Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

 

CẦN HIỂU ĐÚNG VỀ  TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN QUÂN SỰ 
HỒ CHÍ MINH

Tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh là sự kết tinh truyền thống nhân ái quý báu của dân tộc Việt Nam, tinh hoa giá trị nhân văn của nhân loại mà đỉnh cao là  tư tưởng nhân văn cộng sản chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác – Lênin vào lĩnh vực quân sự; là sự thống nhất giữa tư tưởng bạo lực cách mạng với tư tưởng nhân văn, nhân đạo, hoà bình với khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; tin tưởng mãnh liệt vào sức mạnh và phẩm giá con người trong các hoạt động quân sự nhằm hiện thực hoá mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là:

Giá trị nhân văn trong truyền thống của dân tộc Việt Nam và của nhân loại được kết tinh và thể hiện sâu sắc trên tầm cao mới trong tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên truyền thống văn hoá đặc sắc, cốt lõi là tinh thần dân chủ, nhân đạo, nhân văn trong giành, giữ, sử dụng sức mạnh góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Biểu hiện cao nhất của truyền thống nhân văn của nền văn hoá Việt Nam là luôn hướng tới mục đích vì con người, giải phóng con người, tôn trọng quyền con người và tạo điều kiện cho con người phát triển tự do, hài hoà, toàn diện. Đó là tính nhân văn sâu sắc, cốt lõi của một nền văn hoá, những giá trị tiêu biểu ấy luôn thể hiện đậm nét tính chân thực, cụ thể, có khả năng đi vào cuộc sống. Giá trị nhân văn ưu việt của dân tộc ta luôn được thấu triệt trong hệ tư tưởng chính trị, qua các quyết sách nhằm phục vụ cuộc sống của mỗi cá nhân, cộng đồng và phát triển xã hội.

Con người luôn là mục tiêu, đồng thời là động lực của quá trình phát triển. Tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam và của nhân loại nói chung cho thấy, các thời đại đều coi trọng vị trí, vai trò con người, coi con người là nhân tố quyết định sự phát triển. Nếu Khổng Tử ở Trung Quốc quan niệm: “Dân vi bang bản” (Dân là gốc của nước), thì ở Việt Nam, Nguyễn Trãi coi “dân” là “sỹ, nông, công, thương”, là người dân “nơi thôn cùng, xóm vắng” để đi đến khẳng định đó là những người mà sức mạnh của họ như “nước” để “đẩy thuyền” và “lật thuyền”... Do đó, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã dùng nhiều kế sách đặc sắc, thể hiện tính nhân văn nhằm xây dựng, phát triển dân tộc và con người. Trong quan hệ với nước lớn, với bè bạn, láng giềng, thậm chí với kẻ thù, người xưa đều thực hiện các quyết sách hòa bình, hữu nghị, hợp tác vì sự phát triển và tiến bộ để tạo môi trường thuận lợi cho sự tồn tại, phát triển. Phan Huy Chú nêu rõ phương châm: “Trong việc trị nước, hòa hiếu với láng giềng là việc lớn”1, còn Trần Hưng Đạo thì khẳng định: “Hòa mục là đạo rất hay trong việc trị nước, hành binh. Hòa ở trong thì ít phải dùng binh, hòa ở ngoài thì không bị báo động”2. Trong cuộc kháng chiến chống Tống, dù đang ở thế chủ động, Lý Thường Kiệt vẫn tìm mọi cách “dùng biện sỹ để bàn hòa, khiến tướng giặc phải buông vũ khí, quân ta đỡ tốn xương máu mà giữ yên xã tắc”3. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, dù đang ở thế thắng, nhưng Lê Lợi, Nguyễn Trãi vẫn chủ trương giảng hòa để kết thúc chiến tranh. Vì vậy, hơn 10 vạn quân Minh trước khi được tha về nước với đầy đủ quân lương đã đến doanh Bồ Đề để lạy tạ Lê Lợi, Nguyễn Trãi và nghĩa quân Lam Sơn. Khẳng định tinh thần nhân nghĩa đó của người Việt Nam, Nguyễn Trãi đã đúc kết:

“ Nghĩ kế nước nhà trường cửu,

 Tha cho mười vạn hàng binh,

  Gây lại hòa hảo cho hai nước,

     Dập tắt chiến tranh muôn đời”4.

Giá trị văn hoá ưu việt của nhân loại đều coi trọng con người, coi con người là chủ thể của sự phát triển, từ đó yêu cầu trong quan hệ giữa con người với nhau phải có thái độ nhân đạo, bình đẳng.

Những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, hướng tới hòa bình, xóa chiến tranh, làm điều thiện cho nhau…, trong văn hóa phương Tây; cứu nhân độ thế, cứu một người phúc đẳng hà sa, chú trọng giáo hóa để thoát khỏi u mê, mở mang trí tuệ, trừ bỏ lòng tham lam và sự nóng giận, tiêu diệt cái ác, vun trồng điều thiện..., trong văn hóa phương Đông đã được Hồ Chí Minh nghiên cứu, gạn lọc, kế thừa những hạt nhân hợp lý, phù hợp phát triển lên tầm cao mới thể hiện ở mục tiêu chính trị của cách mạng  giàu tính dân chủ, nhân đạo, nhân văn.

Đặc biệt, tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh là biểu hiện sâu sắc của quá trình nghiên cứu, kế thừa, phát triển sáng tạo chủ nghĩa nhân đạo cộng sản - hạt nhân của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoạt động quân sự. Quan điểm mácxít đã chỉ rõ cơ sở khoa học cho sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại khỏi ách áp bức, bóc lột hà khắc của các giai cấp thống trị, giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi hủ tục lạc hậu, trì trệ, để phát triển toàn diện, vươn tới tự do, hạnh phúc..., đã được Hồ Chí Minh thực hiện bằng phương pháp nhân văn trong mọi hoạt động của mình. Người nêu rõ: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình nghĩa”5, đó là cốt lõi của cuộc đời hoạt động cách mạng Hồ Chí Minh.

Như vậy, tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh là sự kế thừa sâu sắc, phát triển sáng tạo những giá trị ưu việt của truyền thống dân tộc và nhân loại; luôn xuất phát từ khát vọng giải phóng con người, tôn trọng giá trị nhân phẩm con người, coi quyền con người được phát triển tự do, hạnh phúc là tiêu chuẩn đánh giá các quan hệ xã hội; phải thừa nhận các nguyên tắc bình đẳng, công bằng, nhân đạo trong quan hệ giữa con người với con người. Vì vậy, sự nghiệp giải phóng con người phải gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp ra khỏi mọi áp bức, bóc lột.

Tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm lý luận về con người trong hoạt động quân sự, được thấm đượm trong lĩnh vực hoạt động quân sự

Bản chất con người, trong tính hiện thực của nó, là tổng hoà các quan hệ xã hội. Do đó, trong quan niệm của Hồ Chí Minh, muốn giải phóng và tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện phải thay đổi những quan hệ kìm hãm, trói buộc con người. Nghĩa là, phải xoá bỏ tình trạng người bóc lột người, thiểu số thống trị đa số, xây dựng quan hệ bình đẳng giữa con người với con người, tạo lập hệ thống những quan hệ xã hội tốt đẹp. Chủ nghĩa thực dân, đế quốc đã sử dụng sức mạnh bạo lực phản cách mạng kết hợp với những thủ đoạn nham hiểm để nô dịch con người và các dân tộc thuộc địa, cho nên các dân tộc bị áp bức phải sử dụng bạo lực cách mạng nhằm chống lại, đập tan bạo lực phản cách mạng để giải phóng mình. Vì lẽ đó, bạo lực cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tự bản thân nó đã thể hiện sâu sắc tư tưởng nhân văn, nhân đạo, hoà bình.

Tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh là tư tưởng nhân văn chiến đấu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, lấy hạnh phúc của con người làm nguyên tắc cao nhất. Trong cuộc chiến đấu ấy, con người phải được giải phóng cả về thể chất lẫn tinh thần, thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc; con người thực sự làm chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, cùng hợp lực xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; mọi người đều được phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, tinh thần, đạo đức trong mối quan hệ hài hoà giữa cá nhân, gia đình và xã hội.

 Tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh là tư tưởng nhân văn cộng sản được vận dụng nhuần nhuyễn vào lĩnh vực quân sự ở Việt Nam. Các nội dung tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đều thấm đượm tư tưởng nhân văn cộng sản, đặt niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; trong lựa chọn các phương pháp cách mạng, trong đó vũ trang cách mạng là phương pháp mang tính phổ biến để giành độc lập dân tộc, giành tự do, hạnh phúc cho nhân dân; sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc gắn chặt với công cuộc bảo vệ hoà bình ở khu vực và thế giới.

----------------------------------------
1-. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 3, Nxb KHXH, H. 1993, t.1, tr. 135
2-. Trần Quốc Tuấn,  Binh thư yếu lược, Nxb KHXH, H. 1977, tr. 108
3-. Những vấn đề cơ bản của Văn hóa chính trị Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2008, tr. 180
4- Những vấn đề cơ bản của Văn hóa chính trị Việt Nam, Sđd, tr. 181
5-Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập12, Nxb CTQG, H.2000, tr. 554

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét