CNTB với tư cách là phương thức sản xuất được hình thành và thay thế phương thức sản xuất phong kiến trong lịch sử, là chế độ kinh tế - xã hội tiến bộ hơn nhiều so với các chế độ kinh tế - xã hội trước đó khi đã vận dụng hiệu quả quy luật của kinh tế thị trường, sau khi ra đời chưa đầy một thế kỷ đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại.
Trong lịch sử ra đời và tồn tại hơn 300 năm, CNTB đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ CNTB tự do cạnh tranh đến CNTB độc quyền, CNTB độc quyền nhà nước và ngày nay là CNTB hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa. Mặc dù CNTB là chế độ ưu việt hơn so với các chế độ trước đó, có vai trò lớn trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng, song xét về bản chất đây vẫn là chế độ bất công bởi những tiến bộ về kinh tế chủ yếu được sử dụng nhằm phục vụ cho lợi ích giai cấp tư sản, do đó CNTB càng phát triển thì các mâu thuẫn nội tại của nó càng sâu sắc. CNTB hiện đại ở một số nước có những thành tựu vượt bậc và điều chỉnh nhiều mặt nhưng về bản chất, mục đích không thay đổi. Sự điều chỉnh ấy là có giới hạn và mục đích thực chất của việc điều chỉnh là xoa dịu mâu thuẫn, vì lợi ích của giai cấp tư sản cầm quyền.
Biểu hiện rõ nhất trong chế độ TBCN là sự bất bình đẳng trong quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất, khi một bộ phận số ít trong xã hội nắm trong tay những tư liệu sản xuất chủ yếu thì đại bộ phận giai tầng trong xã hội đó dường như không có hoặc có rất ít tư liệu sản xuất. Hay sự phân cực ngày càng rõ nét trong sở hữu tài sản cho thấy sự bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng ở trong lòng nội tại các nước tư bản mà còn trên phạm vi thế giới. Khoảng cách về thu nhập giữa các nước tư bản phát triển và các nước đang phát triển năm 1960 là 30 lần thì hiện nay là 70 lần và giá trị tài sản của các tỷ phú trên thế giới đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Xét về phạm vi thế giới, tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc khiến các nước nghèo ngày càng nghèo hơn, các nước giàu ngày càng giàu hơn. Theo đó, tài sản của 1% người giàu nhất cao hơn 74 lần so với 50% người nghèo nhất.
Chênh lệch về thu nhập, mức sống, tài sản giữa người giàu và người nghèo trong thế giới tư bản rất lớn, xu hướng ngày càng gia tăng. Theo đó, trong một báo cáo của Oxfam, từ năm 2020, nhóm 1% những người giàu nhất đang nắm giữ gần 2/3 số tài sản mới của nhân loại, trị giá 42.000 tỷ USD, gần gấp đôi số tài sản của 99% nhóm dân số còn lại. Riêng trong 2 năm đầu của đại dịch COVID-19, tài sản của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi từ 700 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD; trong khi thu nhập của 99% nhân loại giảm xuống và thế giới có thêm hơn 160 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Riêng tại Mỹ, số tỷ phú ngày càng nhiều và giá trị tài sản của họ tăng khoảng 30% kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch COVID-19 và tăng gần 90% trong thập niên qua. Trong khi đó, khoảng 30% lực lượng lao động Mỹ kiếm được chưa đến 15 USD/giờ. Thực tế các con số này là minh chứng rõ nhất sự bất bình đẳng tại Mỹ cũng như giữa các quốc gia trong những thập niên gần đây. Vì thế, chính CNTB là một nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các quốc gia - dân tộc, là một nhân tố làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Hiện nay, khi nhân loại sản xuất ra được khối lượng của cải vật chất khổng lồ, có thể bảo đảm dôi dư lương thực, thực phẩm cho toàn bộ dân số thế giới, nhưng vẫn còn khoảng 900 triệu người nghèo đói, không đủ ăn. Trong khi đó, ngoại trừ vài trường hợp của các quốc gia công nghiệp hóa mới (NICs), tuyệt đại đa số quốc gia đang phát triển vẫn đang loay hoay tìm cách thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình; tuổi thọ bình quân của người dân các nước công nghiệp phát triển hiện nay cao hơn 32 năm so với người dân các nước châu Phi (Nam Sahara).
Không những vậy, CNTB ngày nay ngày càng bộc lộ bản chất cực đoan, hiếu chiến. Lịch sử cho thấy, CNTB chỉ vì lợi nhuận mà đã sử dụng mọi thủ đoạn để tranh giành thị trường, thuộc địa và phạm vi ảnh hưởng, kể cả phải dùng đến bạo lực để độc chiếm lợi nhuận một cách tối đa. Nhân loại chứng kiến các cuộc xâm lược, đàn áp, nô dịch của chủ nghĩa thực dân, đế quốc - sản phẩm của CNTB đối với các quốc gia - dân tộc khác, biến các nước có chủ quyền thành thuộc địa hoặc nửa thuộc địa. Hơn bất kỳ các quốc gia – dân tộc trên thế giới, chính dân tộc Việt Nam đã kinh qua sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Hai cuộc chiến tranh thế giới và hàng trăm cuộc xung đột, chiến tranh, chạy đua vũ trang đều có sự góp mặt của CNTB. Ngày nay, trong thế giới tư bản vừa cạnh tranh, vừa liên kết, trong đó thành lập các liên minh bất chấp luật pháp quốc tế sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự để buộc các quốc gia phải lệ thuộc, đe dọa quyền tự quyết của các dân tộc.
Những dẫn chứng trên cho thấy, CNTB không thể và không phải là tương lai của nhân loại mà “XHCN là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hoà với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm” như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, mọi quan điểm cổ xúy, tán dương, tuyệt đối hóa CNTB và phỉ báng CNXH là sai lầm, cực đoan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét