Đó là những cán bộ Mặt trận người dân tộc thiểu số luôn gần dân, sát dân; gương mẫu, đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương bằng nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, nhiều mô hình hay được triển khai, góp phần vào thành tích chung của địa phương, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Chị Hà Ngân Kim Tới chia sẻ câu chuyện của mình tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc. |
Họ xứng đáng được khen thưởng tại Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc diễn ra ngày hôm qua (27/11).
Đến từ tỉnh Sóc Trăng, chị Hà Ngân Kim Tới, sinh năm 1981, là người dân tộc Khmer, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã mang đến Hội nghị biểu dương những câu chuyện đầy cảm xúc trong việc triển khai các chương trình thiện nguyện hướng đến người nghèo, những người yếu thế trong xã hội.
Chị Tới chia sẻ, xã Liệu Tú là địa bàn có trên 75% người dân đồng bào Khmer với nghề nghiệp chính là trồng lúa, nuôi tôm, chăn nuôi, nhưng tỉ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập thấp, nhiều gia đình có điều kiện hoàn cảnh rất đặc biệt. Từ thực tế đó, chị đã nung nấu quyết tâm giúp những người nghèo, người yếu thế vượt khó vươn lên.
Nghĩ là một chuyện, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, chị Tới gặp không ít khó khăn do xung quanh mình còn nhiều người vất vả. Tuy nhiên, với tinh thần khó nhưng không nản, chị cứ miệt mài từng ngày từng ngày một tuyên truyền, giúp đỡ từ những việc nhỏ nhất đối với những người xung quanh. Thời gian trôi đi, người dân đã hiểu, đồng hành nên các chương trình thiện nguyện của chị đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Chia sẻ về kỷ niệm khi Mặt trận xã xây dựng nhà Đại đoàn kết cho một hộ gia đình khó khăn trên địa bàn, chị Tới cho biết: “Sau khi kêu gọi được kinh phí xây nhà nhưng còn thiếu hạng mục đắp nền, tôi đã huy động cán bộ Mặt trận đến cùng làm. Thấy vậy bà con cũng xúm vào cùng làm, có cả các em nhỏ nữa… Hôm đó dù mệt nhưng không khí rất vui. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì đây là nguồn động lực để tôi nỗ lực cố gắng hơn, giúp được ngày càng nhiều hơn những việc làm có ích cho người dân và cho cộng đồng”.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của chị Tới và những người làm Mặt trận xã Liêu Tú, trong giai đoạn 201-2022 gần 250 triệu đồng đã vận động đươc từ triển khai thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; 68 căn nhà đại đoàn kết được xây dựng để hỗ trợ người nghèo trên địa bàn với tổng số tiền xấp xỉ 2,7 tỷ đồng. Cùng với đó là các hoạt động chăm lo cho người nghèo, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn khi đã vận động hơn 7.300 suất quà cho hộ nghèo, hộ khó khăn với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng; vận động trao tặng 244 suất học bổng cho học sinh nghèo với số tiền gần 80 triệu đồng; vận động thực hiện được 15 công trình lộ nông thôn, cầu bê tông, thủy lợi nội đồng với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng.
* Chia sẻ những kinh nghiệm trong vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng các mô hình kinh tế, ông Mạc Văn Đậu, dân tộc Nùng, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Quán Cà, xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho rằng trong công tác tuyên truyền vận động, người làm cán bộ Mặt trận phải chọn chương trình hành động phù hợp với địa bàn thì mới kêu gọi được nhân dân, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
Ông Mạc Văn Đậu, dân tộc Nùng, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Quán Cà, xã Biên Sơn. |
“Như tại địa phương của tôi có 98% người đồng bào dân tộc Nùng. Trước đây, có một số hủ tục lạc hậu như là nhà có đám hiếu thì để người đã mất trong nhà rất lâu, lên đến 3-4 ngày, rất mất vệ sinh. Biết hủ tục này không tốt, chúng tôi đã kiên trì vận động từng gia đình có đám, ban tang lễ của thôn vào cuộc, dần dần bà con bỏ được. Đến nay gia đình có người chết chỉ để trong nhà không quá 24 tiếng” – ông Đậu chia sẻ
Khi đã vận động thành công bà con xóa bỏ một số hủ tục lạc hậu, ông Đậu tiếp tục triển khai vận động nhân dân chuyển đổi loại hình kinh tế từ trồng trọt sang chăn nuôi để phù hợp với điều kiện mới. Thế là đến nay trong thôn đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn đồi, trồng rừng mang lại hiệu quả cao, nhất là mô hình nuôi trâu thương phẩm, chăn nuôi ngựa bạch sinh sản, dê đã được nhân rộng tại trên 100 hộ gia đình trong thôn. Từ các mô hình này nhiều hộ dân đã có thu nhập cao hàng năm trừ chi phí còn lãi từ 100-150 triệu đồng/năm.
Không chỉ gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua, là một nghệ nhân ưu tú, ông Mạc Văn Đậu đã nỗ lực gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình. Ông Đậu hào hứng cho biết, đến nay việc gìn giữ nghệ thuật hát truyền thống của người Nùng đều được bà con hết sức chia sẻ, ủng hộ. Hiện caau lạc bộ hát Soong Hao dân tộc Nùng, xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn đã thu hút được 58 thành viên tham gia và sinh hoạt rất đều đặn.
Với những cống hiến của mình, ông Mạc Văn Đậu đã được công nhận là nghệ nhân ưu tú đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Quyết định số 355/QĐ-CTN ngày 08/3/2019 của Chủ tịch nước. Ông còn được nhận bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang và bằng khen của UBND tỉnh năm 2021./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét