Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

Đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa

 

Xuất phát từ tinh thần rất nhân văn rằng, “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm”, “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại.

Người yêu cầu Đảng phải thường xuyên nhìn thẳng vào sự thật, phải “có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó”.

Cán bộ, đảng viên “muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích… cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi”. Mỗi người đảng viên phải cố gắng cho xứng đáng là một trong những người đại biểu của dân tộc.

“Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo”.

Bác Hồ dạy chúng ta như vậy và chính Bác đã nêu tấm gương sáng ngời về phẩm chất ấy. Khi chỉ mới giành chính quyền được vài tháng, trước những tồn tại, những khuyết điểm của đội ngũ cán bộ đảng viên trong các cơ quan công quyền, trước những thói hư, tật xấu, nạn tham ô, sự lãng phí của công, bệnh quan liêu, cửa quyền, lên mặt của những ông quan cách mạng, trên cương vị Chủ tịch nước, Bác Hồ đã có bức thư Tự phê bình hết sức cảm động đăng trên báo Cứu quốc (ngày 28/1/1946):

“Vì yêu mến và tin cậy tôi, mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà, dân tộc cho tôi gánh vác… Chỉ vì tôi tài hèn đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào… Chính phủ do tôi đứng đầu, chưa làm việc gì đáng kể cho nhân dân… Tuy nhiều người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch… Có thể nói rằng: những khuyết điểm đó là vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này, lẽ khác. Nhưng không, tôi phải nói thật: Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là khuyết điểm dù lớn dù nhỏ đều cần phải được công khai, công khai để nhận lỗi, thêm quyết tâm sửa lỗi. Khi nhận lỗi, khi tự phê bình thì phải có dũng khí, phải thật thà, nghiêm túc, cẩn trọng. Đó luôn là tác phong làm việc của Người./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét