Hiện nay, ở đâu,
chỗ nào cũng nói đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vậy phải làm gì và làm
như thế nào khi mà năng lực cạnh tranh; thu nhập đầu người của ta luôn thấp hơn
các nước xung quanh. Thực tế này cho thấy nếu không có những giải pháp thích
hợp, thì nguy cơ tụt hậu của Việt nam so với khu vực sẽ càng lớn.
Thiết nghĩ rằng
một mặt chúng ta phải hết sức trân trọng tất cả những thành quả, thành tích đã
đạt được vì đó là công sức chung của nhân dân, của Đảng, Nhà nước, nhưng mặt
khác phải có cách tiếp cận mới. Liệu có bi quan hay không nói rằng chúng ta
đang đứng trước nguy cơ tụt hậu? Nói vậy không có gì là bi quan. Không phải là nguy cơ tụt
hậu mà chúng ta đã tụt hậu, chúng ta đang tụt hậu và chúng ta có nguy cơ tụt
hậu xa hơn nữa nếu như không đổi mới. Chúng ta đang rơi vào bẫy thu nhập trung
bình thấp và việc này thể hiện trên nhiều mặt, trong đó có: năng xuất lao động thấp, thu nhập bình quân
đầu người thấp.
Chúng ta có thế
mạnh về nông nghiệp, nhưng sản phẩm thô về nông nghiệp của ta thấp hơn so với
nhiều nước. Chúng ta chỉ có 70 triệu/ha giá trị sản phẩm, trong khi các nước đã
có hàng mấy tỷ, có chỗ mấy chục tỷ rồi. Hay như chúng ta có thế mạnh về phát
triển du lịch, nhưng cho tới giờ này vẫn rất ít, trong khi ở khu vực người ta
hơn chúng ta hàng chục lần. Nợ nhiều, hiệu quả đầu tư thấp, chưa biết lấy nguồn
tài chính ở đâu để trả nợ…Tất cả những vấn đề như vậy báo hiệu đã tụt hậu, đang
tụt hậu và nguy cơ sẽ tụt hậu xa hơn.
Có một học giả đã
từng hài hước nhưng cũng rất chua chát rằng “Việt Nam là một quốc gia không
chịu phát triển”. Sự “không chịu phát triển” ở đây nằm ở rất nhiều yếu tố, buộc
chúng ta phải nhận diện những yếu kém đặt ra. Khi nói tới câu chuyện cần phải
Đổi mới tư duy lần 2, chúng ta cũng sẽ phải tính tới chuyện xoá bỏ lực cản tồn
tại từ rất lâu; bóc tách riêng rẽ những hạn chế để tìm ra một giải pháp thích
hợp. Đúng là không phải dễ dàng nhưng cũng không phải đến nỗi quá khó. Bản thân
cuộc sống luôn đặt cho chúng ta những câu hỏi rắc rối, phức tạp nhưng bản thân
cuộc sống luôn luôn manh nha câu trả lời trong thực tế. Hãy lắng nghe thực tế,
lắng nghe nhân dân rồi sẽ có câu trả lời.
Trước măt, cần xoá
bỏ lực cản tạo ra động lực mới về tư duy, chúng ta phải chống được tham nhũng,
“lợi ích nhóm” và chống lối tư duy bảo thủ ?
Từ lần Đổi mới đầu tiên năm 1986 cho đến
thời điểm hiện nay, có thể thấy rõ yếu tố con người, đặc biệt là vai trò của
những người đứng đầu là đặc biệt quan trọng. Yếu tố con người là quyết định
nhất, vì có con người thì sẽ có tất cả. Và trong những con người ấy, người lãnh
đạo có vị trí quan trọng nhất. Và sự thay đổi tư duy, quyết tâm, tâm huyết
trong sáng, gương mẫu của những người lãnh đạo có tác dụng rất lớn đối với sự
phát triển của đất nước. Cũng phải nói thêm rằng, trách nhiệm của mọi người,
của tất cả cán bộ đảng viên, của nhân dân cũng hết sức quan trọng. Vì khi một
vài người nói, lãnh đạo chưa nghe nhưng vạn người nói thì lãnh đạo sẽ nghe. Do
vậy, phải có trách nhiệm của tập thể, của cộng đồng chứ không phải riêng của
lãnh đạo, song các vị lãnh đạo ở vị trí quan trọng nhất, chịu trách nhiệm lớn
nhất.Tất cả người dân Việt Nam
dù ở cương vị, lĩnh vực nào hãy tha thiết và quyết tâm đổi mới để đất nước tiến
lên. Bởi vì chúng ta hoàn toàn có khả năng thúc đẩy đất nước ta trở thành một
nước phát triển, miễn là làm đúng và tâm huyết. Dân tộc ta có truyền thống khi
gặp khó khăn thì biết vượt qua. Đảng ta cũng có truyền thống khi gặp khó khăn
biết nghe nhân dân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét