Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng
và Nhà nước Việt Nam hướng đến là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập
quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có
sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là một kiểu kinh tế
thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ
chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên
cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã
hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền
kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường
xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ).
Như vậy, đã phát triển kinh tế thị trường thì phải tuân theo sự
vận động của các quy luật thị trường. Những người tham gia vào quá trình sản
xuất, kinh doanh cùng đón nhận những cơ hội lẫn thách thức phải đương đầu; có
cơ may thành công lẫn nguy cơ thất bại; giàu lên hay nghèo đi có thể xảy ra.
Phát triển kinh tế thị trường vừa tạo ra động lực, phát huy mọi nguồn lực để
phát triển nền kinh tế nhanh, mạnh; vừa làm cho xã hội phân hóa, phân tầng theo
các tầng/lớp khác nhau về tài sản, mức sống, điều kiện sống, lối sống, văn hóa…
Nếu để cho quá trình này diễn ra tự nhiên thì xã hội ngày càng bị phân hóa,
phân cực giàu - nghèo gay gắt; các tầng lớp yếu thế trong xã hội càng gặp khó
khăn, cùng quẫn; nguy cơ bất ổn xã hội ngày càng cao.
Để định hướng xã hội
chủ nghĩa, vai trò lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa quyết
định. Một trong những công cụ cơ bản nhất, đó là thực thi các chính sách xã
hội. Với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách xã hội theo phương
châm: khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với nhiệm vụ giúp đỡ, tạo điều kiện
cho người nghèo cùng vươn lên trong cuộc sống bằng việc thực thi hàng loạt các
chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, y tế, lao động, việc làm,vv... là cách
làm giúp cho các giai tầng xã hội xích lại gần nhau, góp phần giảm thiểu khoảng
cách chênh lệch giữa các tầng/lớp người trong xã hội; hướng đến mục tiêu bình
đẳng, tiến bộ, phát triển toàn diện…
Ngay từ khi đề ra đường lối đổi mới toàn diện, Đảng đã rất chú
trọng đến việc giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện chính sách xã hội để
hướng đến mục tiêu công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội; đặc biệt, đến Đại
hội XIII, lần đầu tiên trong Văn kiện, Đảng đã xác định rõ, chính sách xã hội
là phương tiện/công cụ định hướng xã hội chủ nghĩa, với quan điểm: “Nhận
thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội”.
Trong bài viết luận bàn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã luận
giải rằng:“Một
đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế
thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính
sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện
tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt
quá trình phát triển”.
Vậy là, trong hoạch định và thực thi các chính sách thì phải đặc
biệt chú ý đến đặc điểm cơ bản của mối quan hệ giữa chính sách xã hội với
chính sách kinh tế là sự thống nhất biện chứng của chúng. Chính sách xã hội và
chính sách kinh tế tuy có mục tiêu riêng - mục tiêu tự thân của nó, song lại có
chung mục tiêu là nhằm phát triển xã hội. Vì vậy, mọi chính sách xã hội và
chính sách kinh tế đều hướng vào mục tiêu trung tâm là phát triển con người,
phát huy nhân tố con người, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho con người. Mỗi
chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính
sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây là một yêu cầu có
tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng
xã hội chủ nghĩa.
Có chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, hợp lý sẽ tạo ra điều
kiện, tiền đề vật chất để giải quyết các vấn đề xã hội. Chính sách xã hội được
xây dựng mà không tính đến khả năng của nền kinh tế, hoặc không quan tâm đến
lợi ích kinh tế thì sẽ cản trở kinh tế phát triển, triệt tiêu yếu tố kinh tế.
Nhưng nếu lấy tăng trưởng kinh tế làm mục tiêu tối thượng thì dẫn đến chỗ khoét
sâu những ngăn cách xã hội. Tăng trưởng kinh tế tự nó không thể giải quyết được
tất cả các vấn đề xã hội và dẫn tới tiến bộ xã hội. Để đạt đến mục tiêu tiến bộ
xã hội thì phải thông qua chính sách xã hội, phải kết hợp chính sách kinh tế
với chính sách xã hội.
Vì vậy, phải xác lập mối quan hệ hợp lý giữa chính sách xã hội với
chính sách kinh tế làm sao để hai mặt đó trở thành tiền đề của nhau. Văn kiện
qua các kỳ Đại hội của Đảng đều khẳng định: Tăng trưởng kinh tế
phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong
suốt quá trình phát triển. Không phát triển kinh tế với bất cứ giá nào, bất chấp hậu
quả xã hội ra sao. Thông thường, sai lầm về kinh tế có thể khắc phục được sau
một thời gian ngắn, có thể sau một vài chu kỳ sản xuất; nhưng những hậu quả về
mặt xã hội có thể đánh đổi hàng trăm năm chưa chắc khắc phục được.
Xuyên suốt các kỳ đại
hội, nghị quyết của Đảng đều nhất quán quan điểm chỉ đạo: “Gắn kết chặt chẽ
chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất
lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt
hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước”.
Như vậy, chủ trương “phát triển kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa” của Đảng và Nhà nước Việt Nam không phải là một giải pháp mang
tính tình thế, một ý tưởng nhất thời mà là đường lối phát triển đất nước được
hoạch định và trù liệu công phu, kỹ lưỡng, được dựa trên cơ sở lý luận vững
chắc và phù hợp với tình hình thực tiễn. Là một mô hình phát triển mới lạ nhưng
qua tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng và Chính phủ đã ngày càng
nhận thức đúng đắn hơn, sâu sắc hơn và đề ra quyết sách chính xác hơn.
Là một nước đi ra từ các cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài vô cùng
tàn khốc, với xuất phát điểm nghèo nàn, lạc hậu (thuộc nhóm nước chậm phát
triển), nhờ thực hiện đường lối: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa mà Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp từ năm
2008. Trong 35 năm đổi mới vừa qua, kinh tế tăng trưởng liên tục, trung bình
khoảng 7% mỗi năm; tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 3% năm
2020 theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết
đọc, biết viết; người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi đều được cấp
bảo hiểm y tế miễn phí. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi
năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Hiện Việt Nam có khoảng 70% dân
số sử dụng Internet, thuộc nhóm nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao
nhất thế giới; chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam đạt mức
0,704 (so với các nước có cùng trình độ phát triển thì nước ta thuộc nhóm nước
có HDI cao của thế giới), lần đầu tiên vào nhóm các nước phát triển con người
cao và xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Báo cáo phát triển bền
vững 2020,
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được năm mục tiêu hành động của
Liên hiệp quốc (trong đó có các biện pháp giảm khí thải CO2, thúc đẩy năng
lượng tái tạo và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu). Đời sống
nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; các mặt chính
trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được bảo đảm…
“Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch
sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất
cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ
có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Khi đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, nhất là biến chủng
Delta lây lan với tốc độ nhanh trên nhiều tỉnh/thành của cả nước thì Đảng và
Chính phủ đã đưa ra các quyết sách trên tinh thần nhân văn cao cả, đó là hi
sinh tăng trưởng kinh tế để cứu người. Nếu không thẩm thấu tinh thần, lý tưởng cao
đẹp của chủ nghĩa xã hội thì không có những chủ trương, quyết sách thấm đẫm
tinh thần nhân văn, nhân bản vì con người như vậy.
Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nói trên vừa khẳng
định đường lối đúng đắn cùng sự lãnh đạo, quản lý tài tình của Đảng và Nhà
nước; vừa là minh chứng để đập tan mọi loại quan điểm sai trái, thù địch.
Đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa thực sự là một đột phá tư duy rất cơ bản và sáng tạo của Ðảng, là thành
quả phát triển lý luận và thực tiễn của Việt Nam qua quá trình đổi mới toàn
diện đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét