Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

Kiên quyết đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” của Việt Nam

 Kiên định chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” là chủ trương đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, hành động nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Đó là kế sách “sâu rễ, bền gốc” để “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Tuy nhiên, với mưu đồ thâm độc, các thế lực thù địch đã và đang ra sức xuyên tạc, chống phá bằng nhiều chiêu trò tinh vi, xảo quyệt, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.

Trong tiến trình hàng nghìn năm lịch sử, dựng nước đi đôi với giữ nước đã trở thành truyền thống quý báu; là quy luật trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. Kế thừa kinh nghiệm quý mà tổ tiên để lại, Đảng ta luôn chủ động chăm lo củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; trong đó, kiên định chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, quan điểm nhất quán, góp phần “giữ yên bờ cõi”, giữ cho “trong ấm, ngoài êm”, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đây là kế sách “sâu rễ, bền gốc”, thể hiện sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống và nghệ thuật quân sự độc đáo của tổ tiên ta; đồng thời, mang tính thời đại sâu sắc.

Là quốc gia chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam hiểu rõ giá trị của “hòa bình”, yêu chuộng hòa bình luôn là khát vọng, truyền thống của dân tộc; hòa bình được coi là một “giá trị thiêng liêng” của đất nước. Thực hiện chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ”, Việt Nam chủ trương: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước, cũng như tạo nền tảng vững chắc giải quyết những thách thức an ninh chung, Việt Nam chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước; quan tâm duy trì và phát triển những mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ phù hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực phức tạp hiện nay, Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng, chủ trương xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” tiến lên hiện đại là nhằm nâng cao khả năng “tự vệ”, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, chứ không phải là chạy đua vũ trang và càng không hề có dụng ý đe dọa vũ lực hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế như các thế lực thù địch từng rêu rao, xuyên tạc.

Âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch

Chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta; kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi và hóa giải nguy cơ chiến tranh, xung đột “từ sớm, từ xa”, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đưa đất nước phát triển. Đây cũng là thông điệp hòa bình mà Việt Nam nhắn gửi tới cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, với bản chất thù địch chưa bao giờ thay đổi, các thế lực chống phá Việt Nam luôn tìm mọi cách chống phá chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ”, tung ra luận điệu xuyên tạc, công kích chính sách đúng đắn đó của Đảng và Nhà nước ta. Chúng suy diễn, cho rằng chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” là “đối sách nhu nhược”, là “hành động tự trói”, là sự “cam chịu và khuất phục” trước các nước lớn. Nham hiểm hơn, lợi dụng việc nước ta bỏ phiếu tại Liên hợp quốc về cuộc xung đột Nga - Ukraine, chúng tuyên truyền, kích động: chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính “chung chung”, rất “mơ hồ”, “không rõ ràng”, “phi thực tế”, mang nặng tư tưởng “hòa bình chủ nghĩa”. Không những thế, chúng phớt lờ, phủ nhận những đóng góp quan trọng của Việt Nam trước đây và hiện nay đối với cộng đồng quốc tế, nhất là việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Chúng “quên” điều đó cũng là dễ hiểu, bởi nếu nhắc lại thì đối với chúng “lợi bất cập hại”, trước mắt sẽ gây bất lợi cho các hoạt động xuyên tạc chính sách quốc phòng của Việt Nam. Tráo trở và thâm độc hơn, chúng tỏ vẻ “quan tâm sâu sắc” đến sự an nguy của đất nước và “quan ngại, lo lắng” trước thực tế các nước đang hợp tác đầu tư mạnh cho quốc phòng; chúng rêu rao: khả năng và sức mạnh tổng hợp quốc gia, sức mạnh quân sự của Việt Nam hiện tại “quá yếu”, việc hiện đại hóa Quân đội chủ yếu chỉ nằm trên “nghị quyết”, thực tế thì “lạc hậu” và “không đủ sức tự vệ”, không có khả năng giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Từ đó, chúng ra sức cổ súy, “vẽ đường”, “dẫn lối”, “đề xuất” Việt Nam nên “chọn phe”, “chọn bên” để không bị cô lập trong hoạt động quốc phòng, để luôn nhận được sự “giúp đỡ hiệu quả, chí nghĩa, chí tình” của các nước lớn, nhằm “mang lại một tương lai tươi sáng hơn”. Vì thế, chúng “gợi ý” Việt Nam nên xúc tiến “liên minh quân sự”, nhất là đối với các nước có tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới là việc làm “duy nhất đúng” lúc này, góp phần “tự cứu”, “tự vệ” và như vậy mới đủ khả năng “bảo vệ Tổ quốc vững chắc từ xa”.

Những luận điệu trên của các thế lực thù địch được che đậy, ngụy biện khá kín kẽ nên thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng khi đã thấu suốt bản chất, dã tâm của chúng, sẽ không khó nhận thấy đó chỉ là sự xuyên tạc, cực kỳ nham hiểm, thâm độc. Một mặt chúng “phủ nhận sạch trơn” những giá trị nhân văn của chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ”; mặt khác, chúng trắng trợn bóp méo sự thật, cho rằng Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng, tăng cường sức mạnh quốc phòng “không hẳn nhằm mục đích tự vệ”, mà là chạy đua vũ trang, điều đó rất dễ châm ngòi cho chiến tranh, xung đột quân sự trong khu vực. Đây là những luận điệu hết sức lố bịch, xuyên tạc trơ trẽn, nếu chúng ta không kịp thời nhận diện, vạch trần, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa thì sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu, gây hoài nghi cho nhiều người, nhiều quốc gia về chính sách quốc phòng của Việt Nam, ảnh hưởng không tốt đến uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế

Cơ sở lý luận, thực tiễn khẳng định tính đúng đắn của chính sách quốc phòng “Hòa bình và tự vệ”

Hòa bình và tự vệ là những vấn đề hệ trọng của mỗi quốc gia, dân tộc. Là một đất nước đã trải qua những cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt, đối với Việt Nam vấn đề này lại càng quan trọng, bởi nó luôn gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong đó, hòa bình là tiền đề cho “tự vệ tích cực” và tự vệ là cơ sở đảm bảo cho hòa bình thực sự, bền vững. Hòa bình phải luôn gắn chặt với tự vệ, một khi tách rời nhau thì sớm muộn gì hòa bình sẽ mất, tự vệ cũng chẳng còn. Vì thế, hòa bình và tự vệ luôn gắn bó hữu cơ với nhau và là quan điểm nhất quán của dân tộc Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại.

Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam (năm 2019), một lần nữa Đảng ta khẳng định: “Chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ”1. Kiên định, nhất quán chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ”, Đảng, Nhà nước ta đã kế thừa những tư tưởng, kinh nghiệm quý của tổ tiên ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc. Đó là tư tưởng nhân văn cao cả “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, góp phần làm nên những chiến công vang dội, viết nên những trang sử chói lọi của dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất. Với quan điểm “Thái bình tu trí lực/Vạn cổ thử giang san” (Thái bình nên gắng sức/Non nước ấy ngàn thu) - giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, nên nhà Trần hết sức chú trọng và nỗ lực giữ gìn nền hòa bình, giữ yên bờ cõi, mang lại nền “thái bình, thịnh trị” cho muôn dân.

Khi đề cập tầm quan trọng của bảo vệ - tự vệ, Đảng ta đã kế thừa, phát triển lý luận về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của V.I.Lênin, nhất là chú trọng củng cố quốc phòng, góp phần nâng cao khả năng phòng thủ, “tự vệ” chính đáng của đất nước. V.I.Lênin khẳng định: “Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”; đồng thời, chỉ rõ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”2, “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Có thể nói, lý luận về xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa của V.I.Lênin là cơ sở quan trọng để Đảng ta xác định một trong hai chiến lược quan trọng bậc nhất của quốc gia - Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và nhất quán chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ”; chủ động chuẩn bị tâm thế để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Không thể “khoanh tay đứng nhìn”, “ngồi im chờ đợi” sự giúp đỡ “chí nghĩa, chí tình” từ các nước lớn “đầy thiện chí”, để giữ vững hòa bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ như “gợi ý” của các thế lực thù địch.

Đặc biệt, chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” còn được Đảng ta kế thừa, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”3. Lời kêu gọi của Người thể hiện khát vọng mãnh liệt về một nền hòa bình bền vững, quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để giành và giữ độc lập dân tộc bằng “tự lực cánh sinh”, “dựa vào sức mình là chính”. Người khẳng định: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”4; “Chúng ta phải ra sức xây dựng Quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc”5. Như vậy, từ rất sớm chúng ta đã chủ trương xây dựng Quân đội chính quy và hiện đại để thực hiện khả năng “tự vệ chính đáng”. Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hoàn toàn không phải là một đội quân xâm lược. Như vậy, luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội chính trị cho rằng Việt Nam hiện đại hóa Quân đội là “châm ngòi” cho cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực thực sự rất lố bịch, trơ trẽn, thiếu khách quan, phản khoa học.

Nền tảng pháp lý vững chắc để Việt Nam nhất quán với chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” là dựa vào Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, các hiệp định, hiệp ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết và là một thành viên tích cực, tin cậy, có trách nhiệm cao. Theo đó, trong quan hệ quốc tế, Việt nam cam kết thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; đồng thời, vì sự ổn định và hòa bình của khu vực và thế giới, chúng ta nêu rõ quan điểm không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp, bất đồng với các nước; đề cao chủ trương giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các tiến trình pháp lý và ngoại giao. Như vậy, chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với mục đích cao cả mà Hiến chương Liên hợp quốc hướng đến, điều này cũng đập tan luận điệu của các thế lực thù địch cho rằng chính sách quốc phòng của Việt Nam là “ích kỷ”, “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi”.

Có thể thấy, để giữ vững được hòa bình, độc lập dân tộc, không thể thiếu hoạt động bảo vệ - tự vệ; hơn thế còn cần phải có sự chuẩn bị chu đáo và tổng thể các biện pháp hoạt động đủ mạnh mới đạt được mục tiêu xác định. Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng, gia tăng tiềm lực quốc phòng không gì ngoài mục đích tự vệ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; đồng thời, bằng những hoạt động tích cực, hiệu quả Việt Nam ngày càng có những đóng góp quan trọng nhằm giữ vững hòa bình, ổn định; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, chủ động nâng cao khả năng “tự vệ” của đất nước, sẵn sàng đánh bại quân xâm lược, kiến tạo hòa bình là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của các triều đại phong kiến Việt Nam. Thực tiễn kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống cho thấy, trước thế giặc rất mạnh, nhà Lý đã tích cực chuẩn bị kháng chiến, tăng cường khả năng phòng bị, xây dựng lực lượng quân đội tinh nhuệ, nhiều thứ quân, bố trí thế trận chống giặc “hiểm, sắc, chắc, có chiều sâu” trên những địa bàn chiến lược. Theo đó, Lý Thường Kiệt chủ động cho xây dựng phòng tuyến vững chắc trên sông Như Nguyệt, kịp thời chặn đứng cuộc tiến công của địch, lập thế, tạo thời cơ có lợi, phản công đánh bại quân xâm lược, giữ vững nền độc lập. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, với mục tiêu bất biến là “Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh”, “mở nền thái bình muôn thủa” và với tư duy nhạy bén, chiến lược, Nguyễn Trãi chỉ rõ: “Nghĩ vì kế lâu dài của nhà nước/Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh/Sửa hòa hiếu cho hai nước/Tắt muôn đời chiến tranh”6, chúng ta đã thể hiện rõ thiện chí và khát vọng hòa bình, chủ trương giữ hòa hiếu với các nước láng giềng, nhằm mang lại nền độc lập bền vững, “tránh họa binh đao”, có điều kiện để khắc phục hậu quả chiến tranh, dựng xây đất nước. Chính sách đó thể hiện rõ tinh thần cao thượng của tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam, nghệ thuật ngoại giao hết sức mềm dẻo, linh hoạt, hiệu quả, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, xây dựng và kiến tạo nền hòa bình bền vững, giữ yên biên thùy.

Giương cao “ngọn đuốc hòa bình”, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, từ rất sớm Việt Nam đã chủ động xây dựng tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của 03 nước Đông Dương; giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt “chế độ diệt chủng”, góp phần bảo vệ nền độc lập, tự do của mỗi dân tộc. Mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào - Campuchia trải qua bao thăng trầm của lịch sử đã phát triển lên một tầm cao mới. Điều đó phù hợp với nguyện vọng chính đáng của chính phủ và nhân dân mỗi nước, đồng thời góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Là quốc gia có trách nhiệm cao đối với cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, luôn chủ động, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các nước nhằm giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống vì hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển. Theo đó, từ tháng 6/2014, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), trên các lĩnh vực: tham mưu, y tế, công binh, v.v. Tháng 02/2023, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc đề nghị các nước và tổ chức quốc tế hỗ trợ ứng cứu, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử 76 cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân nước sở tại về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đầy trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, v.v. 

Giải pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch

Chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” của Việt Nam là sự kế thừa quan điểm, tư tưởng mang tính quy luật “dựng nước đi đôi với giữ nước” và thực tiễn phong phú trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đây chính là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một chính sách mang đậm tính nhân văn và thể hiện sâu sắc bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam - một dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn khát khao, nỗ lực đấu tranh giành và giữ vững nền hòa bình, độc lập ấy. Điều đó cũng trả lời cho câu hỏi vì sao Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn kiên định, nhất quán với chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ”; đồng thời cũng lý giải cho việc tại sao các thế lực thù địch lại ra sức xuyên tạc chính sách quốc phòng của Việt Nam, nội dung quan trọng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà chúng đã và đang thực hiện nhằm chống phá cách mạng nước ta. Vì thế, đối với chúng ta, để đấu tranh làm thất bại những luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam của các thế lực thù địch cần phải được kết hợp chặt chẽ với đấu tranh làm thất bại các hoạt động chống phá trên rất nhiều lĩnh vực khác; trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau.

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách quốc phòng “Hòa bình và tự vệ”.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong quá trình đấu tranh vạch trần bộ mặt thật và âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch đối với chính sách quốc phòng Việt Nam. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên cả trong nước và ngoài nước (thông tin đối ngoại) để nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu đúng bản chất, nội dung chính sách quốc phòng, nhất là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, vạch trần sự xuyên tạc, ngụy biện của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; chỉ rõ cơ sở lý luận, thực tiễn khoa học, nội dung cơ bản khẳng định chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chính nghĩa “hòa bình và tự vệ”, để mọi người chủ động, tự giác đấu tranh trực diện, hiệu quả. Cùng với công tác tuyên truyền giáo dục phải thường xuyên nắm chắc tình hình, nhất là những động thái mới, thủ đoạn mới, chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch, để kịp thời có biện pháp đấu tranh thích ứng, phù hợp, đạt hiệu quả thiết thực. Quá trình tuyên truyền, giáo dục cần chú trọng giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, không ngừng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Phải làm cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhận thức rõ mục tiêu, tính chất ngụy biện của chiến lược “diễn biến hòa bình” nói chung, luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam nói riêng của các thế lực thù địch đang tiến hành, cũng như tầm quan trọng cuộc đấu tranh của chúng ta với “cuộc chiến không tiếng súng” này.

Trước sự biến động nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, cần phải tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục cả nội dung, hình thức, phương pháp theo hướng kết hợp giáo dục theo chương trình cơ bản với tổ chức tọa đàm, hội thảo, diễn đàn thanh niên, giáo dục chuyên đề, v.v. Thông qua đó, tiếp tục củng cố vững chắc lòng tin của các quốc gia về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình; tích cực, chủ động cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, tạo sức đề kháng “tự miễn dịch” trước những thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch.

Hai làtăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, nâng cao năng lực “tự bảo vệ”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Để có được nền hòa bình, độc lập, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc như hiện nay, nhân dân ta đã phải trả một cái giá không hề rẻ bằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đó là tài sản quý nhất, lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc, mà chúng ta phải gìn giữ bằng mọi giá, mọi cách trong khả năng của mình. Chúng ta không “ảo tưởng về hòa bình”, càng không thể trông chờ vào “một nền hòa bình viển vông” do một ai đó “vẽ ra” hoặc “ban phát”; hòa bình chỉ có thể được đảm bảo bền vững khi có nền quốc phòng đủ mạnh, đủ sức răn đe những cái “đầu nóng” luôn toan tính “nhòm ngó” thôn tính chúng ta. Thực tế hiện nay cho thấy, không trân trọng “hòa bình”, không nâng cao khả năng “tự vệ”, cả tin theo những “bánh vẽ” mà người khác “ban tặng”, thì hậu quả là đất nước rối loạn, nhân dân ly tán và hậu quả là nhãn tiền. Cho nên, tăng cường sức mạnh quốc phòng là kế sách bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của Đảng, Nhà nước ta.

Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam cho thấy, trong bất kỳ giai đoạn cam go nào, trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, sự lãnh đạo của Đảng luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng là công việc trọng yếu của quốc gia - dân tộc ngay cả trong thời bình, nhất là trong những thời điểm nền độc lập dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng, đất nước lâm nguy. Thấu triệt điều đó, Đảng, Nhà nước tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng tiềm lực vững mạnh, lực lượng rộng khắp, thế trận quốc phòng vững chắc, từ đó nâng cao khả năng huy động quốc phòng, nhằm ứng phó hiệu quả với mọi tình huống, luôn giữ vững sự chủ động, không để bất ngờ về chiến lược. Chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ các cấp vững chắc, nhất là các địa bàn chiến lược, trọng yếu và trên cả nước, tạo thế trận “liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc, có chiều sâu”. Tập trung xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng nghiên cứu, nâng cao năng lực tác chiến trên không gian mạng, chiến tranh thông tin và các hình thái chiến tranh mới, nhằm đảm bảo sự chủ động và giành thắng lợi khi đất nước xảy ra chiến tranh xâm lược. Đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh tự chủ, tự lực, tự cường, lưỡng dụng và ngày càng hiện đại; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Ba làphát huy sức mạnh tổng hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá chính sách quốc phòng.

Thực tiễn cho thấy, các thế lực thù địch không từ âm mưu, thủ đoạn thâm độc nào để chống phá ta trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng và chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ”. Thậm chí chúng còn liên tục thay đổi cách thức, biện pháp chống phá, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng và sâu rộng cả về nội dung và hình thức. Vì thế, chúng ta cần phải bám sát thực tiễn, nhận diện đúng đối tượng, nội dung xuyên tạc, thời điểm tập trung chống phá của chúng để trên cơ sở đó sử dụng tổng thể các biện pháp, phương thức, lực lượng phòng, chống đạt hiệu quả thiết thực.

Về lực lượng đấu tranh, cần phát huy cả lực lượng trong và ngoài nước, lực lượng chuyên trách và lực lượng rộng rãi, trong đó vai trò của cơ quan Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47, đội ngũ chuyên gia các cấp, các cơ quan truyền thông, báo chí, xuất bản,… là rất quan trọng. Về phương thức đấu tranh, cần phải linh hoạt, sáng tạo kết hợp chặt chẽ cả hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền trong các sự kiện chính trị - xã hội, lễ hội truyền thống, tuyên truyền thông tin đối ngoại, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, trên internet, v.v. Cần phải chủ động đấu tranh, giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng, chiếm lĩnh trận địa thông tin và tích cực đổi mới sao cho linh hoạt, sáng tạo, với phương thức đa dạng, hiệu quả; đồng thời, chuẩn bị tốt cả về lực lượng, phương tiện và cách thức tiến hành, chú trọng đấu tranh trên môi trường không gian mạng. Cùng với đó, phải coi trọng phân tích, đánh giá, phản biện, chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại, kịp thời đúc rút những bài học hay, kinh nghiệm quý để nhân rộng trong toàn xã hội, v.v.

Bốn làđẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, nhằm kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác đối ngoại và đối ngoại quốc phòng, coi đây là kế sách “sâu rễ, bền gốc” giữ nước “từ khi nước chưa nguy” bằng biện pháp hòa bình, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Kết hợp chặt chẽ các lực lượng, biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đối ngoại, giúp cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” của Đảng và Nhà nước ta. Trong quan hệ quốc tế, cần kiên định nguyên tắc độc lập dân tộc gắn với bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ là bất biến, nhưng phải căn cứ vào tình hình cụ thể, xử lí khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, xác định rõ đối tác, đối tượng để vừa hợp tác, vừa đấu tranh, tránh bị cô lập, lệ thuộc hoặc ở vào thế buộc phải “chọn bên”, “chọn phe”; không để nước ta trở thành chiến trường, địa bàn xung đột lợi ích chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn. Tăng cường và ngày càng thắt chặt quan hệ hữu nghị, tốt đẹp, xây dựng “biên cương xanh”, nâng cao chất lượng hiệu quả, đi vào chiều sâu, thực chất hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng với các nước láng giềng. Tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; đa dạng hóa đối tác hợp tác quân sự quốc phòng; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại quốc phòng bằng nhiều hình thức: tham gia các diễn đàn của khu vực và quốc tế, trao đổi đoàn, hợp tác huấn luyện, đào tạo, tuần tra chung, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, v.v. Tăng cường hợp tác trong ứng phó và giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống; tham gia tích cực, hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh,... góp phần không ngừng tăng cường uy tín, tiềm lực, sức mạnh quốc gia trên trường quốc tế, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét