Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng. Không chỉ vậy, mỗi người Việt Nam ở nước ngoài còn là một sứ giả để lan tỏa ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Tiếng Việt vang trên bục giảng ở nước ngoài
Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du (Lào) do Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane quản lý, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.
Hiện nay, trường có khoảng 1.000 học sinh, trong đó 30% là con em người Việt và khoảng 60 cán bộ, giáo viên. Hằng ngày, bên cạnh việc học tiếng phổ thông là tiếng Lào, các học sinh còn học tiếng Việt và nói tiếng Việt như một ngôn ngữ phổ thông.
Chia sẻ tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư diễn ra tại Hà Nội gần đây, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh không chỉ đơn thuần học đọc, viết và nói tiếng Việt mà văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam trong mỗi tiết học đều vang lên trên bục giảng. “Các giáo viên luôn tìm mọi biện pháp, kết hợp giữa giáo trình và thực tế, sao cho việc giảng dạy tiếng Việt đạt hiệu quả tốt nhất; làm sao để học sinh yêu thích bộ môn và hiểu nhiều hơn về văn hóa, con người Việt Nam, từ đó hướng tới có trách nhiệm trong việc gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp của hai dân tộc Việt Nam-Lào”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho hay.
Trường Việt ngữ Cây Tre là ngôi trường cộng đồng đầu tiên tại Nhật Bản. Bà Lê Thương, Phó chủ tịch Thường trực Hội Phụ nữ Việt Nam vùng Kansai, người sáng lập Trường Việt ngữ Cây Tre cho biết, ngoài việc đào tạo tiếng Việt miễn phí cho con em người Việt ở vùng Kansai, Ban giám hiệu nhà trường còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa hướng về cội nguồn, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước thông qua hình ảnh ngôi trường làng có cây tre-hình ảnh rất quen thuộc của mỗi làng quê Việt Nam.
Tại Hà Lan, các lớp dạy tiếng Việt cho kiều bào đang hoạt động ở dạng câu lạc bộ. Để dạy tiếng Việt, văn hóa Việt một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn, cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu cho biết, trong thời gian tới, cô Hương sẽ đẩy mạnh và xây dựng câu lạc bộ thành trung tâm. “Thông qua Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư, tôi mong muốn tìm được sự giúp đỡ từ trong nước, từ đó tạo ra liên kết, góp phần lan tỏa tiếng Việt ở Hà Lan. Khi đã có ngôn ngữ thì văn hóa cũng sẽ được lan tỏa rộng hơn”, cô giáo Lan Hương bày tỏ.
Sứ mệnh giữ gìn tiếng mẹ đẻ
Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy, lan tỏa văn hóa Việt tại nhiều nước còn gặp trở ngại. Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc điều hành Tổ chức giao lưu văn hóa Việt Nam-Australia (Vaceo) nêu một số khó khăn nhất định như: Thiếu nguồn lực tài chính và chuyên môn, khoảng cách địa lý và sự phân tán của cộng đồng, suy giảm ý thức giữ gìn văn hóa trong giới trẻ, thiếu cơ sở vật chất và phương tiện hỗ trợ, khó khăn trong việc huy động tham gia của các tổ chức, cá nhân.
Để tiếp tục thực hiện sứ mệnh giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở Australia, bà Nguyễn Việt Hà kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tài chính để tổ chức các sự kiện văn hóa, mở lớp học tiếng Việt cũng như phát triển các sản phẩm văn hóa như sách, phim tài liệu về văn hóa Việt Nam. Những hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống có thể làm theo tính chất tổng hợp, lồng ghép cả quảng bá du lịch, nông sản... để mang lại hiệu quả cao nhất.
Nghị quyết số 36 NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện là tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ. Theo bà Phạm Thị Kim Hoa, Vụ trưởng Vụ Thông tin văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, trong những năm qua, Ủy ban đã tổ chức được nhiều chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng giảng dạy tiếng Việt tại Hà Nội cho bà con kiều bào, gồm các giáo viên, tình nguyện viên ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ năm 2013 đến 2023, hơn 800 giáo viên, tình nguyện viên kiều bào đã được đào tạo trở thành những nòng cốt quan trọng, góp phần tham gia công tác giảng dạy tiếng Việt ở các địa bàn khác nhau.
Trong năm 2024, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã, đang và sẽ tiếp tục các hoạt động như: Lễ tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tìm kiếm "Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài", khai trương "Tủ sách tiếng Việt"... nhằm giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài, từ đó lan tỏa văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét