Một là, hàng năm, mỗi cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị cần ban hành kế hoạch hoặc lồng ghép trong chương trình, kế hoạch công tác nội dung tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ nhằm tạo sự thống nhất và nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên và xã hội về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, phòng, chống “chạy chức, chạy quyền”. Đây là nội dung và giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng, cần thực hiện thường xuyên, đầy đủ, nghiêm túc, bởi nếu chưa tạo được sự thống nhất và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên và xã hội về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” thì cũng chưa tạo được tiền đề để kiểm soát có hiệu quả quyền lực và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ. Qua đó sẽ góp phần nâng cao ý thức tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung; của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp trong công tác cán bộ.
Tăng cường hơn nữa vai trò chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra, đôn đốc của các ban đảng Trung ương đối với công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ bằng các hình thức phù hợp để tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác đấu tranh, ngăn chặn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Hai là, tổ chức tổng rà soát quy định của Đảng và pháp luật về công tác cán bộ để phát hiện những vướng mắc, bất cập, trên cơ sở đó đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy định của Đảng và Nhà nước về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, theo nguyên tắc quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, chính sách, pháp luật; quyền lực phải được ràng buộc chặt chẽ bằng nghĩa vụ, trách nhiệm với quy định cụ thể trong cơ chế, chính sách, pháp luật. Trước hết, cần ưu tiên rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và pháp luật cán bộ, công chức để đảm bảo cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nói chung và của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải theo hướng đa chiều, đa diện, được tiến hành thường xuyên, đồng bộ, chặt chẽ.
Đặc biệt, cần xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm chính trị của người đứng đầu trong công tác cán bộ để đảm bảo trách nhiệm pháp lý phải gắn liền với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác cán bộ nói riêng trong cơ quan, đơn vị. Trách nhiệm chính trị gắn liền với trách nhiệm đảng viên của người đứng đầu, trong mọi trường hợp có vi phạm xảy ra trong cơ quan, đơn vị thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Về phương pháp, phải tiến hành đồng thời với nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và thực hiện chiến lược công tác cán bộ của Đảng.
Ba là, công tác bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cán bộ ở các cấp, các ngành, từ bộ máy đảng đến bộ máy chính quyền phải được công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự. Việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, cất nhắc cán bộ phải đảm bảo các nguyên tắc chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ và phải được tiến hành khoa học, dân chủ để trao quyền lực đúng người, đúng vị trí.
Đối với người đứng đầu, cần nêu gương về thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm quyền hạn, trách nhiệm trong công tác cán bộ. Phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực đến cấp có thẩm quyền những nội dung có liên quan đến nhân sự thuộc thẩm quyền được phân công theo dõi, quản lý; thể hiện rõ chính kiến, chịu trách nhiệm về ý kiến của mình và được bảo lưu ý kiến. Chịu trách nhiệm cá nhân trong việc đề xuất, nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền được phân công theo dõi, quản lý. Chịu trách nhiệm chung đối với quyết định không đúng của tập thể lãnh đạo cấp ủy và chính quyền cơ quan, đơn vị về công tác cán bộ, trừ trường hợp đã có ý kiến không đồng ý được ghi trong biên bản cuộc họp hoặc đã báo cáo cấp có thẩm quyền bằng văn bản. Tự giác báo cáo với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo mà mình là thành viên khi xem xét nhân sự là người có quan hệ gia đình với mình. Chịu trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực thuộc thẩm quyền được giao phụ trách (đặc biệt là trách nhiệm chính trị như đã nêu trên). Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện, việc làm trái với các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ.
Người đứng đầu phải tổ chức quán triệt và chỉ đạo chấp hành nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Chỉ đạo kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cấp dưới trong việc thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về công tác cán bộ. Gương mẫu trong xem xét, bố trí người có quan hệ gia đình, thân quen vào vị trí người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc; giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý khác - đây là nội dung, yêu cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh phải hết sức tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê; lại cầm bó đuốc đi rê chân người!”. Người đứng đầu phải chỉ đạo chuẩn bị hồ sơ nhân sự và cung cấp cho các thành viên có liên quan theo quy chế làm việc; triệu tập đúng thành phần khi họp bàn về công tác cán bộ; bố trí đủ thời gian; đảm bảo dân chủ trong thảo luận, ghi phiếu biểu quyết, phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm đúng quy định. Bảo đảm yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, điều kiện, quy trình giới thiệu, đánh giá, hồ sơ nhân sự. Kết luận và báo cáo với cấp thẩm quyền đầy đủ, chính xác, trung thực, khách quan nội dung thảo luận, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; chịu trách nhiệm về kết luận, quyết định của mình về công tác cán bộ.
Bốn là, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí và các tầng lớp nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ. Đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ, đột xuất, coi trọng kiểm tra, giám sát nội bộ đối với việc thực hiện quyền lực và trách nhiệm nhằm chủ động phát hiện, ngăn ngừa các dấu hiệu, biểu hiện tham nhũng, tiêu cực của người đứng đầu trong công tác cán bộ. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu nếu có các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ, với phương châm không có “vùng cấm”, không loại trừ bất cứ đối tượng nào, ở bất kỳ cấp nào, giữ bất kỳ cương vị nào. Nếu người đứng đầu lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi, tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ phải được xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Năm là, cần khen thưởng kịp thời, có cơ chế bảo vệ những người phản ánh, tố cáo đúng các hành vi lạm dụng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, hành vi tham nhũng, lãng phí, nhất là đối với người đứng đầu. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng theo quy định để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền về công tác cán bộ, chống hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hành vi chạy chức, chạy quyền và hành vi tiêu cực khác trong công tác cán bộ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét