Căn bệnh “né” trách nhiệm cần được chữa trị
Một trong những căn bệnh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức tồn tại lâu nay là bệnh né tránh trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Mặc dù đã
được nhận diện và chỉ rõ là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng
chính trị theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng, thế nhưng cho đến
nay, căn bệnh này vẫn chưa được điều trị hiệu quả. Tác hại của căn bệnh này là
rất lớn, đòi hỏi phải có phương thuốc đặc trị.
“Trách nhiệm” là gì mà người ta sợ và muốn né tránh đến vậy?
Theo Từ điển tiếng Việt, từ “trách nhiệm” có nghĩa là “Điều phải làm, phải gánh
vác hoặc phải nhận lấy về mình”; “là phần việc được giao cho hoặc coi như được
giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần
hậu quả”. Trong xã hội, bất kỳ ai cũng có trách nhiệm, bởi mỗi người đều có một
vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội, như gia đình, dòng họ, địa
phương, tập thể, tổ chức chính trị-xã hội, công dân của một nước, thành viên
của cộng đồng dân tộc và rộng nhất là của nhân loại… Trong đó, trách nhiệm công
vụ có thể coi là hạt nhân tiêu biểu trong tập hợp các trách nhiệm. Đó là vì,
suy cho cùng, trách nhiệm ấy là nhiệm vụ mà đất nước giao cho cá nhân cán bộ,
công chức, viên chức theo chức trách được phân công. Trách nhiệm công vụ đòi
hỏi cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nhiệm vụ được giao đến cùng,
không thể thoái thác hoặc trao lại cho ai khác, buộc người cán bộ, công chức,
viên chức phải gắn mình với thực hiện công vụ cho đến khi có kết quả. Vì thế,
khi đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, cụm từ “làm tròn nhiệm vụ”, “hoàn
thành nhiệm vụ”, “hoàn thành tốt nhiệm vụ” thường được dùng để nói về việc đã
thực hiện đúng, đủ, tốt nhiệm vụ theo chức trách được phân công.
Trong Bộ luật Hình sự có quy định tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu
quả nghiêm trọng”. Vừa qua, có rất nhiều vụ án lớn, khiến Nhà nước bị thất
thoát hàng nghìn tỷ đồng, mà trong đó rất nhiều người giữ các trọng trách đã bị
kết án vì tội này. Ví dụ như, vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát
hơn 15.000 tỷ đồng khiến ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam cùng 4 cán bộ dưới quyền bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm
gây hậu quả nghiêm trọng”. Tương tự, bản án dành cho hai vị từng giữ chức vụ
Thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân cũng vì “Thiếu trách
nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tội “thiếu trách nhiệm” ở những trường hợp này
được hiểu là làm không hết trách nhiệm, quản lý kém, thiếu kiểm tra, không phát
hiện để cấp dưới sai phạm pháp luật gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tất
nhiên là nguyên nhân sâu xa của việc thiếu trách nhiệm trong từng trường hợp cụ
thể là rất khác nhau. Nhưng có thể thấy trong khi nền kinh tế đang mở rộng quy
mô, vốn và tài sản ngày càng nhiều thì những cán bộ ở vị trí quản lý càng cao
mà thiếu trách nhiệm thì hậu quả rất khủng khiếp.
Thế nhưng, bệnh né tránh trách nhiệm, lẩn tránh nhiệm vụ cũng
gây ra hậu quả, thiệt hại không kém. Đến mức tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ
với các địa phương để đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ
6 tháng cuối năm 2019 vừa được tổ chức thì căn bệnh né tránh trách nhiệm được
chỉ đích danh là một trong những trở lực của phát triển, gây lãng phí lớn, thậm
chí gây mất niềm tin. Cách đây đúng một năm, tại hội nghị đánh giá tình hình 6
tháng đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phê phán một bộ phận cán
bộ mắc căn bệnh này, rằng: “Cứ ngại trách nhiệm, cứ sợ trách nhiệm, cứ né tránh
trách nhiệm… thì làm sao xã hội phát triển, đất nước phát triển được? Trong khi
quyền lực đó, trách nhiệm đó thuộc về các đồng chí-những người thực thi”.
“Sợ trách nhiệm” và “né trách nhiệm” để chỉ những người được
giao nhiệm vụ công nhưng đã không làm tròn nhiệm vụ, thậm chí thoái thác nhiệm
vụ, lẩn tránh nhiệm vụ theo chức trách của mình. Tại sao người ta lại “né”
quyền lực và trách nhiệm mà tổ chức đã trao cho mình? Đó có thể là vì người ta
cho rằng việc thực thi những nhiệm vụ đó khá “xương”, không có lợi cho bản
thân, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều này giải thích vì sao mà việc tiếp công dân đã
được quy định rất cụ thể trong Luật Tiếp công dân, đó là người đứng đầu Thanh
tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, UBND cấp tỉnh, huyện, xã theo định kỳ hằng
tháng, hằng tuần phải trực tiếp tiếp công dân. Thế nhưng, quy định này ở nhiều
nơi vẫn chưa được thực hiện tốt. Có thể là vì việc ra mặt tiếp công dân buộc
người đứng đầu các cơ quan phải phát ngôn trực tiếp, phải xử lý trực tiếp, mà
trong đó có những việc khó, việc nhạy cảm. Do đó, việc tiếp công dân thường
được đùn đẩy, giao cho các cấp dưới. Thế rồi quy định về phát ngôn, cung cấp
thông tin cho báo chí cũng đã có từ lâu, nhưng có lẽ vì sợ “vạ miệng” nên trong
rất nhiều trường hợp, người được giao nhiệm vụ phát ngôn cáo bận, đi công tác,
họp hành hoặc trong tình trạng điện thoại không liên lạc được…. Chính điều này
góp phần làm cho nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân chậm được xử lý,
không được xử lý dứt điểm, gây bức xúc. Những việc cần sớm được cung cấp thông
tin để định hướng dư luận thì không có ai phát ngôn, gây ra nhiều lo lắng, rồi
những tin đồn, những thông tin xuyên tạc có cơ hội xuất hiện.
Biểu hiện “né” trách nhiệm cao độ là trong thời gian qua, rất
nhiều việc đáng lẽ phải được giải quyết ở cấp dưới, ở cấp cơ sở, nhưng vì cấp
dưới, cấp cơ sở không giải quyết, mà cứ dồn dần lên cấp trên, nên cuối cùng rất
nhiều nhiệm vụ lên đến tận cấp quản lý hành chính cao nhất là Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ. Điều này rõ ràng làm giảm hiệu quả quản trị của cả hệ thống,
gây dồn ứ nhiệm vụ. Nhiều cấp có thể ra quyết định quản lý theo đúng thẩm quyền
thì lại có xu hướng trở thành cấp trung gian, trung chuyển trách nhiệm, và cả
hệ thống phải chờ cấp cao nhất ra quyết định quản lý thì mới thực thi được.
Nhiều việc vì thế chậm được giải quyết. Xu hướng “dồn việc lên trên” này xuất
hiện cả trên bình diện quốc gia và trong mỗi cơ quan, bộ, ngành, địa phương.
Đẩy lên cấp trên hoặc đẩy cho bộ phận khác là phương án rất dễ, nhiệm vụ coi
như không liên quan gì nữa tới mình, nhưng việc thì vẫn còn nguyên.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang bước vào cuộc cạnh tranh toàn
cầu rất quyết liệt, mà trong đó hiệu quả quản trị công được coi là một trong những
yếu tố quyết định thắng lợi trong cạnh tranh. Thời gian tạo ra chi phí rất lớn,
đó chính là chi phí vốn, chi phí lãi suất, bởi với các khoản vay nước ngoài lên
đến hàng triệu, hàng tỷ USD thì lãi suất lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.
Dự án bị đình trệ, chậm tiến độ là “lãi mẹ đẻ lãi con”. Và còn lớn hơn nữa là
mất cơ hội. Ví dụ như, hiện có 3 dự án nhiệt điện than của Tập đoàn Dầu khí
Việt Nam (PVN) đang gặp rất nhiều khó khăn gây ra chậm tiến độ, rất cần có các
cơ chế đặc thù để xử lý, vì mỗi ngày trôi qua là rất nhiều tiền của bị lãng
phí, cơ hội phát triển bị mất đi, rất xót xa. Thế nhưng, lãnh đạo bộ, ngành nào
sẽ dũng cảm, sẽ vì cái chung, dám đứng ra tham mưu chính sách, quyết liệt hỗ
trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án nhiệt điện than đó?
Trong các nền quản trị tiên tiến trên thế giới, nhiệm vụ được
phân công, được giao tương đối rõ ràng, có các bản mô tả công việc của từng vị
trí trong hệ thống, có các quy trình làm việc chặt chẽ và cả hệ thống cứ vận
hành trơn tru theo các quy trình đó. Trong đó, vai trò của từng chuyên viên rất
được đề cao. Thậm chí, ở một số quốc gia có đặc điểm là chính phủ được thay đổi
khá thường xuyên nhưng mọi thứ vẫn vận hành trơn tru, vì có hệ thống bên dưới
rất tốt, với đội ngũ chuyên viên thạo việc, làm đúng chức trách của mình. Một
hệ thống quản trị mà trong đó mọi quy định đều rõ ràng, trách nhiệm rõ ràng,
quy trình nghiêm ngặt, ai cũng làm việc hết trách nhiệm thì đó sẽ là một hệ
thống mạnh.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, mọi thứ ở xung quanh chúng
ta luôn luôn vận động, có những điều luật hôm nay là đúng nhưng ngày mai không
còn phù hợp, có những quy trình trong quá khứ là được nhưng hiện tại cần phải
thay đổi. Quá trình cải cách thể chế, cải cách hành chính quyết liệt của nước
ta hiện nay cũng là để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Vì
thế, người cán bộ, công chức, viên chức luôn phải lắng nghe cuộc sống, nắm bắt
cuộc sống, trên tinh thần phục vụ nhân dân tốt nhất, chứ không phải cứ việc
mình mình làm, “nhắm mắt, bịt tai”, tuân thủ đúng quy trình, đúng nhiệm vụ được
giao, không cần quan tâm đến hiệu quả và hậu quả của việc ấy. Nếu cứ làm đúng
quy trình, quy định, bất chấp kết quả thì đúng là người cán bộ, đảng viên, công
chức, viên chức sẽ tránh được những rắc rối cho bản thân, để được yên thân, mặc
dù kết quả chung có thể không tốt. Nhưng nếu như thế, hệ thống của chúng ta rất
dễ rơi vào trạng thái vô cảm. Một người bác sĩ cần phải cảm nhận được nỗi đau
của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, từ đó mới đưa ra được phương án điều trị
đúng nhất. Chúng ta cần khuyến khích mỗi người trong đội ngũ cán bộ, đảng viên,
chúng ta cần phải luôn luôn mở rộng giác quan để vui khi nhiệm vụ, chức trách
của mình được hoàn thành tốt, và phải đau khi nhiệm vụ giao cho mình không được
làm tốt, hoặc những việc không hẳn được giao cho mình nhưng mình nhìn thấy chưa
được giải quyết tốt. Nỗi đau này còn phải vượt lên sự lo lắng cho tồn tại của
bản thân trong hệ thống, vì nó xuất phát từ lương tâm, là danh dự với công
việc, là lý tưởng, là lẽ sống của mỗi cán bộ, đảng viên.
Nếu xây dựng được tâm thế ấy thì với mỗi việc khó, mỗi con người
trong hệ thống chúng ta sẽ không tìm cách “đá” sang cho người khác, cho cấp
trên mà sẽ cùng suy nghĩ, tham mưu hướng giải quyết, xây dựng chính sách, các
quy định, các điều luật mới cho phù hợp. Việc gì thuộc cấp nào quản lý thì cấp
đó phải quyết định, không được đẩy lên cấp trên. Tinh thần “dám nghĩ, dám làm,
dám chịu trách nhiệm” vì cái chung của đồng chí Kim Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy
Vĩnh Phú, “cha đẻ” của “khoán mười” tháo gỡ nút thắt về cơ chế, chính sách, tạo
sự phát triển cho nông nghiệp Việt Nam thời kỳ đổi mới cần phải là tấm gương
cho các cán bộ, đảng viên hiện nay.
Cùng với đó, để khuyến khích tinh thần tự giác, dám đương đầu
với khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì cách đánh giá cán bộ
cũng cần được nghiên cứu phù hợp; xóa tư tưởng “an phận thủ thường” vì “làm
nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” trong một bộ phận cán bộ,
đảng viên, công chức, viên chức hiện nay. Cách đánh giá cần phải giúp cho cán
bộ, đảng viên vững tâm rằng nếu mình hành động vì lợi ích chung, vì cái chung
thì sẽ được nhìn nhận đúng, sẽ không gặp rắc rối. Còn nếu “làm ít” hoặc “không
làm” cũng chẳng khác nào đang làm sai, bởi vì gây ra hậu quả rất tiêu cực, rất nghiêm
trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét