Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Nâng cao nhận thức về nhà nước pháp quyền

 

Nâng cao nhận thức về nhà nước pháp quyền

 

Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII "về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới" là một bước phát triển gắn lý luận với thực tiễn, kế thừa và không ngừng chuyển hóa các giá trị của học thuyết nhà nước pháp quyền vào thực tiễn đời sống nước ta.

Nghị quyết nhấn mạnh: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; đồng thời đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp lớn để đưa nghị quyết vào đời sống, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là phải nâng cao nhận thức về nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Cốt lõi của học thuyết nhà nước pháp quyền là bảo vệ quyền con người, bảo vệ tự do của cá nhân con người. Trong lịch sử cách mạng nước ta, giá trị cốt lõi đó thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Mô hình nhà nước pháp quyền được nhiều quốc gia nghiên cứu, lựa chọn để xây dựng tổ chức nhà nước.

Nghị quyết 27-NQ/TW yêu cầu "Thống nhất nhận thức về các đặc trưng của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đó là: Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp; nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp, quản lý xã hội bằng Hiến pháp; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo...

Từ nhận thức trên, có thể khẳng định nền dân chủ rộng rãi là "linh hồn" của mô hình nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thực tiễn. Chính vì vậy, các nhiệm vụ và giải pháp (từ điểm 2 đến điểm 10, mục IV của nghị quyết) đều nhằm xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, công bộc của dân; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn pháp luật, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Trong đó, phải xây dựng nền hành chính nhà nước chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân.

Để hiện thực hóa nghị quyết, mọi cán bộ, đảng viên, tùy nhiệm vụ được Đảng phân công hoặc nhân dân tín nhiệm, phải là những nhân tố gương mẫu cao nhất của việc bảo đảm thượng tôn pháp luật; hành động tích cực góp phần chuyển hóa các giá trị của nền dân chủ cộng hòa vào đời sống, hun đúc lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì".

Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam chính là làm cho nhân dân được hưởng hạnh phúc, tự do. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét