Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Tăng sức đề kháng cho cán bộ, đảng viên

 

Tăng sức đề kháng cho cán bộ, đảng viên

 

Hồ Chủ tịch đã dạy: "Đảng ta là đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng của một người, của cá nhân nào...".

 Qua nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Bác đã chỉ dạy rất rõ việc đầu tiên trong công tác cán bộ phải làm là nâng cao đạo đức cách mạng.

Quả đúng phải là như vậy. Bởi không có đạo đức cách mạng, hay có nhưng không đủ tầm hoặc không đủ sức thì làm sao tiêu diệt bằng được chủ nghĩa cá nhân. Bác yêu cầu chúng ta phải "quét sạch" chủ nghĩa cá nhân, nghĩa là quét đến cùng, diệt triệt để, không để chủ nghĩa cá nhân tồn tại cả trong tư tưởng và hành động.

Do đó, nâng cao đạo đức cách mạng như là động thái tạo ra nguồn năng lượng mạnh mẽ nhằm, hòng chiến đấu không mệt mỏi với những tư tưởng hẹp hòi, ích kỷ, mưu cầu lợi ích riêng của một người; khắc phục bằng được nguyên nhân trì trệ của quá trình tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hướng tới mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" .

Xã hội sẽ trì trệ nếu mỗi người chúng ta, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, không làm tròn trách nhiệm là "đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động" mà chỉ chăm chú vào mưu cầu lợi ích riêng của một người, của cá nhân. Bởi vậy, mỗi người trong chúng ta, dù ở cương vị nào trong xã hội, cũng phải quyết chí rèn luyện, nhằm xứng đáng là những người công dân tốt. Nếu là cán bộ, đảng viên thì phải gương mẫu để xứng đáng là người "đại biểu cho lợi ích chung".

Cách đây hơn nửa thế kỷ, Hồ Chủ tịch viết tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", đăng trên Báo Nhân Dân ngày 3-2-1969 nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tác phẩm có tính giáo dục toàn diện và sâu sắc này của Bác Hồ đã giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp thấy được việc nào nên làm, việc nào nên tránh, để không ngừng phấn đấu tiến bộ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ chính trị được phân công.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy trong quá trình phát triển của đất nước, số vụ vi phạm pháp luật, số cán bộ, đảng viên tha hóa, "tự chuyển hóa"... vẫn còn nhiều, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Các cơ quan chức năng với sự giúp sức phát hiện, tố giác của quần chúng đã phanh phui ra ánh sáng nhiều vụ việc nổi cộm gần đây. Trong số những người dính líu đến các vụ tham ô, tham nhũng có nhiều cán bộ, đảng viên cao cấp ở cả trung ương, địa phương và nhiều ban, bộ, ngành.

Thực trạng đó ít nhiều đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước ta. Các cơ sở Đảng cần nhận diện đúng thực trạng này để định hướng đúng trong sinh hoạt tư tưởng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét