Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, không gian mạng trở thành môi trường quan trọng, làm thay đổi sâu sắc đời sống của con người trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, v.v. Lợi dụng môi trường này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch để chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội. Là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự của Quân đội và quốc gia, Học viện Chính trị xác định nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị nói chung và trên không gian mạng nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm không chỉ bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Học viện.
Theo đó, Học viện đã nghiên cứu, tổ chức lực lượng, phân công nhiệm vụ và triển khai các hình thức đấu tranh đa dạng, như: thiết lập các tài khoản đấu tranh trên Blog, Facebook, Youtube; mở chuyên mục đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên Website của Học viện và Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự; tham gia các chương trình nhận diện sự thật trên truyền hình Quốc phòng Việt Nam; viết bài đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài Quân đội. Hiện nay, Học viện duy trì hoạt động thường xuyên, có hiệu quả 06 loại hình đấu tranh, gồm: các blogspot và Website; các trang Fanpage; trên Youtube; trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình); chuyên sâu trên các báo, tạp chí; các đề tài khoa học và hoạt động giáo dục, đào tạo ở Học viện. Qua đánh giá, xếp loại của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, trong tổng số 10 blog đấu tranh hiệu quả nhất toàn quân, Học viện thường xuyên có từ 05 đến 06 blog. Nhờ đó, góp phần cùng toàn quân đấu tranh phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội.
Từ thực tiễn và kết quả đạt được, Học viện Chính trị rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Quán triệt Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Đề án “Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới”; Chỉ thị số 47/CT-CT, ngày 08/01/2016 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về tổ chức lực lượng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng trong Quân đội; đồng thời, bám sát thực tiễn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trước sự kiện quan trọng, vụ việc phức tạp, nhạy cảm,… kịp thời thông tin, định hướng tư tưởng cho cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ. Qua đó, để cán bộ, chiến sĩ nắm chắc về đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nêu cao tinh thần cảnh giác và ý thức tổ chức kỷ luật, “tự miễn dịch” trước hoạt động chống phá tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Đảng ủy Học viện thực hiện tốt việc tham mưu, xây dựng, ban hành đồng bộ hệ thống quy chế, quy định, chương trình hành động cụ thể; chủ động xây dựng, tổ chức lực lượng để hoạt động đấu tranh trên không gian mạng có nền nếp, bảo đảm bí mật, rộng khắp, thống nhất, chặt chẽ và hiệu quả. Thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc tình hình, cung cấp thông tin, “chỉ thị mục tiêu” và định hướng để đấu tranh kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Nghị quyết, kết luận lãnh đạo thường kỳ của các cấp ủy, tổ chức đảng đều có nội dung, biện pháp lãnh đạo đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng, gắn với thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm tính nhạy bén, sáng tạo, nhưng phải chấp hành nghiêm quy định bảo vệ chính trị nội bộ, không để lọt, lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, ngăn chặn kịp thời các tài liệu phản động, văn hóa phẩm xấu độc thâm nhập vào nội bộ. Thường xuyên quản lý chặt chẽ cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ khi sử dụng internet và tham gia mạng xã hội; kịp thời chấn chỉnh các trường hợp chưa chuẩn mực trên mạng xã hội, bảo đảm hoạt động đấu tranh luôn đúng định hướng.
Hai là, tổ chức lực lượng đấu tranh chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, hình thức, phương pháp đấu tranh. Học viện đã tổ chức lực lượng đấu tranh rộng rãi, có chiều sâu, khai thác tối đa khả năng, nguồn lực hiện có; trong đó, xác định những giảng viên, cán bộ nghiên cứu có trình độ lý luận, có kinh nghiệm là lực lượng nòng cốt để nhận diện âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và tham gia viết các chuyên đề, bài viết đấu tranh chuyên sâu với lập luận sắc bén, có tính thuyết phục, tính đấu tranh cao. Các cơ quan, đơn vị phân công lực lượng phù hợp, tổ chức chặt chẽ, tạo ra lực lượng đấu tranh đông đảo, hoạt động liên tục, hiệu quả; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng năng lực, hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ đấu tranh và rút kinh nghiệm hoạt động. Ngoài ra, Học viện còn động viên, khuyến khích cán bộ, các nhà nghiên cứu của Học viện và toàn quân viết, đăng tải các bài chuyên sâu để phản bác quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng.
Thực hiện phương châm: kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chủ đạo, Học viện chú trọng tuyên truyền thành tựu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Quân đội và thông tin tích cực để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội. Thiết lập nhóm đấu tranh trên ứng dụng Mocha 35 để chỉ đạo, điều hành, bảo đảm khẩn trương, thống nhất; hình thức đấu tranh trên Facebook, trang Fanpage, kênh Youtube từng bước được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với ngôn ngữ tiếng Việt, Học viện còn sử dụng: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc; xây dựng các video clip đấu tranh bằng phần mềm I-studio; tham gia xây dựng Ngân hàng dữ liệu số, phục vụ hoạt động của lực lượng nòng cốt trong toàn quân. Nhờ đó, những bài viết đăng tải trên các tài khoản Facebook của Học viện thường xuyên được tiếp cận, tương tác, chia sẻ, lan tỏa với hàng trăm nghìn lượt người theo dõi, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh trên mặt trận quan trọng này.
Ba là, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng với hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đây là giải pháp hết sức quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ trang bị, bồi dưỡng cho các đối tượng học viên có nền tảng tri thức, lý luận chính trị vững chắc, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng, cảnh giác cách mạng, nhạy bén, nhận diện đúng, kịp thời âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; có khả năng nghiên cứu, vận dụng lý luận vào thực tiễn, xây dựng luận cứ khoa học, hình thành kỹ năng chỉ đạo, tổ chức thực hiện đấu tranh trên cương vị, chức trách theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Do vậy, Học viện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các khoa giáo viên lựa chọn nội dung, bổ sung nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch vào trong giảng dạy. Trong biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học cho các đối tượng và các chuyên đề đều được cập nhật, bổ sung những nội dung đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch có liên quan trực tiếp đến bài giảng; nhiều bài giảng chuyên sâu đã gắn sát với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cung cấp các thông tin, luận cứ khoa học cụ thể cho học viên.
Cùng với đó, Học viện đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát hiện những vấn đề mới trong thực tiễn đấu tranh, cập nhật bổ sung kịp thời vào quá trình giáo dục, đào tạo, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Hằng năm, Học viện xây dựng, ban hành định mức cụ thể số lượng bài viết cho từng cơ quan, đơn vị, nhất là những cơ quan, khoa giáo viên có thế mạnh, có lực lượng nhà khoa học đông đảo (định lượng là 15h/người/năm học). Đồng thời, duy trì nghiêm nền nếp hoạt động thông tin khoa học quân sự, tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm, trao đổi và triển khai nghiên cứu các công trình khoa học có liên quan trực tiếp tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; thực hiện tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị và cá nhân tích cực tham gia đấu tranh. Từng bước tiếp nhận, tích cực khai thác, phát huy tính năng, tác dụng của hệ thống trang bị kỹ thuật và các giải pháp kỹ thuật, các phần mền chuyên dụng,... để đấu tranh đạt hiệu quả thiết thực. Qua đó, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí bảo đảm an toàn, góp phần quản lý tư tưởng, dư luận và hoạt động trên internet, mạng xã hội của cán bộ, giảng viên, nhân viên, chiến sĩ.
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “phi chính trị hóa” Quân đội với âm mưu, thủ đoạn ngày càng công khai, trực diện hơn. Phát huy kết quả thời gian qua, Học viện Chính trị tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội, xứng đáng vị thế trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự hàng đầu của Quân đội và quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét