Tràn lan hình thức lừa đảo mùa bão

Bão số 3 (có tên gọi quốc tế Yagi), đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh thành miền Bắc Việt Nam. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến ngày 7 tháng 9 năm 2024, bão số 3 đã làm chết 23 người, bị thương 32 người, và làm bị ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 1 triệu người dân ở các tỉnh như Thái Nguyên, Yên Bái, và Quảng Ninh. Thiệt hại về tài sản ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng, bao gồm hư hỏng hệ thống điện, giao thông, và cơ sở hạ tầng cơ bản.

Các cơ quan chức năng đã ngay lập tức triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Theo báo cáo của Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, quân đội đã huy động hơn 450.000 người và hơn 10.000 phương tiện chuyên dụng như máy bay trực thăng để hỗ trợ công tác cứu hộ và cứu trợ. Cụ thể, các đội cứu hộ đã triển khai các chuyến bay cứu trợ lương thực và thuốc men đến các khu vực bị cô lập.

Một số thông tin giả gây hoang mang trên mạng. 

Lợi dụng tình hình thiên tai, nhiều fanpage giả mạo đã được lập ra để kêu gọi quyên góp từ thiện. Ngày 7 tháng 9 năm 2024, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đã cảnh báo về các fanpage giả mạo trên Facebook, mạo danh tổ chức để thu hút sự ủng hộ từ cộng đồng. Dù đã có nhiều báo cáo và tin tức trên báo chí, các trang giả mạo này vẫn tiếp tục tồn tại và lừa đảo người dùng bằng cách yêu cầu chuyển tiền từ thiện.

Ngày 11 tháng 9 năm 2024, một fanpage giả mạo khác đã giả danh Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), kêu gọi quyên góp để hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu. Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao, đã khẳng định thông tin trên fanpage là không chính xác và cảnh báo người dân không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân trên trang giả mạo này.

Trong bối cảnh mất điện và không có kết nối Internet ở các vùng bị bão lũ, thông tin giả mạo cũng đã lan truyền yêu cầu người dân gửi cú pháp đến số 191 để nhận dịch vụ Internet miễn phí từ Viettel. Viettel Telecom đã bác bỏ thông tin này, khẳng định rằng đây là tin giả nhằm lừa đảo người dùng.

Một số cá nhân đã bị lừa đảo khi chuyển hàng triệu đồng cho một người mua áo phao để gửi đến Tuyên Quang. Sau khi chuyển tiền, người này đã biến mất mà không giao hàng như cam kết. Đây là một ví dụ điển hình về việc lợi dụng tình hình thiên tai để chiếm đoạt tiền từ thiện.

Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu cho biết rằng các đối tượng lừa đảo đang sử dụng hình ảnh đáng thương được tạo ra bằng AI để lừa người dùng chuyển tiền từ thiện. Những hình ảnh này được thiết kế để tạo ra sự cảm thông giả tạo, từ đó khiến người dùng dễ dàng bị lừa đảo.

Mạng xã hội cũng lan truyền nhiều tin giả về tình hình thiệt hại cơ sở hạ tầng, như việc vỡ đê ở Yên Lập (Phú Thọ), vỡ thủy điện ở Bát Xát (Lào Cai), và các sự cố tương tự. Các cơ quan chức năng đã phát đi cảnh báo rằng các thông tin này là không đúng sự thật và yêu cầu người dân không tin theo.

Hãy tiếp nhận thông tin cẩn trọng và có trách nhiệm

Hệ lụy của việc phát tán thông tin sai sự thật trong thời gian bão số 3 là nghiêm trọng, các thông tin sai lệch làm gián đoạn quá trình phân phối hàng cứu trợ cho các khu vực thực sự cần giúp đỡ. Trước tình hình này, cần thiết phải có các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả. Trước tiên, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân về cách nhận diện và xử lý thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh đã triển khai các buổi tập huấn và cung cấp thông tin chính thống qua các kênh truyền thông chính thức.

 Trong thời gian bão số 3 xảy ra, nhiều cơ quan báo chí đã liên tục phát đi các cảnh báo về tin giả nhằm giúp người dân không bị hoang mang, ngăn chặn gián đoạn công tác cứu trợ và bảo vệ niềm tin của cộng đồng vào các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, cần thiết phải phối hợp chặt chẽ với các nền tảng mạng xã hội để gỡ bỏ thông tin sai lệch và xác minh các thông tin được đăng tải. Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Zalo thực hiện kiểm tra và xử lý các nội dung vi phạm.

Các cơ quan truyền thông chính thống cần duy trì sự chủ động trong việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về tình hình thiên tai và công tác ứng phó. Ví dụ, báo chí như Nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam có các cơ quan thường trú tại các địa phương đã liên tục cập nhật thông tin chính thống về tình hình thiên tai và công tác cứu trợ, giúp người dân có cái nhìn đúng đắn.

Trong thời điểm thiên tai như bão số 3 và mưa lũ lịch sử, việc thông tin sai lệch trên mạng xã hội là một thách thức lớn đối với công tác ứng phó và khắc phục hậu quả. Những thông tin không chính xác và thổi phồng không chỉ gây hoang mang cho người dân mà còn làm gián đoạn công tác cứu trợ, ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng vào các cơ quan chức năng. Do đó, việc kiểm chứng thông tin, tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm khắc các hành vi phát tán thông tin sai lệch là vô cùng cần thiết. Chỉ khi mọi người cùng nhìn về một hướng, cùng chung sức, đồng lòng, chúng ta mới có thể vượt qua được những khó khăn do thiên tai gây ra và xây dựng một xã hội vững mạnh, đoàn kết.

Mỗi chúng ta, nhất là các cán bộ, đảng viên, trước khi phát ngôn hoặc lan truyền thông tin, cần phải thận trọng và kiểm chứng kỹ lưỡng để đảm bảo thông tin được phát đi là chính xác và mang tính xây dựng. Chúng ta hãy cùng nhau hướng về miền Bắc, cùng đồng lòng và hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước.

Để không bị lợi dụng lừa đảo tiền từ thiện, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Đồng thời, người dân, cơ quan tổ chức cần đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để mọi người cùng nêu cao tinh thần cảnh giác. Việc phát hiện và báo cáo các trang mạo danh, lừa đảo cũng là một cách để góp phần bảo vệ cộng đồng./.

ST.