Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024

 

Âm mưu thủ đoạn lợi dụng “Xã hội dân sự” để chống phá cách mạng Việt Nam

Mới đây trên trang mạng “Voatiengviet” phát tán bài viết: “Nhóm tư vấn Nội địa của Liên hiệp châu Âu (DAG  EU) bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và việc tiếp tục đàn áp xã hội dân sự ở đất nước Đông Nam Á, đồng thời nhóm này kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) nên thực hiện các biện pháp cần thiết để Việt Nam thực hiện đúng cam kết; Chỉ thị này thiết lập chính sách ngăn chặn việc hình thành các tổ chức chính trị độc lập, kiểm soát quyền tự do ngôn luận và kiểm soát việc phổ biến các thông tin chỉ trích đảng cầm quyền, phủ nhận quyền tự do hội họp, tăng cường giám sát công dân và kiểm soát các công đoàn độc lập của công nhân”….Phải khẳng định rằng, đây là những luận điệu phản động nhằm xuyên tạc  Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị, lợi dụng vấn đề “xã hội đân sự” chống phá cách mạng Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và thành tựu công cuộc đổi mới đất nước.

1. Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 13/7/2023 của Bộ Chính trị về bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, với mục đích là quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ ANQG là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt, xung kích; phải nhận thức rõ, bảo vệ ANQG là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Nhiệm vụ bảo vệ ANQG đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước, phối hợp đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và tham gia tích cực của Nhân dân…Tuy nhiên, một số tổ chức đã mượn danh “xã hội dân sự” nhằm làm phức tạp tình hình chính trị – xã hội, hướng đến mục tiêu thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam.

2. Thực tế cho thấy, ngay từ ý tưởng cho đến quá trình thành lập và hoạt động, do tính chất nhạy cảm về chính trị – xã hội, nhiều tổ chức đã trượt khỏi bản chất, hình ảnh tích cực của xã hội dân sự đích thực, trở thành công cụ để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá chế độ. Các tổ chức núp bóng “xã hội dân sự” này thường trá hình dưới danh nghĩa bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền”, nhằm hướng lái vào phê phán vai trò lãnh đạo của Đảng, họ cho rằng: chế độ độc đảng là “độc tài toàn trị”, là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, sai lầm, v.v. Các thế lực thù địch còn tìm cách thao túng, lôi kéo, chi phối tổ chức “xã hội dân sự” cho mục tiêu của mình. Nhìn chung, các hoạt động chống phá dựa trên công cụ là tổ chức “xã hội dân sự” trá hình mà họ thường sử dụng, tập trung vào các thủ đoạn chủ yếu sau: đề cao vai trò “phản biện xã hội” của các tổ chức giả danh “xã hội dân sự”, hướng lái hoạt động của các tổ chức này dần đối lập về tư tưởng chính trị với Nhà nước ta; thúc đẩy xu hướng thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp; lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để hướng lái các tổ chức “xã hội dân sự” vào các hoạt động trái với tôn chỉ, mục đích, vi phạm pháp luật; gia tăng các hoạt động móc nối, liên kết, hậu thuẫn cho những người “bất đồng chính kiến” trong nước hoạt động theo khuynh hướng “độc lập”, hình thành “xã hội dân sự” trái pháp luật, chống Nhà nước, tạo tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức chính trị đối lập, thiết lập chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nhằm tiến tới mục tiêu thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cùng với đó, họ mượn cớ “phản biện xã hội”, “kiểm soát quyền lực”, nhân danh “dân chủ”, “nhân quyền” để mị dân bằng các hoạt động xây dựng quan hệ thương mại và phát triển,… gây phương hại đến an ninh quốc gia.

Qua đây, mỗi người dân chúng ta càng nhận thấy rõ hơn bản chất và thủ đoạn của các đối tượng chống đối thế lực thù địch, nêu cao cảnh giác và kiên quyết lên án, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét