Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Học và làm theo Bác: Gợi mở từ các câu chuyện

 

Học và làm theo Bác: Gợi mở từ các câu chuyện

 

Đó là các câu chuyện, các bài học được tác giả chọn lọc để chia sẻ. Qua đó, chúng ta càng hiểu và thêm kính yêu Bác Hồ

Nhà Xuất bản Trẻ vừa phát hành cuốn "Học và làm theo Bác" của tác giả Nguyễn Minh Hải, nằm trong bộ sách "Di sản Hồ Chí Minh" vốn đã có hàng chục cuốn.

Gợi mở ở nhiều góc độ

"Học và làm theo Bác" chỉ 224 trang, gồm 43 chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tác giả trích dẫn từ những nguồn tin cậy và phần gợi mở ở nhiều góc độ, có thể cho nhiều chủ thể khác nhau liên hệ, vận dụng.

Trên thực tế, nhiều năm qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đã tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác và sinh hoạt, thông qua nhiều hình thức, nhiều hoạt động. Một trong những hình thức được thực hiện khá phổ biến là tổ chức kể chuyện về Bác Hồ trong sinh hoạt chào cờ đầu tuần hay trong sinh hoạt chi bộ, trong các hội thi…

Từ những câu chuyện có thật về Bác Hồ, người kể lồng ghép tình cảm, cách hiểu, rồi rút ra bài học và thể hiện lời hứa quyết tâm học tập từ câu chuyện. Điều đó đã ít nhiều gợi mở và thấm dần vào nhận thức, tình cảm của người nghe. Vì vậy, hình thức kể chuyện được duy trì ở nhiều cơ quan, đơn vị và có ý nghĩa thiết thực.

"Học và làm theo Bác" là các chuyện kể, các bài học có ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn, được tác giả chọn lọc cẩn thận để chia sẻ với bạn đọc. Qua đó, mỗi người có thể lắng đọng những cách nghĩ, cách làm cũng như chúng ta càng kính yêu Bác Hồ, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn".

Các câu chuyện trong "Học và làm theo Bác" đều ngắn gọn, giản dị nhưng chứa đựng ý tứ sâu sắc, có thể làm người đọc thấm dần trong nhận thức và hành động. Chẳng hạn, từ câu chuyện người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, tác giả khái quát thành bài học "nghĩ khác", "làm khác" và coi đó là một trong những tiền đề để thành công. Câu chuyện "Ba chiếc ba lô" là bài học về nhu cầu lao động của mỗi người và vấn đề công bằng trong quan hệ lao động giữa người với người.

Còn câu chuyện Bác Hồ bỏ thuốc lá là bài học về sự quyết tâm, đó là một yếu tố quan trọng để đạt được kết quả tốt hơn trong hoạt động thực tiễn của mỗi người. Chuyện Bác Hồ với cây sáo trúc của Đinh Thìn gợi mở suy nghĩ về lòng tri ân và tinh thần tự lực. Đặc biệt, câu chuyện về "đạo đức người ăn cơm" có thể coi là một bài học lớn về sự trân quý sức lao động, trân quý của cải, bắt đầu từ việc quý trọng từng hạt cơm…

Nhiều bài học cho cán bộ, đảng viên

Tập sách "Học và làm theo Bác" còn có nhiều câu chuyện, nhiều bài học dành cho cán bộ, đảng viên trong công tác, sinh hoạt với những góc nhìn khác nhau.

Chẳng hạn, chuyện ở chiến khu Việt Bắc về công tác dân vận với phương châm giản dị mà sâu sắc: "Dân vận khéo là không xa cách với dân". Đó là một gợi ý mang tính nguyên tắc khi xây dựng trụ sở cơ quan, bởi "Xây trụ sở trong lòng dân là tốt nhất". Hay câu chuyện dành cho tất cả cán bộ, đảng viên từ cấp cơ sở cho đến trung ương về đòi hỏi "Ba không", "Không tham tiền, không tham sắc, không tham địa vị". Đó là bài học "Suy nghĩ kỹ" trong tất cả lời nói, hành động, nhất là với những gì liên quan đến lợi ích của nhân dân. Đó là mỗi người phải thực sự nêu gương, từ gia đình cho đến cơ quan, từ nếp sinh hoạt cho đến các mặt công tác…

Lồng ghép trong mỗi chuyện kể là các gợi mở về việc vận dụng trong thực tiễn, sách "Học và làm theo Bác" có thể là một tài liệu dành cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở sử dụng để kể chuyện dưới cờ hoặc trong các hoạt động của chi bộ, đoàn thể. Cuốn sách cũng có thể là những nhắc nhở trong việc học tập và làm theo gương Bác nói riêng; trong việc xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực nói chung cho mỗi người. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét