứng, phát ngôn. Những người mắc bệnh a dua không
phân biệt được đúng-sai, hay-dở, cứ thấy người ta sao thì mình theo vậy.
Chính sự theo đuôi mù quáng của những kẻ mắc bệnh a dua đã làm cho cái
xấu, cái sai nhỏ bị loang rộng, đẩy lên và hậu quả thật khôn lường.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi thói a dua được lợi
dụng một cách tinh vi, rất có thể sẽ trở thành phương pháp tập hợp, lôi
kéo lực lượng rất nguy hiểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét