Chủ nghĩa Mác - Lênin bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam
Mới đây, Nguyễn Đình Cống đã phát tán trên mạng xã hội bài viết:
“Phải chăng Chủ nghĩa Mác Lê góp phần làm hủy hoại văn hóa dân tộc” với luận
điệu cho rằng: “nền văn hóa của dân tộc Việt Nam được hình thành, truyền lại
qua mấy ngàn năm bỗng chốc bị hủy hoại trong vài chục năm gần đây do việc Đảng
Cộng sản Việt Nam kiên trì thực hành Chủ nghĩa Mác Lê”. Đây là luận điệu hết
sức sai trái, phản động hòng xuyên tạc, phủ nhận đường lối văn hóa của Đảng
Cộng sản Việt Nam qua đó nhằm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên,
lịch sử và thực tiễn Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu của y, bởi lẽ:
Một là, chủ nghĩa Mác – Lênin đã khơi dậy và
phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc,
thống nhất đất nước.
Đầu thế kỷ XX, tình hình chính trị, xã hội nước ta có nhiều diễn
biến phức tạp. Trên lĩnh vực văn hóa, nhiều xu hướng khác nhau đang chi phối
đời sống tinh thần của dân tộc. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp; văn hóa
Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng tai hại làm cho nó bị nô dịch và chia rẽ, phát
triển không đều; thiếu hẳn tinh thần độc lập, tự do và dân tộc thống nhất. Đảng
Cộng sản Việt Nam được thành lập (03/2/1930) với chủ nghĩa Mác -Lênin “làm cốt”
đã xác định vai trò của văn hóa như là một bộ phận của cuộc cách mạng xã hội,
là công cụ chuyển tải những tư tưởng cách mạng đến với quần chúng. Vận dụng
sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin vào tình hình thực tiễn Việt Nam,
Đảng đã xây dựng và thông qua “Đề cương văn hóa Việt Nam”. Với Đề cương
văn hóa Việt Nam, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra một cương lĩnh văn hóa, mà ở đó
nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn
hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nội dung của bản Đề
cương văn hóa Việt Nam thể hiện tinh thần mang tính quy luật của sự kế
thừa, giữ gìn, phát huy, phát triển những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong
dòng chảy văn hóa Việt Nam.
Được chủ nghĩa Mác – Lênin dẫn đường, trước vận mệnh quốc gia
dân tộc, văn hóa Việt Nam đã khơi dậy và phát huy giá trị giàu bản sắc, tinh
thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường của con người Việt Nam, của một
dân tộc nhỏ bé trước những tên đế quốc sừng sỏ nhất, hiếu chiến nhất để bảo vệ
nền độc lập dân tộc. Sức mạnh văn hóa Việt Nam – sức mạnh vũ khí tinh thần của
dân tộc – trở thành sức mạnh vật chất vô cùng to lớn; chứng minh một chân lý
“văn hóa còn, dân tộc còn” và điều này kẻ thù đã phải ngỡ ngàng và nhận ra
rằng: thua Việt Nam vì chưa hiểu văn hóa Việt Nam.
Hai là, lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về
văn hóa đang tiếp tục soi rọi cho quá trình chấn hưng, xây dựng, phát triển văn
hóa, phát huy sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới.
Giá trị lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về văn hóa không chỉ
được khẳng định bằng việc trong khơi dậy và phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam
trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà còn tiếp tục
soi rọi cho quá trình chấn hưng, xây dựng, phát triển văn hóa nước ta trong
thời kỳ mới. Đó là sự kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của
nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc
tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam
trong quá trình hội nhập quốc tế. Lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về văn hóa
được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong xây dựng nền văn hóa
Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trước bối cảnh của toàn cầu hóa và
sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta
là rất vẻ vang, song đầy khó khăn thử thách, với sự kiên định và không ngừng
vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù
hợp với thực tiễn Việt Nam đã góp phần làm cho “Nhận thức về văn hóa, xã hội,
con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn”[1]. Văn hóa Việt Nam đã lan tỏa, thẩm thấu vào mọi thành phần kinh
tế, chính trị, xã hội, phát huy sức mạnh nội sinh và đã trở thành nguồn lực,
tài sản to lớn đưa đất nước chuyển mình phát triển bền vững, phồn vinh, dân
chủ, công bằng, văn minh, con người được tự do, ấm no, hạnh phúc. Văn hóa trở
thành “nền tảng tinh thần” và là sức mạnh nội sinh quan trọng để toàn dân tộc
Việt Nam tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu
đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào
giữa thế kỷ XXI.
Việc Nguyễn Đình Cống cố tình xuyên tạc, phủ nhận những giá trị
lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về văn hóa, qua đó ngầm ý phủ nhận đường lối
văn hóa nói riêng, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung là đi
ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc, nguyện vọng chính đáng của nhân
dân. Do đó, chúng ta cần nêu cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét