Chủ trương, kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa của Đảng và Nhà nước đã được
Quân đội nhân dân Việt Nam vận dụng sáng tạo, linh hoạt. Nhiều năm qua, toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân đã triển khai xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân
gắn với thế trận an ninh nhân dân ở từng khu vực và trên địa bàn cả nước; thực
hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng,
an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Đảng, Nhà nước, Quân đội tích cực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở mang
tính lưỡng dụng đáp ứng kịp thời cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh,
đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới.
Công tác
phối hợp giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân được tiến hành nghiêm túc,
chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến đơn vị cơ sở. Các đơn vị Quân đội, Công
an đã chủ động phối hợp để tham mưu với Đảng, Nhà nước giải quyết nhiều vụ việc
phức tạp về an ninh, trật tự, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Cùng với
thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân
được xây dựng thông qua việc củng cố vững chắc hệ thống chính trị để làm hạt nhân
lãnh đạo, quản lý, tập hợp và huy động sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp quốc
phòng; xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng góp
phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương, giữ vững ổn định chính trị, trật tự,
an toàn xã hội. Ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp củng cố quốc
phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được nâng cao. Nhân dân đồng thuận, tin tưởng,
đoàn kết và không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng, bảo vệ Tổ
quốc.
Đáng chú ý,
cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại
quốc phòng - an ninh tiếp tục khẳng định là kênh quan trọng đóng góp vào quá
trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ
sở luật pháp quốc tế, góp phần trực tiếp xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao
vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam đã
có quan hệ, hợp tác về quốc phòng, an ninh với các đối tác chủ chốt, phù hợp
với các quan hệ song phương theo các khuôn khổ của đối tác chiến lược toàn
diện, đối tác chiến lược và đối tác hợp tác toàn diện, tập trung vào những lĩnh
vực phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh
không ngừng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực quốc phòng, quân sự, kinh tế, khoa
học và công nghệ, phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Hiện nay, Việt Nam đã
thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế; có 50 nước
đặt tùy viên quân sự tại Việt Nam. Quân đội đã cử cán bộ, sỹ quan tham gia Phái
bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan và
sắp tới tiếp tục cử thêm sĩ quan thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh hợp tác quốc
phòng song phương, Việt Nam còn tham gia nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng
đa phương của ASEAN và một số diễn đàn đa phương khác, trong đó có Hội nghị
thượng đỉnh an ninh châu Á, Diễn đàn Hương Sơn...
Có thể
thấy, bảo vệ Tổ quốc từ xa là kế sách lớn, là chiến lược giữ nước ngày nay.
Việc quán triệt và thực hành tốt kế sách giữ nước trong thời bình là một nhiệm
vụ chính trị đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Như
khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy
Trung ương: "Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền,
quyền chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà
nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng lực lượng vũ trang cách
mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ
chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân
tố bất lợi, nhất là những nhân tố có thể gây đột biến; đấu tranh làm thất bại
mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét