Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Chuyển đổi số phải thực sự là một cuộc cách mạng đưa đất nước vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới...

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các thành tựu về công nghệ chuyển đổi số của tập đoàn VNPT, ngày 27/4/2023. (Ảnh: TTXVN)

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các thành tựu về công nghệ chuyển đổi số của tập đoàn VNPT, ngày 27/4/2023. (Ảnh: TTXVN)

1. Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết quan trọng: “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thể hiện những quan điểm rất mới, có tính lý luận cao về vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời, quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.

Cả trong lý luận và thực tiễn đều chứng minh những quan điểm trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là hoàn toàn đúng đắn, có tầm nhìn vượt trước, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư.

Thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi căn bản mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó tư liệu sản xuất chuyển mạnh từ hữu hình sang vô hình là tri thức của loài người, là trí tuệ của con người, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), thông tin, dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây; là công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ kỹ thuật số, bằng sáng chế, phát minh, giải pháp công nghệ, bản quyền, thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, lợi thế thương mại, uy tín trên thương trường... Tư liệu sản xuất vô hình ngày càng chiếm vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế tri thức, kinh tế số. Điều này chính là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội phát triển, là cơ sở để chuyển mạnh sang sản xuất theo chiều sâu, tăng năng suất của các yếu tố tổng hợp (TFP), tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Vì vậy, phải coi phát triển khoa học - công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu; là động lực then chốt cho phát triển; phải chuyển mạnh từ áp dụng, “bắt chước” công nghệ sẵn có sang đổi mới sáng tạo công nghệ, phát triển công nghệ mới, tiên tiến hiện đại - coi đó là một đột phá chiến lược. Đồng thời phải có công nghệ Việt Nam (Made by Vietnam) để tạo ra hàng hóa Việt Nam, làm cho Việt Nam phát triển hùng cường. Lấy mục tiêu giải phóng sức sản xuất xã hội, phát triển lực lượng sản xuất xã hội; lấy mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm; lấy mục tiêu vì con người phát triển tự do, toàn diện, hạnh phúc... làm tiêu chuẩn cho sự tồn tại, phát triển công nghệ nào.

Để đạt được những điều nêu trên, chủ thể kinh tế phải hết sức quan tâm công nghệ nào đem lại sự gia tăng giá trị cao nhất (ngày nay là tri thức, là trí tuệ con người, là trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, thông tin-dữ liệu lớn, điện toán đám mây, là công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ kỹ thuật số…) và làm thế nào, với phương thức nào để công nghệ đó mang lại giá trị gia tăng cao nhất, vì vậy phải hợp lý hóa, tối ưu hóa việc tổ chức và quản lý quá trình sản xuất - kinh doanh… để có hiệu quả kinh tế cao. Điều này càng minh chứng cho quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài viết là hoàn toàn đúng đắn: “Trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới viễn thông và internet băng thông rộng phủ sóng rộng khắp cả nước, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng chỉ rõ: Dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta nhận thức rõ rằng, trong mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất thì lực lượng sản xuất đóng vai trò quyết định sự phát triển của quan hệ sản xuất, quan hệ sản xuất phải không ngừng được điều chỉnh để phù hợp với trình độ ngày càng cao của lực lượng sản xuất. Khi quan hệ sản xuất không theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất, nó sẽ trở thành lực cản, kìm hãm sự phát triển tiến bộ của toàn bộ phương thức sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước”. Lực lượng sản xuất hiện đại trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ thì tất yếu kéo theo sự phát triển tương ứng của quan hệ sản xuất, theo đúng quy luật cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin: quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất.

Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Sự thay đổi trong quan hệ sản xuất sẽ tác động mạnh đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa Nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội. Quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ, có tính đến mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất hiện đại, vừa bảo đảm bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời đại mớiĐiều này hoàn toàn phù hợp quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng trong điều kiện chuyển đổi số.

Những quan điểm mới trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hoàn toàn phù hợp với lý luận về hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng được vận dụng, phát triển sáng tạo trong bối cảnh tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Trung tâm giám sát, điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng tích hợp nhiều công nghệ số hiện đại, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và điện toán đám mây. (Ảnh: TTXVN)

2. Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: chuyển đổi số phải thực sự là một cuộc cách mạng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. “Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ đồng thời cũng là thách thức trên con đường phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại”.

Để thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số; đồng thời cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật, kiên định mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời không ngừng đổi mới để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho nền kinh tế số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thường xuyên rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới, như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo... bảo đảm khung pháp lý không trở thành rào cản của sự phát triển, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, đẩy nhanh hiện đại hóa. Có cơ chế, chính sách phù hợp huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế; nguồn lực từ đất đai, tài sản trong xã hội mà người dân đang tích luỹ, biến những tiềm năng này thành động lực, tư liệu sản xuất, để sản xuất ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn trong và ngoài nước cho phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy tối đa nguồn lực con người - nhân tố quyết định của sự nghiệp đổi mới. Có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, cải cách, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số. Trong quá trình cải cách, bám sát nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Việc tinh gọn bộ máy phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Nhằm thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, cần phải có một số thay đổi sau: Một là, thay đổi về nhận thức, có tư duy mới về cuộc cách mạng chuyển đổi số. Hai là, có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng chuyển đổi số. Ba là, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị vào thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số. Bốn là, tập trung xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt trong thực tiễn thể chế, cơ chế, chính sách chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội. Năm là, khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực con người - nhân tố quyết định của sự nghiệp đổi mới, của cuộc cách mạng chuyển đổi số. Sáu là, hiện thực hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số. Bảy là, bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số...

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Trong quá trình chuẩn bị Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, nhất là Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, chúng ta cần quán triệt sâu sắc những quan điểm mới, tư tưởng chỉ đạo đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chuyển đổi số - cuộc cách mạng tạo ra bước đột phá mới, động lực mới trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: giàu mạnh, dân chủ, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét