Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội
đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây
là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân. Lợi dụng thời điểm diễn ra sự kiện quan trọng này, các thế lực thù địch,
phần tử cơ hội chính trị đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, chống phá
dưới nhiều hình thức như: gửi thư ngỏ, thư trao đổi, thư góp ý cho Đại hội
XIII…
Các thế lực thù địch lợi dụng
triệt để sự kiện Đại hội đảng các cấp để chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Họ cho rằng, Đại hội XIII là thời cơ
để thực hiện đổi mới chính trị theo hình thức đa nguyên chính trị, đa đảng đối
lập, xây dựng nhà nước dựa trên nền tảng “xã hội dân sự”. Hiện nay, Trung ương
đang tích cực chỉ đạo xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của
Đảng và sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân. Ý kiến đóng góp tại Đại hội đảng bộ các cấp và của các tầng
lớp nhân dân là hết sức quan trọng, thể hiện ý Đảng, lòng dân, có giá trị thực
tiễn phong phú, sinh động để Trung ương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự
thảo các văn kiện. Ngược lại, thông qua thảo luận, đóng góp ý kiến, cấp ủy cấp
dưới có thêm gợi ý và định hướng để bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện
của cấp mình. Lợi dụng sự kiện này các thế lực thù địch đã đẩy mạnh sử dụng
các hình thức “gửi thư”, “trao đổi”, “góp ý cho Đại hội XIII”. Nếu ai thiếu
nhận thức chính trị, mà chỉ nhìn thoáng qua những bản góp ý, trao đổi được
chuẩn bị khá dày dặn, ra vẻ công phu của họ, thì dễ dẫn đến nhầm lẫn cho là sự
góp ý trách nhiệm và tâm huyết. Song kỳ thực, đây là vấn đề đã trở nên cũ rích
từ nhiều kỳ Đại hội trước mà họ đã tiến hành, nhưng được diễn đạt lại với giọng
điệu mới tinh vi, xảo quyệt hơn trước mà thôi. Họ trình bày khá nhiều vấn đề,
nhất là những vụ việc gây rối mang màu sắc chính trị ở địa phương này, địa
phương khác. Một số phần tử tự cho mình là “dân chủ” tung hô, cổ súy đa nguyên
chính trị, đa đảng đối lập hòng đánh lừa, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin
thực hiện theo ý đồ chính trị của họ. Trên các trang mạng, blog hải ngoại Họ đã
lợi dụng triệt để đăng tải các bản góp ý cho Đại hội XIII. Sau mỗi nội dung
trình bày, Họ đã tùy tiện quy kết Đảng ta cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam giác
ngộ yếu kém về yếu tố dân tộc và dân chủ đã tạo ra nỗi đau về hòa hợp dân tộc...
Chừng nào ở Việt Nam còn độc tài, độc nhất một đảng lãnh đạo thì chừng đó không
thể nói tới một nền dân chủ chân chính được. Việt Nam muốn phát triển, muốn có
dân chủ thực sự thì phải hội nhập vào xu thế đa đảng, thực hiện một “xã hội dân
sự” như các nước trên thế giới đã tiến hành.
Nhiều phần tử cơ hội chính trị đã “tát nước theo mưa” nói
xấu, bôi nhọ, phủ nhận vị trí, vai trò cầm quyền của Đảng thông qua cái gọi là
“góp ý”, “trao đổi” và Họ cho rằng: “Chủ nghĩa Mác – Lênin như một cái mành che
mắt, vì sự kiên trì Mác – Lênin như một cái chụp lên đầu, trong chế độ độc đảng
toàn trị Việt Nam thì làm gì có dân chủ, do đó không cần đảng lãnh đạo”… Các
luận điệu được núp bóng dưới các hình thức góp ý, trao đổi, nhưng kỳ thực mưu
toan hết sức xảo quyệt của họ đó là đòi xóa bỏ vị trí, vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam đã được quy định trong Điều 4 – Hiến pháp nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Hãy nêu cao tinh thần cảnh giác thủ đoạn lợi dụng vấn đề
đảng chính trị và dân chủ của các thế lực thù địch để chống phá cách mạng nước
ta.
Thời gian gần đây các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội
chính trị đã lợi dụng triệt để vấn đề đảng chính trị và dân chủ chống phá Đảng
và Nhà nước ta. Vấn đề đảng chính trị và dân chủ được tiếp cận nghiên cứu dưới
nhiều góc độ khác nhau. Nhưng với nghĩa chung và phổ biến nhất, dân chủ là
quyền lực thuộc về nhân dân; còn đảng là tổ chức chính trị mang bản chất giai
cấp. Trong xã hội có giai cấp, thậm chí nhiều giai cấp, sự xuất hiện của một
đảng hay nhiều đảng chính trị cũng là lẽ bình thường. Dù dưới màu sắc chính trị
hay xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo, tên gọi có khác nhau, nhưng đảng thực chất
là đảng chính trị, đảng nào cũng đều hướng tới việc cầm quyền, trong việc
giành, giữ, thực thi quyền lực nhà nước. Trong thực tiễn cho thấy tùy thuộc vào
hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tương quan lực lượng giữa các giai cấp, mỗi nước có
thể có một đảng hoặc nhiều đảng tranh giành quyền lãnh đạo xã hội theo chế độ
nghị trường. Không có một đảng lãnh đạo hoặc không lập được liên minh lãnh đạo
giữa các đảng thì tất yếu đất nước sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ và hỗn
loạn.
Dưới chủ nghĩa tư bản, dân chủ nằm trong tay giai cấp tư
sản, được tổ chức thành nhà nước tư sản và nhà nước đó bảo đảm quyền dân chủ
cho một số ít người là giai cấp tư sản nhằm chống lại đông đảo những người lao
động. Ở đó, dân chủ chân chính đã bị giai cấp tư sản lợi dụng và biến thành thứ
dân chủ nửa vời, không triệt để ở mọi cấp độ và tính chất. Như vậy, dân chủ chỉ
nằm trong tay bộ phận thiểu số là giai cấp tư sản chứ không phải quảng đại quần
chúng nhân dân lao động. Họ cổ súy cho rằng: dân chủ là phải đa đảng, nhưng
thực tế không phải là như vậy. Những minh chứng hết sức rõ ràng mà ai cũng thấy
đó là ở một số nước tư bản mà điển hình là Hoa Kỳ được mệnh danh là “thiên
đường tự do”, trong suốt hàng trăm năm qua kể từ khi ra đời tồn tại nhiều đảng,
nhưng thực chất chỉ có hai đảng lớn nhất của giai cấp tư sản thay nhau cầm
quyền. Mặc dù, là hai đảng thay nhau cầm quyền, nhưng khó ai có thể tìm thấy sự
khác nhau về bản chất, về lập trường giai cấp và hệ tư tưởng giữa hai đảng; sự
khác nhau đó chỉ là ở tên gọi và một số chính sách nhất định mà thôi.
Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, dân chủ là quyền làm chủ đất
nước, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình một cách toàn vẹn. Nhà nước thuộc
về nhân dân, do nhân dân bầu ra một cách dân chủ, công khai và vì lợi ích của
nhân dân. Quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân lao động và được quyết định
bởi chính nhân dân. Nói cách khác, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là công
cụ trong tay nhân dân, để nhân dân thực hiện quyền làm chủ một cách toàn diện và
tự do, nhằm bảo vệ quyền làm chủ của chính mình và độc lập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền của dân tộc
khác. Thể chế chính trị, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chống lại tất cả
những gì xâm phạm và làm tổn hại tới quyền dân chủ của nhân dân lao động. Do
đó, dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu cao cả, vừa là động lực của sự
phát triển xã hội và tiến bộ toàn diện không ngừng của nhân dân, đất nước. Phẩm
giá của con người được thừa nhận một cách đầy đủ, được tôn trọng và bảo vệ.
Vậy mà, một số phần tử cơ hội chống đối cố tình xuyên tạc,
bôi nhọ tình hình dân chủ của chúng ta trong thời gian qua. Họ đã lượm lặt một
số hiện tượng còn tồn tại, những hạn chế, một số vụ việc mất dân chủ, điển hình
là những vụ án mà cá nhân lãnh đạo vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung
dân chủ để quy chụp cho đó là lỗi cơ chế, là lỗi hệ thống. Đây là sự quy kết
hoàn toàn sai lệch, không vì một vài hiện tượng sai lệch mà kết luận đó là lỗi
hệ thống được. Với Việt Nam, việc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, xã
hội chủ nghĩa tất yếu còn nhiều tàn dư của xã hội cũ để lại chưa dễ gì xóa bỏ
ngay được. Việc xảy ra những vấn đề mất dân chủ chỗ này chỗ kia là biểu hiện
của tồn tại xã hội mà chúng ta đang đấu tranh, ngăn ngừa, cải tạo, xây dựng
giữa cái cũ và cái mới, đó không phải là bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, những luận điệu cho rằng, chế độ do Đảng Cộng sản
Việt Nam lãnh đạo sẽ không có dân chủ, cổ súy tư tưởng bài xích Đảng, thúc đẩy
đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi thực hiện nhà nước “tam quyền phân
lập” là âm mưu, thủ đoạn hết sức xảo quyệt nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của
Đảng cộng sản Việt Nam đối với cách mạng nước ta. Phương thức, thủ đoạn mà phần
tử cơ hội chính trị, thù địch sử dụng trong các “kiến nghị”, “góp ý”, “trao
đổi” là gửi đến các cơ quan cao nhất của Đảng, đến các đồng chí lãnh đạo Đảng,
Nhà nước. Sau đó, Họ phát tán trên các trang mạng hải ngoại, blog phản động,
mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền. Vì vậy, người đọc cần phải nêu cao tinh
thần cảnh giác, tỉnh táo nhận diện, tránh bị lôi cuốn vào những thông tin sai
lệch của họ, dẫn tới tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động, suy giảm niềm
tin đối với Đảng và Nhà nước ta./.
Chủ lực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét