Chia sẻ về nội dung công văn cũng như yêu cầu chấp hành lễ tiết, tác phong đối với quân nhân, các ý kiến gửi về Trang “Ý kiến chiến sĩ” đều thống nhất cho rằng: Đã là quân nhân thì phải chấp hành, giữ gìn lễ tiết, tác phong. Tòa soạn trích đăng một số ý kiến.

Đại tá TRẦN QUANG TUYÊN, Trưởng phòng Tham mưu - Hành chính, Trường Sĩ quan Lục quân 1:

Càng cần thiết đối với giảng viên, cán bộ quản lý học viên

Chấp hành lễ tiết, tác phong vừa thể hiện sự chính quy, thống nhất và cũng là nét đẹp của mỗi quân nhân trong QĐND Việt Nam. Trong môi trường giáo dục, các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý học viên không chỉ giảng dạy kiến thức, huấn luyện kỹ năng mà còn là tấm gương sống hằng ngày thẩm thấu, “gieo trồng” nên nhân cách của người học viên.

Xuất phát từ điều đó, Phòng Tham mưu-Hành chính phối hợp với các cơ quan, khoa, đơn vị tổ chức quán triệt nghiêm đến cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ về việc chấp hành lễ tiết, tác phong, duy trì chặt chẽ quy định của quân nhân, khi ra, vào doanh trại phải chấp hành nghiêm việc đội mũ bảo hiểm có cằm, có dán tên, phiên hiệu đơn vị... Tổ chức kiểm tra nồng độ cồn, giấy phép lái xe, bảo hiểm xe, tình trạng kỹ thuật (gương chiếu hậu, lốp, đèn xe...) các loại xe mô tô hai bánh, ô tô... của cán bộ, giảng viên, nhân viên khi ra, vào doanh trại.

Các lực lượng tham gia giao thông luôn quán triệt và chấp hành nghiêm quy định “Đã uống rượu, bia, không lái xe”. Đối với quân nhân lái xe quân sự luôn chủ động kiểm tra, kiểm định chất lượng các loại xe được giao trước, trong và sau mỗi chuyến công tác, bảo đảm số ki-lô-mét, người và phương tiện tham gia giao thông an toàn.

100% quân nhân trong toàn trường chấp hành và thực hiện nghiêm việc mang mặc trang phục, xưng hô, chào hỏi theo điều lệnh. Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, khoa, đơn vị duy trì cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ chấp hành nghiêm việc mang mặc đúng lễ tiết, tác phong quân nhân. Không có tình trạng quân nhân nhuộm tóc (trừ nhuộm tóc màu đen), sơn móng chân, móng tay.

Đối với nữ quân nhân, luôn sử dụng búi tóc trong túi lưới theo đúng quy định. Trường hợp chấp hành không nghiêm các quy định, nhà trường nhắc nhở trực tiếp tại các buổi giao ban quân sự, chào cờ, gửi công văn thông báo tên từng cá nhân cụ thể đến các cơ quan, khoa, đơn vị để nắm, quán triệt, thực hiện và rút kinh nghiệm kịp thời.

Trung tá TRẦN VŨ ĐỨC THẮNG, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 335 (Sư đoàn 324, Quân khu 4):

Lễ tiết, tác phong là nét văn hóa đặc trưng trong Quân đội

Chấp hành lễ tiết, tác phong quân nhân không chỉ là hoạt động thường xuyên, liên tục mà còn là truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, góp phần giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ; thể hiện tính kỷ luật, sự tôn trọng và trách nhiệm đối với đồng đội và Tổ quốc, là nét văn hóa đặc trưng trong Quân đội. Qua đó duy trì nền nếp, trật tự, tạo sự đồng nhất và đoàn kết trong đơn vị, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Mỗi quân nhân cần thực hiện nghiêm túc các quy định về lễ tiết, tác phong, luôn nêu cao ý thức giữ gìn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Xác định rõ yêu cầu, ý nghĩa đó, những năm qua, Trung đoàn 335 luôn duy trì nghiêm việc chấp hành lễ tiết, tác phong quân nhân theo đúng điều lệnh và các chỉ thị, quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam.

Hằng năm, Trung đoàn đều chọn xây dựng đơn vị điểm về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật; triển khai đồng bộ các biện pháp như duy trì nghiêm chế độ, nền nếp ngày, tuần; tăng cường giáo dục truyền thống, tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác cho mỗi quân nhân thông qua sinh hoạt tập thể, các hoạt động công tác Đoàn như sinh nhật đồng đội, tọa đàm thanh niên, thi tìm hiểu... Do vậy, những điểm tồn tại như Công văn số 3775/QH-ĐL của Cục Quân huấn nêu ra đã được đơn vị khắc phục từ nhiều năm nay.

----------

Thiếu tá PHẠM VĨNH TOẢN, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vệ binh - Kiểm soát quân sự, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội:

Giữ gìn lễ tiết, tác phong mọi lúc, mọi nơi

Chấp hành nghiêm lễ tiết, tác phong, kỷ luật theo Điều lệnh quản lý bộ đội là hoạt động thường xuyên, liên tục của mỗi quân nhân. Đó là quy định bắt buộc để giữ gìn hình ảnh quân nhân, phát huy truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta.

Trách nhiệm của mỗi quân nhân là phải thường xuyên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, kỷ luật Quân đội và giữ gìn lễ tiết, tác phong mọi lúc, mọi nơi, nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống, hình ảnh tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ; góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao kỷ cương, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Tuy nhiên, ở một số đơn vị vẫn còn hiện tượng chấp hành lễ tiết, tác phong quân nhân chưa nghiêm như Công văn số 3775/QH-ĐL đã chỉ ra.

Với chức năng, nhiệm vụ là kiểm soát, duy trì lễ tiết, tác phong quân nhân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, lực lượng Vệ binh-Kiểm soát quân sự của Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn tích cực, chủ động, khắc phục mọi khó khăn do thời tiết, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý nghiêm những trường hợp quân nhân vi phạm về lễ tiết, tác phong khi ra ngoài doanh trại.

Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng như: Mặc quân phục uống rượu, bia say; điều khiển phương tiện xe quân sự khi đã sử dụng rượu, bia, có nguy cơ gây mất an toàn giao thông, chúng tôi sẽ phối hợp cùng lực lượng công an và các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý, lập biên bản vụ việc, thông báo về đơn vị quản lý quân nhân để cùng phối hợp, xử lý theo quy định.

Các đồng chí quân nhân cần luôn ghi nhớ: Khi mặc quân phục ra ngoài đơn vị phải chỉnh tề, nghiêm túc, đủ quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, đúng cấp bậc quân hàm và phải mặc trang phục theo quy định của Bộ Quốc phòng. Các loại trang phục dành cho công tác chuyên môn nghiệp vụ chỉ được mặc trong khi làm nhiệm vụ. Sĩ quan và QNCN được mặc thường phục ngoài giờ làm việc; nữ quân nhân được mặc thường phục khi có thai. Khi mặc quân phục không la cà hàng quán, vỉa hè, tham gia uống rượu, bia nơi công cộng. Khi mặc quân phục tham gia giao thông bằng xe gắn máy thì phải đội mũ bảo hiểm có cằm, có tem đơn vị và họ tên quân nhân theo quy định của Bộ Quốc phòng.

----------

Thượng úy QNCN HỒ THỊ KHÔI AN, diễn viên Đội ca, Đoàn Văn công Quân khu 9:

Quân nhân phải chuẩn mực về tác phong

Lễ tiết, tác phong quân nhân gắn liền với chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị. Quân nhân có lễ tiết, tác phong chuẩn mực, từ lời nói đến mang mặc đúng quy định thể hiện sự chính quy, kỷ luật, hùng mạnh của Quân đội. Ngoài ra, tác phong chuẩn mực còn thể hiện nét đẹp văn hóa của người quân nhân cách mạng thời kỳ mới.

Do đó, trong môi trường làm việc chính quy, tính kỷ luật cao, bên cạnh sự nỗ lực trong công tác, mỗi quân nhân phải tích cực xây dựng giá trị, hình ảnh bản thân thông qua tác phong, lề lối làm việc, cách ứng xử văn minh, văn hóa với đồng đội và nhân dân; biết chào hỏi cấp trên đúng điều lệnh và chững chạc, khiêm nhường, mẫu mực trong giao tiếp với đồng đội. Đồng thời, phải tự giác chấp hành, thường xuyên rèn luyện tác phong chính quy, mẫu mực trong đi đứng, lời nói, việc làm, xem đây là việc làm thường xuyên, không thể xem nhẹ.

Theo tôi, quy định nữ quân nhân phải búi tóc bọc trong túi lưới, không được sơn móng chân, móng tay, nhuộm tóc (trừ nhuộm màu đen) không phải là vấn đề mới. Đối với chúng tôi, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng có lúc nghĩ mình cần phải làm đẹp, cũng muốn mình ưa nhìn trong mắt mọi người. Tuy nhiên, trước khi là nghệ sĩ, chúng tôi là chiến sĩ và Quân đội có kỷ luật riêng, kể cả nữ quân nhân cũng không ngoại lệ. Nét đẹp của mình trong mắt mọi người không chỉ bởi hình thức bên ngoài... mà còn nhiều cách để làm đẹp, từ tâm hồn, lời nói, phong thái tự tin và hành động, ứng xử văn minh, lịch sự. Theo tôi, điều này vừa bền vững, vừa đúng quy định và kỷ luật của Quân đội mà mỗi nữ quân nhân phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc.

----------

Trung úy PHẠM THANH LONG, Trung đội trưởng Trung đội Khói 5, Đại đội Tiêu tẩy - Khói 2, Tiểu đoàn Phòng hóa, Bộ Tham mưu Quân khu 3:

Tự giác chấp hành quy định về lễ tiết, tác phong

Duy trì nghiêm kỷ luật Quân đội, lễ tiết, tác phong quân nhân là hoạt động thường xuyên, liên tục, bởi đó là truyền thống của Quân đội ta, góp phần giữ gìn và tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tạo sự đoàn kết, thống nhất, chính quy, nâng cao kỷ cương, sức mạnh chiến đấu. Chúng ta thường thấy hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân phục chỉnh tề đi trên tàu, xe nhường chỗ cho người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, có con nhỏ; hỗ trợ, giúp đỡ người qua đường; bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân; khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý sự cố, cứu hộ, cứu nạn... được cán bộ, nhân dân tin yêu, mến phục.

Do đó, mỗi quân nhân cần phải tích cực tự học, tự rèn, nêu cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác chấp hành nghiêm các quy định về mang mặc, xưng hô, chào hỏi và chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ khi thực hiện các nhiệm vụ trong và ngoài đơn vị, đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ khi tiếp xúc với nhân dân.